NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH BỆNH LIỆT DÂY THẦN KINH SỐ VII NGOẠI BIÊN
Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên là tình trạng mất hoặc giảm vận động nửa mặt của những cơ bám da mặt do dây thần kinh số VII chi phối. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày và có thể để lại di chứng về vận động, mất thẩm mỹ nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách. Vậy nguyên nhân gây bệnh là gì, có cách nào để phòng tránh bệnh liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, hãy cùng Nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu nhé!
Dây thần kinh số VII còn gọi là thần kinh mặt là một dây hỗn hợp có nhiều chức năng về vận động, cảm giác, vị giác. Các sợi vận động, xuất phát từ hai nhóm nhân thần kinh mặt đi đến vận động các cơ bám da mặt và cổ, thực hiện các động tác nhăn trán, nhắm mắt, hỉnh mũi, cười, huýt gió, phồng má,... các biểu cảm cảm xúc tinh tế được thể hiện qua từng thớ cơ nhỏ trên mặt đều được thần kinh này điều khiển. Ngoài ra dây thần kinh số VII còn chi phối cơ vùng tai giữa liên quan đến bộ phận tiếp nhận âm thanh, chi phối hoạt động bài tiết của các tuyến nước mắt, tuyến dưới hàm, tuyến dưới lưỡi, tuyến niêm dịch của mũi và đảm nhiệm cảm nhận vị giác ở 2/3 trước lưỡi.
Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên (Liệt mặt Bell) là tình trạng mất hoặc giảm vận động nửa mặt của những cơ bám da mặt do dây thần kinh số VII chi phối, có dấu hiệu Charles-Bell dương tính. Khi bị liệt dây thần kinh số VII sẽ có biểu hiện các cơ mặt bị liệt, các nếp nhăn, rãnh mũi má bị mờ hoặc mất hẳn, miệng méo, mặt đơ như mặt nạ, mắt nhắm không kín, chảy nước mắt và chảy nước dãi nhiều hơn bình thường, ăn uống khó khăn…
Nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số VII ngoại biên
Bệnh liệt dây thần kinh số VII ngoại biên có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, dưới đây là những nguyên nhân thường gặp:
Do dây thần kinh bị nhiễm lạnh đột ngột: Đoạn dây thần kinh số VII nằm trong ống xương đá, vốn dĩ đã bị lạnh (do không có cơ che phủ dây thần kinh), do đó khi gặp gió lạnh đột ngột, không khí lạnh buốt từ bên ngoài khiến cho nó bị nhiễm lạnh đột ngột, mạch máu bị co thắt lại, dẫn đến thiếu máu nuôi dưỡng và sưởi ấm làm cho dây thần kinh sẽ bị phù lên, bị chèn ép và dẫn đến liệt.
Do nhiễm virus cảm cúm: Khi nhiễm độc tố của virus cảm cúm ảnh hưởng đến dẫn truyền của dây thần kinh số VII, dễ dẫn đến bị sưng phù và bị liệt.
Do bị Zona hạch gối: Khi bị Zona hạch gối dẫn đến tổn thương Zona dạng mụn nước vùng tai, gây liệt mặt ngoại vi, giảm cảm giác cơ mặt, mất vị giác 2/3 trước lưỡi, tê lưỡi, ù tai, nghe kém…
Do bị chấn thương, phẫu thuật vùng tai: Viêm tai, khối u trong xương đá, u tuyến mang tai, vùng hàm mặt rất dễ dẫn đến bị liệt dây thần kinh số VII, gây khô mắt, mắt nhắm không kín hoặc chảy nước mắt, ù tai nghe vang đau nhức đầu, giảm tiết nước bọt hoặc chảy nước dãi.
Do bị các bệnh ở nền sọ, vòm họng như: u vòm họng, u dây thần kinh số VII. Tụ máu nền sọ, dẫn đến liệt dây thần kinh số VII .
Do mắc các bệnh lý về mạch máu như: Viêm quanh động mạch, đái tháo đường… gây liệt dây thần kinh số VII…
Liệt dây thần kinh có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, nhưng có nguy cơ cao gặp ở những đối tượng:
- Người có hệ miễn dịch kém, suy nhược cơ thể
- Phụ nữ mang thai
- Người có tiền sử về bệnh huyết áp cao hay xơ vữa động mạch
- Người có lối sống không lành mạnh, thức khuya, lười vận động, thường xuyên căng thẳng
- Lạm dụng chất kích thích, thường xuyên uống bia rượu
- Người dễ bị nhiễm lạnh, đi sớm về khuya, không mặc đủ ấm
Theo Đông Y, Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên thuộc chứng “Khẩu nhãn oa tà” do phong hàn (Do lạnh), phong nhiệt ( nhiễm trùng), huyết ứ ( chấn thương) xâm phạm vào lạc mạch của ba kinh dương ở mặt làm khí huyết kém điều hoà kinh cân thiếu dinh dưỡng không co lại được. Bệnh nhân thường có biểu hiện miệng méo, mắt bên liệt nhắm không kín. Đông y tùy theo từng chứng trạng mà điều trị. Liệu pháp mát xa mặt, châm cứu, bấm huyệt kết hợp sử dụng thuốc đông dược mang lại hiệu quả cao trong điều trị chứng liệt dây thần kinh số VII.
Các biện pháp phòng tránh bệnh liệt dây thần kinh số VII ngoại biên
- Giữ ấm cơ thể khi giao mùa, thời tiết trở lạnh, tránh gió lùa
- Không tiếp xúc đột ngột với nước lạnh, khi tắm nên đóng kín cửa tránh gió.
- Vào mùa nóng khi ngủ không nên để quạt, máy điều hòa thổi thẳng vào mặt
- Đối với những người làm việc và học tập ban đêm, không nên ngồi gần cửa sổ để tránh gió lùa.
- Người già ban đêm không nên ra ngoài.
- Khi ra ngoài mặc ấm, đeo khẩu trang, kính râm để tránh gió và lây nhiễm các bệnh do vi khuẩn gây ra.
- Tập thể dục thường xuyên để tăng cường đề kháng cho cơ thể.
- Ăn uống đủ chất, tăng cường rau xanh, trái cây, vitamin C,.. để tăng cường sức để kháng cho cơ thể.
- Ngoài ra, cần điều trị sớm và triệt để các bệnh nhiễm khuẩn tai, mũi, họng...
BS Thu Thủy
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Số 5 - 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943986986 - 0937638282