NGUYÊN NHÂN VÀ BIỂU HIỆN CỦA MẤT NGỦ
Đối với sức khỏe con người, giấc ngủ có vai trò rất quan trọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất ngủ bao gồm những tác nhân từ bên ngoài và những thay đổi bên trong cơ thể.
1. Nguyên nhân gây ra mất ngủ
Rối loạn giấc ngủ thường gặp là mất ngủ, bệnh do nhiều yếu tố gây ảnh hưởng như: Giảm hoạt động thể lực; Ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời; Giảm ngưỡng bị đánh thức (dễ bị tỉnh giấc); Thay đổi nhịp sinh học; Sự lão hóa; Suy giảm chức năng cơ thể; Các bệnh lý toàn thân khác cũng có thể gây mất ngủ như: Thiểu năng tuần hoàn não, sa sút trí tuệ, bệnh lý hô hấp, đau xương khớp, bệnh lý tim mạch; Một số bệnh nhân thường phàn nàn rằng họ bị mất ngủ vào ban đêm, nhưng trên thực tế, những người này thường nhàn rỗi, ít vận động, ít luyện tập thể dục thể thao, vì vậy họ thường xuyên ngủ gà vào ban ngày. Nếu tính tổng thời gian ngủ mỗi ngày của họ có khi trên 8 giờ, nhưng do không phù hợp với sinh lý (ngủ ngày, khó ngủ ban đêm) nên luôn cảm thấy mệt mỏi.
Các nhóm nguyên nhân gây mất ngủ:
- Những bệnh gây rối loạn giấc ngủ nguyên phát: Hiện tượng ngừng thở khi ngủ, thường xảy ra ở nam giới, thể trạng béo; có biểu hiện là ngủ ngáy to, do đường thở bị tắc nghẽn khi ngủ, làm giảm tổng lượng oxy tới phổi, gây cảm giác thiếu khí, khó thở nên bệnh nhân hay tỉnh giấc giữa chừng. Với những người ngủ ngáy (do nguyên nhân khác) mà không có hiện tượng ngừng thở khi ngủ thì họ vẫn có giấc ngủ bình thường. Ngoài ra, các hiện tượng chân tay cử động tự phát trong khi ngủ cũng gây ra rối loạn giấc ngủ nguyên phát.
- Những bệnh gây rối loạn giấc ngủ thứ phát: Những bệnh gây rối loạn giấc ngủ thứ phát thường gây tỉnh giấc, khó ngủ lúc nửa đêm về sáng. Những bệnh gây ảnh hưởng giấc ngủ bao gồm:
+ Các bệnh gây đau: Thoái hóa khớp, viêm khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm loét dạ dày, thiểu năng động mạch vành…
+ Các bệnh gây tiểu về đêm: Tiều đường, phì đại tiền liệt tuyến…
+ Các bệnh gây khó thở: Suy tim, viêm mũi, viêm phế quản, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…
- Các bệnh về thần kinh, tâm thần: Sa sút trí tuệ, stress, trầm cảm. rối loạn lo ấu, hoang tưởng…
- Do thuốc gây ảnh hưởng đến giấc ngủ như: Cocaine, Caffeine, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn β giao cảm, các thuốc Steroid, thuốc chẹn β giao cảm, thuốc an thần (nếu dừng đột ngột)…
2. Triệu chứng của mất ngủ
- Trằn trọc, khó vào giấc ngủ.
- Hay tỉnh giấc giữa chừng.
- Khó ngủ lại sau khi bị tỉnh giấc giữa chừng.
- Ngủ một cách mệt mỏi, chỉ ngủ được trong thời gian rất ngắn, sau đó có thể bị tỉnh giấc và không thể ngủ lại được.
- Cảm giác mệt mỏi, rất buồn ngủ nhưng khi nằm lại không ngủ được.
- Thức giấc sớm.
- Tỉnh giấc nhiều lần trong đêm.
- Ngày hôm sau mệt mỏi vì thiếu ngủ.
3. Chẩn đoán và phân loại mất ngủ
• Chẩn đoán mất ngủ
Chẩn đoán theo “Hướng dẫn chẩn đoán và thống kê các bệnh rối loạn tâm thần” của Mỹ năm 1994. Tiêu chuẩn chẩn đoán mất ngủ tức thời bao gồm các triệu chứng sau:
- Khó vào giấc ngủ.
- Ngủ không an giấc.
- Khó ngủ lại khi bị tỉnh giấc giữa chừng.
• Phân loại mất ngủ:
Mất ngủ được chia thành 3 loại chính:
- Mất ngủ cấp tính: Thời gian mất ngủ trong vòng 4 tuần trở lại.
- Mất ngủ bán cấp: Thời gian mất ngủ từ 4 tuần - 6 tháng.
- Mất ngủ mãn tính: Thời gian mất ngủ kéo dài trên 6 tháng.
Bệnh nhân cần phải chẩn đoán tình trạng và nguyên nhân mất ngủ, tốt nhất là nên khai thác từ người nhà bệnh nhân.
Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân (Thọ Xuân Đường)