Đại tràng có chức năng chính là nhận thức ăn đã được tiêu hóa và hấp thụ nước, các chất điện giải từ thức ăn và cùng với sự phân hủy cùng các vi khuẩn tạo bã thức ăn thành phân. Giữ phân cho đến khi đủ lượng đại tràng sẽ co bóp tạo nhu động và bài tiết phân qua trực tràng, phần cuối của đại tràng gần hậu môn.
Vì là bộ phận chứa bã thức ăn nên đại tràng là nơi chứa nhiều vi khuẩn có hại gây bệnh. Cùng Nhà thuốc đông y gia truyền Thọ Xuân Đường tìm hiểu các bệnh lý về đại tràng hay gặp qua bài viết sau đây.
Viêm đại tràng co thắt
Viêm đại tràng co thắt hay còn có tên gọi khác là Hội chứng ruột kích thích là một trong những bệnh lý đường ruột phổ biến. Hội chứng này lành tính, dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và công việc của người bệnh. Đây là hiện tượng ruột bị rối loạn chức năng, tái đi tái lại nhiều lần, mà không có tổn thương thực thể ở ruột.
Viêm đại tràng co thắt có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, thường phổ biến ở nhóm tuổi từ 20 – 50 và tỷ lệ mắc ở nữ giới gấp đôi nam giới. Nguyên nhân hiện chưa được xác định rõ. Các chuyên gia chỉ ra yếu tố cảm xúc, chế độ ăn uống và thuốc có ảnh hưởng trực tiếp đến các triệu chứng của hệ tiêu hóa. Bệnh thường gặp ở những người làm việc trong môi trường căng thẳng, mệt mỏi, hay lo âu, rối loạn nội tiết tố hoặc những người có thói quen sinh hoạt không điều độ, ăn uống không đúng giờ.
Triệu chứng thường gặp
- Số lần đại tiện không bình thường (>3 lần/ngày hoặc <3 lần/ tuần).
- Phân có lúc lỏng, có lúc cứng, thường nát không thành khuôn.
- Chướng bụng, đầy hơi, cảm giác tức nặng bụng.
- Đại tiện cảm giác không hết phân.
- Dễ bị đau bụng, đi ngoài sau khi ăn các đồ chua, cay, đồ nhiều dầu mỡ, rượu bia, cà phê,…
Phòng ngừa
Điều quan trọng nhất trong việc chủ động phòng tránh hội chứng ruột kích thích và các bệnh tiêu hóa khác là chế độ dinh dưỡng và thói quen sống. Những lưu ý bạn cần biết để cải thiện chất lượng dinh dưỡng trong bữa ăn:
- Hạn chế tối đa bỏ bữa ăn, ăn uống không điều độ.
- Nên ăn chậm, không nên ăn quá nhanh.
- Hạn chế ăn các thực phẩm cay nóng nhiều, dầu mỡ và các thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn.
- Hạn chế rượu bia và đồ uống có gas.
- Những loại trái cây có hàm lượng fructose cao cần ăn có kiểm soát. Không nên ăn quá 240g mỗi ngày.
Viêm đại tràng
Viêm đại tràng là tình trạng viêm nhiễm gây tổn thương khu trú hoặc lan tỏa niêm mạc đại tràng với nhiều mức độ khác nhau.
Nguyên nhân
Nguyên nhân viêm đại tràng cấp tính: Do ngộ độc thức ăn, dị ứng thức ăn; ký sinh trùng thường gặp là lỵ amip; vi khuẩn; siêu vi thường gặp là virus rota; nấm đặc biệt là candida; có thể do bệnh miễn dịch; ngoài ra có thể liên quan đến sinh hoạt hằng ngày: stress, táo bón, dùng kháng sinh kéo dài,…
Đối với viêm đại tràng mạn tính được chia thành 2 nhóm: Viêm đại tràng mạn tính có nguyên nhân và viêm đại tràng mạn tính không rõ nguyên nhân.
Triệu chứng
Viêm đại tràng cấp: Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà có thể có các triệu chứng như:
- Viêm đại tràng cấp tính do lỵ amip: Đau bụng quặn từng cơn, buồn đại tiện liên tục, nhưng mỗi lần đi tiêu chỉ có một ít phân, có máu và chất nhầy kèm theo phân.
