Cây chó đẻ thân xanh
Cây chó đẻ còn có tên gọi khác là Diệp hạ châu đắng, thuộc họ Thầu dầu. Cây mọc hoang nhiều nơi ở nước ta.
Mô tả: Cây cao khoảng 30-100cm, thân màu xanh ít phân nhánh. Lá mọc so le xếp thành hai dãy xít nhau trông như lá kép long chim. Phiến lá thuôn bầu dục hay trái xoan ngược, dài 5-15mm, đầu nhọn hay hơi tù, mặ dưới màu xanh lơ, không cuống hay có cuống rất ngắn. Hoa mọc ở kẽ lá, đơn tính, hoa đực hoa cái cùng gốc, hoa đực ở đầu cành, hoa cái ở dưới. Hoa không có cuống hoặc có cuống rất ngắn. Quả nang hình cầu, đường kính khoảng 2mm, nằm sát dưới lá.
Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất.
Thành phần hóa học: Chất đắng.
Công dụng, cách dùng: Lợi tiểu, chữa phù thũng. Chữa đinh râu, mụn nhọt (giã nát với muối để đắp). Chữa viêm gan virut B. Ngày uống 20-40g cây tươi, có thể sao khô, sắc đặc để uống. Dùng ngoài không kể liều lượng.
Bài thuốc Nam:
- Ho hậu sản phụ nữ sau sinh ho liên tục, người xanh xao gầy ốm, ăn uống kém: Cây chó đẻ thân xanh 20g, dây Rau ráu 16g, Dây chiều 16g, dây Bình bát 20g, Cam thảo dây 10g. Sắc uống mỗi ngày một thang.
- Mẩn ngứa, mụn nhọt: Chó đẻ thân xanh 16g. Bồ công anh 20g, Sài đất 20g, Ké đầu ngựa 20g, Bèo cái 16g, Cỏ roi ngựa 20g, Cà dại hoa vàng 16g, Ngày uống 1 thang, mỗi thang sắc 2 lần.
- Đau thần kinh tọa đi đứng khó khăn: Chó đẻ 10g, Tang ký sinh 12g, Phòng kỷ 10g, Bạc thau 12g, Thần xạ 15g, Đa đa 12g, rễ Kiến cò 10g, Cây nhàu 12g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
- Đau lưng, cúi ngửa khó, đau nhức gân xương sau khi làm việc nặng, đi lại vận động hạn chế: Chó đẻ 16g, Cây Xấu hổ 20g, Cối xay 20g, Đa đa 20g, Củ cun (Thổ phục linh) 20g, Sài hồ 16g, Cây keo 16g, Trầm bầu 16g, Dây chiều 20g, Cỏ cú 16g, Cỏ xước 20g, Cỏ sữa 16g. Mỗi ngày 1 thang sắc uống 3 lần.