NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH TRỊ BỆNH TÁO BÓN
Táo bón là một trong những triệu chứng bệnh thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Rất nhiều người coi thường chuyện táo bón và không điều trị sớm, mà không biết rằng táo bón kéo dài có thể là triệu chứng của nhiều bệnh nguy hiểm, đồng thời táo bón kéo dài cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách trị bệnh táo bón hiệu quả nhất!
1. Nguyên nhân gây táo bón
- Táo bón chức năng
Là tình trạng bệnh nhân bị táo bón trong khi không có tổn thương ở đại tràng, trực tràng và hậu môn. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất. Thường do các nguyên nhân sau:
+ Do chế độ ăn uống bừa bãi: những người có thói quen ăn ít rau xanh, uống ít nước, hay dùng đồ ăn nhanh, ăn quá nhanh không nhai kĩ, thường xuyên sử dụng các chất kích thích café, rượu, bia… thì rất dễ bị táo bón.
+ Do thói quen sinh hoạt không khoa học
Thói quen không đại tiện đúng giờ giấc, quên đại tiện, nhịn đại tiện làm rối loạn phản xạ mót rặn. Hoặc do những nghề phải ngồi nhiều ít hoạt động, nghề phải tiếp xúc với chì, ngộ độc chì mạn tính, ảnh hưởng đến sự hoạt động của ruột, khiến giảm nhu động ruột gây táo bón.
+ Do suy nhược: những người già, suy nhược mắc bệnh mạn tính phải nằm lâu.
+ Do thuốc: 1 số thuốc làm giảm nhu động ruột hoặc làm phân khô cứng như thuốc phiện, tannin, thuốc an thần, thuốc có chất sắt. Do sử dụng các thuốc nhuận tràng kéo dài gây phản ứng ngược.
+ Những bệnh toàn thân: tình trạng nhiễm khuẩn sốt nhiều, sau phẫu thuật mất nhiều máu… Hoặc bị các rối loạn tâm thần: lo lắng, trầm cảm không để ý đến đại tiện, mất phản xạ mót rặn.
- Táo bón thực thể: có nguyên nhân
+ Do có u, polyp, ung thư ở vùng hậu môn trực tràng gây cản trở đường đi của phân.
+ Tổn thương bẩm sinh của đại tràng: bệnh phình đại tràng, giãn đại tràng…
+ Tổn thương của trực tràng và hậu môn: trĩ, nứt hậu môn khiến mỗi làn đi đại tiện bệnh nhân thấy đau rát nên ngại đi đại tiện, lâu dần gây táo bón.
Hẹp trực tràng, hẹp hậu môn do di chứng của bệnh nhiễm khuẩn vùng hậu môn trực tràng.
+ Do chèn ép từ ngoài: Phụ nữ mang thai ở những tháng giữa và cuối, thai to đè vào trực tràng. Khối u vùng tiểu khung. Các dây chằng dính sau mổ, hay sau viêm xung quanh đại trực tràng.
+ Tổn thương não, màng não gây táo bón do rối loạn thần kinh thực vật.
2. Cách điều trị táo bón hiệu quả
Để điều trị táo bón và phòng ngừa táo bón tái phát thì cần kết hợp nhiều biện pháp với nhau mới hiệu quả:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống
Cần uống đủ 2-3 lít nước mỗi ngày, tăng cường ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi đặc biệt là các loại như quả bơ, chuối, khoai lang, thanh long, mướp, đậu bắp, mồng tới giúp nhuận tràng rất tốt.
Bệnh nhân cũng nên sử dụng các loại dầu thực vật, tăng cường ăn ngũ cốc hạt và tránh xa đồ cay nóng, hạn chế đồ chiên xào.
- Rèn luyện thói quen sinh hoạt khoa học
Nên rèn luyện thói quen đi đại tiện vào một giờ nhất định trong ngày, không sử dụng điện thoại, đọc báo trong khi đi vệ sinh, tránh ngồi quá lâu.
Không nên ngồi lâu hay đứng lâu 1 chỗ, cần dành thời gian đi lại, vận động vùng hông lưng để tăng máu lưu thông tới vùng chậu.
- Điều trị táo bón theo đông y
Theo đông y táo bón thường do địa tạng âm hư, huyết nhiệt hoặc do thiếu máu làm tân dịch giảm gây ra, hoặc do người già, phụ nữ sau khi sinh đẻ nhiều lần cơ nhục bị yếu gây khí trệ khó bài tiết phân ra ngoài; hoặc do người vốn dương hư không vận hành được khí gây tân dịch không lưu thông, hoặc do bị kiết lỵ mạn tính làm tỳ vị kém vận hóa gây táo bón.
Tùy theo từng thể mà đông y sử dụng các phương điều trị như lương huyết nhuận táo, dưỡng âm nhuận táo, bổ huyết nhuận táo hay ích khí nhuận tràng.
Các vị thuốc thường được sử dụng trong điều trị táo bón như Ma nhân, Củ mài, Đại hoàng, Bá tử nhân…
Bác sĩ Thúy Hường
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
số 5 - 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943986986 - 0937638282