- Viêm đại tràng cấp do lỵ trực khuẩn: Sốt, đau bụng, đi ngoài phân lỏng có máu, trong một ngày đêm đi nhiều lần phân lẫn máu, phân có màu như máu cá. Đặc biệt, nếu do Shigella shiga, số lần đi tiêu không thể đếm được (phân chảy ra theo đường hậu môn, không thành khuôn), mất nước và chất điện giải nhiều rất dễ gây trụy tim mạch.
- Viêm đại tràng cấp do các nguyên nhân khác: Triệu chứng đau bụng là chủ yếu, đau thắt bụng dưới, đau từng đoạn hoặc đau dọc theo khung đại tràng, đau do co thắt đại tràng, có khi gây cứng bụng, tiêu chảy xảy ra đột ngột, phân toàn nước (có thể có máu, nhầy), người mệt mỏi, gầy sút nhanh.
Viêm đại tràng mãn tính: Tùy theo các triệu chứng phối hợp với nhau mà chia ra các thể bệnh sau:
- Thể tiêu lỏng và đau bụng: Người bệnh thấy đau bụng từng lúc, buồn đại tiện, đi tiêu xong thì mới hết đau, mỗi ngày đi tiêu 3 - 4 lần, thường vào buổi sáng lúc ngủ dậy và sau khi ăn xong, ít đi vào buổi chiều, yên ổn về đêm. Phân lần đầu có thể đặc nhưng không thành khuôn, những lần sau phân lỏng, nhầy, đa số trường hợp là phân nát hay phân sống. Trước mỗi lần đi tiêu có đau bụng, thường đau dọc khung đại tràng nhưng thường ở hố chậu bên trái hoặc bên phải và sau khi đi tiêu được thì hết đau bụng và dễ chịu.
- Thể táo bón và đau bụng: Người bệnh bị táo bón, phân khô, ít và cứng, đau bụng, thường gặp ở người lớn tuổi và nữ giới.
- Thể táo bón và tiêu lỏng xen kẽ nhau từng đợt: Từng đợt táo bón tiếp với một đợt tiêu lỏng, diễn biến nhiều năm nhưng thể trạng người bệnh cũng như sinh hoạt vẫn bình thường, bụng thường đầy hơi.
Phòng ngừa
Chế độ ăn uống, tập luyện và vệ sinh môi trường có vai trò quan trọng trong việc phòng bệnh:
- Nên ăn các thực phẩm như: Gạo, khoai tây, thịt nạc, cá, sữa đậu nành, rau xanh, củ quả, trái cây (nhất là những loại giàu kali: chuối, đu đủ, …).
- Hạn chế ăn trứng, sữa, nem rán, thịt mỡ, đậu đen, hành sống.
- Không dùng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, cà phê, các chất chua cay và những thức ăn chiên.
- Nên ăn nhẹ, chia làm nhiều bữa, không nên ăn quá nhiều vào buổi tối.
- Cung cấp đủ nước, muối khoáng và các vitamin cần thiết.
- Không ăn các loại thực phẩm chưa nấu chín (tiết canh, nem chua, nem chạo, gỏi, rau sống…) và không uống nước chưa đun sôi, không uống sữa bò tươi chưa tiệt trùng, không uống nước đá không đảm bảo vệ sinh (không tiệt khuẩn nước trước khi làm đông đá).
- Tránh dùng kháng sinh kéo dài.
- Điều trị tích cực khi bị lao phổi.
- Tránh căng thẳng kéo dài và lo lắng thái quá.
- Thường xuyên vận động, thể dục thể thao.
- Trong gia đình khi có người mắc bệnh do lỵ amip, lỵ trực khuẩn, thương hàn, tả… cần tiệt khuẩn các dụng cụ dùng trong ăn uống bằng cách luộc với nước đun sôi. Phân người bệnh không được để vương vãi, phải cho vào hố xí và có chất sát khuẩn mạnh, nhất là ở nông thôn, miền núi.
- Nên rửa tay trước khi ăn, tẩy giun sán 6 tháng/lần.
Polyp đại tràng
Polyp là một khối trong lòng đại tràng, được hình thành do sự tăng sinh quá niêm mạc đại tràng. Hầu hết các polyp đại tràng là lành nhưng qua thời gian, một số polyp đại tràng có thể phát triển thành ung thư đại tràng, gây tử vong nếu phát hiện ở giai đoạn muộn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây polyp đại tràng hiện vẫn chưa được xác định. Các tế bào phân chia và tăng trưởng không kiểm soát được xem là lý do chính. Những thay đổi di truyền trong tế bào niêm mạc đại tràng ảnh hưởng đến chu kỳ sống của tế bào bình thường đã hình thành polyp.
