HỘI CHỨNG RAYNAUD
Hội chứng Raynaud là chứng đau cách hồi do tổn thương mạch máu ở đầu chi thường là các ngón tay.
Hội chứng Raynaud có thể là nguyên hoặc thứ phát (liên quan đến các bệnh khác như lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp) hoặc là hậu quả của việc sử dụng các máy gây rung, hút thuốc lá lâu ngày dẫn đến.
1. Định nghĩa
Hội chứng Raynaud là hiện tượng giảm lưu lượng máu ở đầu chi khi gặp lạnh hoặc stress, gây ra sự đổi màu sắc như trắng bệnh, xám hay tím đen
Hội chứng Raynaud được phát hiện bởi Maurice Raynaud (1834 – 1881) vào năm 1862.
Hội chứng Raynaud là chứng thường gặp trong bệnh xơ cứng bì đặc biệt là xơ cứng bì hệ thống.
2. Sinh lý bệnh
Hội chứng Raynaud là do sự đáp ứng quá mức hệ thần kinh giao cảm, sự biến đổi màu tái trắng là hậu quả của sự co thắt các tiểu động mạch đầu ngón tay, ngón chân, các mao mạch và tĩnh mạch vẫn giãn ra trong suốt pha thiếu máu cục bộ, vì vậy máu bị khử oxy tạo nên hiện tượng tái xanh sau đó sẽ trở lại màu hồng khi được tưới máu đầy đủ lại bằng cách làm ấm hoặc dùng thuốc giãn mạch.
3. Triệu chứng
Những rối loạn vận mạch diễn biến thành từng đợt, mỗi cơn kéo dài khoảng vài phút cũng có khi đến hàng giờ, gồm 3 pha:
- Pha “ngất trắng” cục bộ: Khởi phát khi gặp lạnh hoặc stress, trong cơn các ngón chi tái nhợt.
- Pha “ngạt xanh” cục bộ: Xuất hiện thành cơn kịch phát, đầu chi bệnh nhân có màu tím nhạt, rồi sưng to và đau.
- Pha “hồng trở lại”: Đầu chi bệnh nhân sẽ hồng trở lại sau khi làm ấm hay dùng thuốc giãn mạch, lúc này các ngón đã được tưới máu đầy đủ.
Hiện tượng loét mô hoại tử với diện tích cực nhỏ, có giới hạn rõ rệt và không có xu hướng lan rộng. Có thể có loạn dưỡng móng gây rụng móng. Da của các ngón dày lên, bóng và căng cứng (xơ cứng ngón), hay gặp ở những thể mãn tính.
Những cơn co mạch như trên có thể kèm theo những rối loạn thần kinh đặc biệt là trong lúc đang trở lại bình thường. Những rối loạn thần kinh đó bao gồm: Dị cảm, mất cảm giác, đau nhói. Giữa các cơn co mạch, bắt mạch ở các động mạch vẫn bình thường. Trong hội chứng Raynaud vô căn hiếm khi tiến triển tới loét. Nhưng hội chứng Raunaud trong bệnh xơ cứng bì khi soi mao mạch chi có thấy tổn thương thực thể và gây ra loét.
4. Chẩn đoán xác định
Để chẩn đoán hội chứng Raynaud, thầy thuốc cần phải hỏi về tiền sử và quan sát được các triệu chứng, hiện tượng. Điều quan trọng nhất là phải xác định là hội chứng Raynaud nguyên phát hay thứ phát (xác định căn nguyên gây bệnh).
Các hiện tượng dùng để chẩn đoán bệnh:
- Những cơn co thắt mạch đối xứng hai bên chi, da ở đầu chi biến đổi lần lượt từ màu tái trắng – xanh tím – đỏ hồng.
- Các cơn co mạch khởi phát bởi lạnh hoặc stress và tuần hoàn chi được cải nhiện bằng cách làm ấm lên, hoặc dùng thuốc giãn mạch.
Hội chứng Raynaud hay xảy ra ở phụ nữ trẻ tuổi.
5. Chẩn đoán phân biệt
- Viêm mạch máu huyết khối tắc nghẽn: Đây là bệnh hay gặp ở nam giới. Giữa các cơn, bắt mạch không thấy bình thường.
- Chứng tím tái các cực, chứng mảng tím xanh hình lưới: Tím tái thường xuyên ở các đầu chi, thường không có giới hạn rõ rệt giữa mô lành và mô không được cấp đủ máu.
- Hội chứng chèn ép ở khe các cơ bậc thang: Phát hiện bằng cách bắt động mạch quay trong khi đang làm các nghiệm pháp đặc hiệu.
- Hội chứng ống cổ tay: Chẩn đoán xác định dựa vào điện cơ đồ.
- Chứng cước: Chỉ xảy ra khi chi tiếp xúc với lạnh.
6. Biến chứng
- Nếu các cơn co mạch xảy ra thường xuyên, mức độ nghiêm trọng, dẫn đến giảm lưu thông máu đến các đầu chi liên tục, có thể gây biến dạng các ngón tay, ngón chân.
- Nếu động mạch đến vùng bị ảnh hưởng tắc nghẽn hoàn toàn gây ra loét, hoại tử. Nơi bị hoại tử lạnh, khô, tím tái, đau đớn.
7. Phòng bệnh và chăm sóc
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là bàn tay và bàn chân. Bệnh nhân nên đeo găng tay ấm và đeo giày dép khi thời tiết lạnh, hạn tiếp xúc với nước lạnh, đồ lạnh (đá, thức ăn đông lạnh…).
- Không hút thuốc lá, uống rượu và sử dụng các chất kích thích khác.
- Tập thể lực thường xuyên sẽ giúp cải thiện lưu thông tuần hoàn toàn thân, đặc biệt là đến các chi. Ngoài ra việc tập thể dục, thể thao còn giúp làm giảm stress nên có thể hạn chế được các cơn co mạch do stress.
- Nên có một chế độ thư giãn hợp lý, tránh lo lắng quá mức về bệnh tật.
- Chế độ ăn uống lành mạnh, bệnh nhân nên ăn các thực phẩm giàu Nitrit Oxide (NO) từ các loại đậu ngâm nảy mầm, ăn sống, nhai kỹ. NO giúp cho mạch máu luôn được lưu thông, giúp cải thiện rất tốt hiện tượng co mạch thiếu máu cục bộ đầu chi.
Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân (Thọ Xuân Đường)