BỆNH HỌC VIÊM ĐẠI TRÀNG MẠN
Bệnh về đường tiêu hóa là bệnh thường gặp với tất cả mọi người. Trong đó viêm đại tràng mạn là bệnh rất nhiều người mắc, bệnh gây nhiều đợt tiến triển khiến ai cũng mệt mỏi và lo lắng. Để điều trị bệnh hãy dành vài phút để tìm hiểu về bệnh viêm đại tràng mạn bạn nhé!
1. Nguyên nhân gây bệnh
- Di chứng của nhiễm khuẩn đường ruột cấp, thương hàn, lỵ amip, lỵ trực khuẩn…
- Hệ thống miễn dịch: Một số loại vi khuẩn, virus gây hại đại tràng, hệ thống cơ thể chống lại các tác nhân đó khiến đại tràng bị viêm. Cũng có thể viêm xuất phát từ phản ứng tự miễn, trong đó cơ thể gắn kết phản ứng miễn dịch mặc dù không có mầm bệnh hiện tại.
- Nguyên nhân dị ứng.
- Rối loạn thần kinh thực vật: Ban đầu là các rối loạn chức năng gây hội chứng ruột kích thích, lâu dần hình thành tổn thương và gây viêm.
- Sau các trường hợp nhiễm độc như: Nhiễm toan máu, ure máu cao…
- Các yếu tố nguy cơ khác:
+ Do chế độ ăn uống: Hay ăn đồ tanh sống lạnh thường xuyên, ăn đồ cay nóng, thực phẩm đóng hộp và các chất kích thích…
+ Do sử dụng nhiều thuốc: kháng sinh, thuốc chống viêm
2. Triệu chứng bệnh
• Lâm sàng
- Toàn thân: Bệnh nhân mệt mỏi, ăn uống kém, chán ăn, đầy chướng bụng. Nếu bệnh nặng thì cơ thể gầy sút hốc hác.
- Cơ năng:
+ Đau bụng: Thường đau ở quanh rốn hoặc hố chậu 2 bên, vùng hạ sườn phải và trái dọc theo khung đại tràng. Đau theo kiểu quặn từng cơn, đôi lúc âm ỉ, khi đau thường buồn đi đại tiện, đại tiện xong đỡ đau và thoải mái hơn.
+ Rối loạn đại tiện: Chủ yếu là đi ngoài phân lỏng, có thể lẫn nhầy máu. Một số trường hợp táo bón hoặc tảo lỏng xen kẽ. Thường có cảm giác mót rặn, đi ngoài xong thấy đau tức trong hậu môn.
- Thực thể:
+ Ấn hố chậu có thể có tiếng óc ách, chướng hơi, ấn dọc khung đại tràng đau.
+ Có thể sờ thấy “thừng xích ma” như một ống chắc, ít di động.
• Cận lâm sàng
- Nội soi đại tràng: Có thể quan sát được rõ tình trạng viêm, loét, phù nề của đại tràng. Xem có khối polyp, u hay ung thư hay không. Ngoài ra có thể tiền hành bấm sinh thiết nếu nghi ngờ.
- Xét nghiệm phân:
+ Có thể thấy trứng kí sinh trùng như giun, sán, lỵ, amip…
+ Có thể thấy hồng cầu, tế bào mủ.+ Cấy phân tìm nguyên nhân gây bệnh.
- Chụp khung đại tràng có chuẩn bị: Có thể thấy hình ảnh viêm đại tràng mạn.
3. Điều trị
- Chế độ ăn: Ăn lỏng dễ tiêu, hạn chế đồ tanh sống lạnh và các chất kích thích, các chất xơ khó tiêu như măng.
- Chế độ sinh hoạt: Ngủ đủ giấc, rèn luyện thói quen đi đại tiện ngày 1 lần vào đúng một thời điểm.
- Điều trị nguyên nhân: tùy theo nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn, lỵ, amip…thì dùng các thuốc như Flagyl, nhóm kháng sinh Imidazole, Bisepton… Nếu do tự miễn thì dùng corticoid liệu pháp.
- Điều trị triệu chứng:
+ Chống co thắt giảm đau: atropine, nospa, buscopan, papaverin…
+ Chống táo bón: Parafin, magiesunfat…
+ Chống ỉa lỏng: smecta, opiroic…
+ Thuốc an thần: senduxen, gacdenal…
- Tăng sức bền cho niêm mạc: Vitamin C, vitamin B1…
- Thuốc nam y: Lá mơ lông, búp sim, chè, ổi, cao atiso…
- Xoa bóp: Xoa bụng theo vòng tròn nhẹ nhàng vừa day vừa ấn.
Bác sĩ: Thúy Hường (Thọ Xuân Đường)