Một số yếu tố liên quan có thể kể đến như:
- Tuổi tác: 15-20% dân số trưởng thành và Phổ biến ở lứa tuổi từ 50 trở lên.
- Tiền sử gia đình: Gia đình có người bị bệnh polyp đại tràng hoặc ung thư đại tràng thì có nguy cơ mắc bệnh.
- Hút thuốc và uống rượu quá mức.
- Một số rối loạn di truyền: Một số ít người bị polyp đại tràng có liên quan tới hội chứng Gardner (hội chứng đa polyp gia đình), hội chứng Lynch (một căn bệnh làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, trong đó có cả ở ruột).
- Béo phì, lười vận động và tiêu thụ nhiều chất béo.
Triệu chứng
- Chảy máu trực tràng: Máu có thể dính trên đồ lót hoặc giấy vệ sinh sau khi đại tiện. Đây còn có thể là dấu hiệu của những bệnh lý khác như trĩ, rách hậu môn,…
- Màu phân bất thường: Phân có thể có màu đen hoặc có vệt máu, tuy nhiên sự thay đổi đó cũng liên quan đến một số loại thức ăn, thuốc hay thực phẩm chức năng.
- Thay đổi thói quen đại tiện: Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài không giảm.
- Đau bụng: Polyp đại tràng lớn có thể gây tắc nghẽn đường ruột, dẫn đến đau quặn bụng.
- Thiếu máu: Chảy máu từ polyp có thể xảy ra âm thầm trong thời gian dài gây sụt giảm lượng sắt cần thiết cho cơ thể, kéo theo sự giảm bớt các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi và khó thở.
Phòng ngừa
Mặc dù nguyên nhân hiện chưa được làm rõ, bạn có thể giảm bớt nguy cơ nhờ những thói quen lành mạnh:
- Tăng cường trái cây, rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc giàu chất xơ vào chế độ ăn hằng ngày.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh, vóc dáng cân đối; nên giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì.
- Không ăn quá nhiều các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn, thịt dê, thịt cừu,…
- Tập thể dục với cường độ vừa phải, đều đặn mỗi ngày.
- Không lạm dụng bia rượu, thuốc lá.
Ung thư đại tràng
Dấu hiệu
Ung thư đại tràng thường không có những triệu chứng đặc hiệu ở giai đoạn sớm, nhưng những triệu chứng sau có thể là dấu hiệu cảnh báo:
- Máu trong phân, hoặc chất nhầy trong phân.
- Thay đổi về tính chất và hình dạng phân như phân dẹt hơn bình thường, có mùi tanh bất thường…
- Thay đổi thói quen đại tiện: Đi cầu lắt nhắt, táo bón, tiêu chảy,…
- Tiêu chảy, táo bón hoặc cảm giác đại tiện không hết phân.
- Cơ thể suy nhược, mệt mỏi.
- Sụt cân không rõ lý do.
- Đau bụng hoặc khó chịu vùng bụng dưới.
- Nôn ói.
- Xuất hiện khối u ở vùng bụng, bụng to dần…
Phòng ngừa
Thay đổi lối sống có thể giúp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh lý nguy hiểm này:
- Không hút thuốc lá.
- Hạn chế thức uống có cồn.
- Duy trì cân nặng hợp lý, tránh tình trạng thừa cân hoặc béo phì.
- Tuân thủ chế độ ăn nhiều chất xơ, tiêu thụ lượng chất đạm hợp lý; chế biến thức ăn khoa học.
- Tập thể dục thể thao đều đặn, 2 – 3 lần/tuần.
Trên là một số bệnh lý đại tràng thường gặp và các triệu chứng mang tính chất tham khảo. Có thể thấy đại tràng là bộ phận có vai trò quan trọng trong cơ thể vậy nên phòng bệnh là điều quan trọng cần quan tâm. Cách tốt nhất để đề phòng các bệnh lý liên quan đến đại tràng là duy trì lối sống lành mạnh, cần quan tâm đến chế độ ăn hàng ngày, vận động thường xuyên, tập luyện đều đặn. Nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc đi khám ngay nếu có dấu hiệu bất thường.
BS. Mỹ Linh (Thọ Xuân Đường)