CHẨN ĐOÁN VÀ PHÂN LOẠI ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Trên thực tế có rất nhiều người có những dấu hiệu như hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi, sút cân không rõ nguyên nhân, ăn nhanh đói, hay chán ăn, tiểu tiện nhiều… chính là một số triệu chứng của bệnh đái tháo đường tuy nhiên cũng gặp trong một số bệnh lý mãn tính khác. Vì vậy, để biết chính xác bệnh nhân có bị mắc đái tháo đường hay không cần phải định lượng Glucose máu.
1. Chẩn đoán xác định
Chẩn đoán xác định đái tháo đường chủ yếu dựa vào chỉ số Glucose trong máu. Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), IDF - 2012, có ba tiêu chí để chẩn đoán xác định đái tháo đường như sau:
Xét nghiệm Glucose máu cần phải được làm ít nhất 2 lần ở 2 thời điểm khác nhau.
2. Chẩn đoán phân biệt
Khi có những biểu hiện của bệnh tiểu đường cần phải phân biệt với những bệnh sau:
- Đái tháo nhạt: Xét nghiệm Glucose máu bình thường, Glucose niệu âm tính, tỷ trọng nước tiểu rất thấp.
- Đái tháo đường phối hợp với đái tháo nhạt: Glucose máu cao không xứng với Glucose niệu vì lượng nước tiểu quá nhiều.
- Đái tháo đường do thận: Do thềm thận thấp làm cho đường thoát ra nước tiểu. Vì vậy, Glucose máu không quá 6,1mmol/l (100mg/dL).
3. Chẩn đoán nguyên nhân đái tháo đường
- Đái tháo đường do tụy:
+ Sỏi tụy: Cần chụp Xquang, CT scanner để phát hiện ra sỏi tụy.
+ Di truyền: Xét nghiệm tìm các kháng nguyên HLA (Human Leucocyte Antigen - HLA) loại B8, B14, B15, B18, Cw3, DR3, DR4.
+ Yếu tố miễn dịch: Xét nghiệm tìm kháng thể chống tế bào tiểu đảo tụy, tự kháng thể kháng tế bào tiểu đảo (ICA), kháng thể kháng insuline (IAA)…
+ Đái đường da đồng (bệnh thiếu huyết tố - Hemochromatose): Đái tháo đường, xơ gan, da sạm màu đồng đen.
- Nguyên nhân ngoài tụy:
+ Cường thùy trước tuyến yên: Biểu hiện lâm sàng là bệnh khổng lồ hoặc to viễn cực (to đầu chi).
+ Cường vỏ thượng thận: Biểu hiện bằng các triệu chứng lâm sàng của hội chứng Cushing.
+ Cường giáp trạng: Biểu hiện bằng các triệu chứng lâm sàng cường giáp trạng.
+ Di truyền và yếu tố môi trường: Phát hiện bằng cách hỏi tiền sử gia đình, tuổi, thói quen sinh hoạt hằng ngày, đo chỉ số khối cơ thể (BMI)... đối với những người mắc bệnh đái tháo đường type 2.
4. Phân loại
a. Tiền đái tháo đường
Tiền tháo đường là thuật ngữ dành cho các trường hợp có rối loạn dung nạp Glucose mà chưa có biểu hiện lâm sàng. Các trường hợp này chỉ được phát hiện khi làm nghiệm pháp tăng Glucose máu bằng đường uống. Ngoài ra, còn có thể dùng Corticoid để tăng độ nhạy của nghiệm pháp.
- Rối loạn dung nạp Glucose: Glucose huyết tương 2 giờ sau làm nghiệm pháp tăng Glucose máu bằng đường uống trong khoảng từ 7,8 mmol/l (140mg/dL) đến 11,0 mmol/l (198mg/dL).
- Suy giảm dung nạp Glucose máu lúc đói: Glucose huyết tương đói từ 5,6mmol/l (100mg/dL) đến 6,9mmol/l (125mg/dL) Và lượng Glucose huyết tương 2 giờ sau nghiệm pháp tăng Glucose máu bằng đường uống <7,8mmol/l (140mg/dL).
- Mức HbA1c từ 5,6% đến 6,4%.
b. Đái tháo đường type 1
Đái tháo đường type 1 là đái tháo đường phụ thuộc insulin (chiếm khoảng 5 – 10%):
- Bệnh khởi phát rầm rộ, đủ các triệu chứng (ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sút cân nhanh chóng).
- Xét nghiệm có Ceton niệu dương tính.
- Có các kháng thể (ICA, anti GAP).
- Có liên quan đến một số kháng nguyên HLA – DR3 và HLA – DR4.
- C-peptid thấp hoặc mất lúc đói hoặc sau ăn.
- Thường kết hợp với bệnh tự miễn khác.
- Nồng độ insulin trong máu thường rất thấp hoặc không có, nồng độ Glucagon trong huyết tương tăng.
c. Đái tháo đường type 2
Đái tháo đường type 2 còn gọi là đái tháo đường không phụ thuộc insulin (chiếm khoảng 90 -95%)
- Bệnh khởi phát chậm, các triệu chứng thường không rõ ràng.
- Hay gặp ở những bệnh nhân thừa cân, béo phì.
- Bệnh liên quan mật thiết đến tiền sử gia đình.
- Thường không có Ceton niệu.
- Không có các kháng thể ICA, antiGAP.
- C-peptid bình thường hoặc tăng nhẹ vào lúc đói hoặc sau ăn. Thường không kết hợp với bệnh tự miễn khác.
- Insuline trong máu có thể bình thường, tăng nhẹ hoặc lâu dần sẽ có giảm nhưng đủ để kiểm soát để cơ thể không bị nhiễm toan Ceton.
d. Đái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ là một loại bệnh đái tháo đường mà chỉ xảy ra trong thai kỳ. Đái tháo đường thai kỳ có thể gây ra mức đường huyết cao mà ít khi gây biến chứng cho bản thân bệnh nhân, nhưng có thể đe dọa sức khỏe của thai nhi. Những nguy cơ của thai nhi khi mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ là:
- Các dị tật bẩm sinh: Nếu người mẹ không được kiểm soát tốt đường huyết thì thai nhi có nguy cơ cao bị các dị tật bẩm sinh, có thể rất nặng.
- Thai to trên 4000 g hoặc thai kém phát triển.
- Đa ối là tình trạng có quá nhiều nước ối (trên 1000 ml, thường là hơn 3000 ml), làm cho các sản phụ rất khó chịu hoặc đau nhiều trước khi đẻ, và thường kết hợp với thai to.
- Xảy thai hoặc thai chết lưu.
Cần kiểm soát đường huyết tích cực và an toàn, để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi. Nên duy trì đường huyết lúc đói < 5,8mmol/l, đường huyết 1 giờ sau ăn 7,8mmol/l và 2 giờ sau ăn < 7,2mmol/l. Cũng không nên để mức đường huyết lúc đói thấp 3,4 mmol/l.
Tiến sĩ – Lương y: Phùng Tuấn Giang (Thọ Xuân Đường)
Quý vị cần tư vấn về sức khỏe vui lòng liên hệ nhà thuốc, các bác sĩ sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc về bệnh, thuốc và quy trình khám chữa bệnh!
Hotline: 0943 406 995 hoặc 0937 63 8282