Phân biệt giữa Ung thư phổi và bệnh truyền nhiễm
Ung thư phổi là khi các tế bào phổi phân chia một cách không kiểm soát tạo thành khối u và xâm lấn sang các cơ quan bộ phận lân cận hoặc xuất phát từ khối u ở vùng khác lan tới gan qua con đường máu, bạch huyết làm phổi bị tổn thương. Bất cứ một ung thư nào cũng có thể di căn đến như: Ung thư gan, ung thư thực quản, ung thư vú, ung thư thận, ung thư dạ dày…Các tế bào ung thư này sẽ thay thế các mô lành và làm cho phổi không hoạt động.
Bệnh truyền nhiễm là do vi sinh vật (virus, vi khuẩn, ký sinh trùng hay nấm) gây ra. Mỗi một bệnh truyền nhiễm do một loại mầm bệnh khác nhau. Bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền từ người bệnh sang người khoẻ mạnh bằng các đường hô hấp, tiêu hóa, da và niêm mạc, máu…và phát triển qua 4 thời kỳ: nung bệnh, khởi phát, toàn phát, lui bệnh và hồi phục.
Ung thư phổi có lây truyền không?
Giai đoạn đầu Ung thư Phổi khó phát hiện. Trong giai đoạn này, tế bào ung thư chưa lây lan và phát triển, nên không gây ra các triệu chứng. Bệnh chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn khi khối u phát triển với các triệu chứng như: Ho càng ngày càng nặng, ho ra máu, khó thở, đau ngực liên tục, giọng nói khàn khàn, cơ thể mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân, nguy cơ nhiễm trùng phổi…
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, ung thư phổi không phải là bệnh truyền nhiễm nên không có nguồn lây nhiễm. Các thí nghiệm khoa học đã chứng minh: Cho động vật có khối u phổi sống cùng với động vật khỏe mạnh. Sau một thời gian dài chung sống, không phát hiện có sự lây nhiễm các tế bào ung thư từ cá thể động vật có khối u sang cá thể động vật khác.
Vì vậy, giả thiết Ung thư phổi là bệnh có khả năng truyền nhiễm là không đúng. Kể cả việc nhiều người lo lắng tiếp xúc với bệnh nhân ung thư phổi sẽ bị lây truyền là hoàn toàn sai lầm. Trường hợp trong một gia đình có nhiều người bị ung thư phổi được giải thích như sau: Gia đình đó có nguồn gen bất thường hoặc sống trong môi trường gây ung thư hay có những lối sống thiếu khoa học.
Tuy hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh một cách chính xác, nhưng đã tìm thấy các yếu tố làm gia tăng nguy cơ ung thư phổi. Thói quen hút thuốc lá được xem là nguy cơ chính và quan trọng nhất đối với bệnh ung thư phổi. 80% trường hợp ung thư phổi trên toàn thế giới gây ra bởi khói thuốc lá. Trong khói thuốc có chứa các chất độc hại làm tổn thương các tế bào phổi. Theo thời gian, các tế bào bị tổn thương có thể trở thành ung thư. Đây là lý do tại sao hút thuốc lá, thuốc lào, hoặc xì gà, tẩu thuốc có thể gây ung thư phổi. Mặt khác, ở những người không hút thuốc lá nhưng thường xuyên tiếp xúc với môi trường khói thuốc hoặc “hút thuốc thụ động” (ngồi cạnh người hút thuốc) cũng có nguy cơ bị ung thư phổi. Những người tiếp xúc càng nhiều thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.
Ngoài ra, còn các yếu tố có nguy cơ gây ung thư phổi như radon, crôm, amiăng, thạch tín, niken, ô nhiễm không khí hay những người có tiền sử gia đình bị ung thư phổi hoặc những người có bệnh phổi: lao phổi…cũng có nguy cơ bị ung thư phổi.
Với những người có nhiều yếu tố dẫn đến nguy cơ mắc bệnh nên tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện sớm. Phát hiện bệnh sớm sẽ có ý nghĩa quan trọng và quyết định đối với việc điều trị.
TXĐ.