ĐÁI DẦM CÓ THỂ ĐIỀU TRỊ BẰNG ĐÔNG Y KHÔNG?
Đái dầm là tình trạng khá thường gặp nhưng nó chỉ đáng quan tâm ở những trẻ từ 3 tuổi trở lên. Đây là tình trạng bé bị đái dầm trong lúc ngủ mà không biết, đến lúc tỉnh dậy thấy ướt quần mới biết là đái dầm. Vậy bệnh đái dầm có thể điều trị bằng đông y được không? Cùng nhà thuốc Thọ Xuân Đường đi tìm câu trả lời nhé!
1. Nguyên nhân gây đái dầm
Bình thường trẻ nhỏ thường đái dầm nên hay phải đóng bỉm khi đi ngủ, tuy nhiên từ 3 tuổi trở lên bé có thể kiềm chế được bàng quang về đêm và không đái dầm nữa. Tuy nhiên một số trẻ vẫn không kiểm soát được cho đến khoảng 5-7 tuổi, thậm chí có khoảng 20% trẻ 9-10 tuổi vẫn đái dầm.
• Theo quan điểm tây y
Nguyên nhân gây đái dầm được chia thành 2 nhóm
- Đái dầm cơ năng
Do giun kim
Do rối loạn thần kinh chức năng: ở trẻ em luôn trong trạng thái thần kinh dễ hưng phấn, cơ thể suy nhược. Hoặc do sinh hoạt không điều độ mải nô đùa khiến mệt tối ngủ li bì, hoặc quên không đi đái trước khi ngủ, môi trường sống thay đổi đột ngột khiến bé không thể thích nghi kịp.
- Đái dầm thực thể
Do dị tật bàng quang bẩm sinh
Do dị tật phần dưới cột sống phối hợp với khuyết tật thần kinh
Do rối loạn cơ thắt bàng quang: thường phối hợp với các khuyết tật định khu của hệ thần kinh như mất cảm giác vùng đáy chậu và đùi, yếu trương lực cơ thắt hậu môn, giảm khả năng điều khiển thần kinh cơ chi dưới.
• Theo quan điểm y học cổ truyền
Theo đông y đái dầm thuộc phạm vi chứng di niệu do các nguyên nhân khác nhau gây ra:
- Do tiên thiên bất túc
Tiên thiên kém khiến thận dương không đủ, hạ nguyên hư lạnh sinh chứng đại dầm. Thận vốn chủ nhị tiện khi thận khí hư hàn hay thận dương bất túc đều sinh chứng đại dầm.
- Do Tỳ phế khí hư
Phế khí hư không thống nhiếp được khí, khí hư hạ hãm xuống khiến tân dịch trở ngại. Mà Phế Kim lại sinh Thận Thủy, nếu phế khí hư ở trên sẽ làm thận ở dưới bị ảnh hưởng mà hư, nguyên khí suy kiệt không chế ước được sinh đái dầm.
Tỳ có chức năng vận hóa thủy thấp, tỳ hư phối hợp với phế khí hư mà sinh chứng đái dầm.
2. Đông y điều trị đái dầm như thế nào?
Theo đông y tùy theo từng thể bệnh mà có pháp phương điều trị cụ thể
- Thể thận khí hư hàn
Chứng trạng: Trẻ đái dầm nhiều lần trong đêm, có thể kèm theo ngủ mê. Toàn thân đau mỏi lưng, chân tay lạnh, sắc mặt nhợt, nước tiểu trong dài, chất lưỡi nhạt bệu, mạch trầm trì vô lực.
Pháp trị: Ôn thận cố sáp
Phương trị: Bát vị hoàn gia giảm
Thục địa 12g, Hoài sơn 12g, Nhục quế 6g, Sơn thù 12g, Đan bì 8g, Bạch linh 6g, Trạch tả 12g
Tất cả nghiền nhỏ rồi làm thành viên hoàn. Mỗi ngày dùng khoảng 12-16g tùy độ tuổi và cân nặng, chia làm 2 lần. Có thể uống cùng nước ấm
Phương châm:
Điện châm tả các huyệt Trung cực, Bàng Quang du
Châm bổ Quan nguyên, Thận Du, Tam tiêu du, Túc tam lý
Nhĩ châm: Vùng bàng quang, sinh dục ngoài, giao cảm, thần môn
Xoa bóp bấm huyệt: luân phiên thực hiện các bài sau
Day nhẹ vùng Đan điền 30 vòng theo chiều kim đồng hồ khoảng 10 phút, ấn huyệt Quan nguyên, Trung cực trước ngủ tối.
Xát vùng thắt lưng từ phải sang trái và ngược lại khoảng 10 phút
Ấn day Thận du, Bàng quang du, Tam âm giao
- Thể tỳ phế khí hư
Chứng trạng: Đái dầm buổi tối lượng ít. Người mệt mỏi gầy yếu, sắc mặt vàng nhợt, có thể tiêu chảy. Chất lưỡi bệu, mạch hoãn vô lực. Trẻ hay mắc các bệnh đường hô hấp
Pháp điều trị: Ích khí cố sáp
Phương điều trị: Bổ trung ích khí thang
Hoàng kỳ 12g, Đảng sâm 12g, Đương quy 10g, Bạch truật 12g, Thăng ma 6g, Sài hồ 6g, Trần bì 6g, Chích thảo 6g
Sắc uống 2 ngày 1 thang. Mỗi ngày chia 2 lần uống
Phương châm:
Điện châm tả các huyệt Trung cực, Bàng Quang du
Châm bổ Quan nguyên, Thận Du, Tam tiêu du, Túc tam lý, Tỳ du, Phế du
Nhĩ châm: Vùng bàng quang, sinh dục ngoài, giao cảm, thần môn
Ngoài cách điều trị đái dầm theo đông y, dân gian còn sử dụng nhiều mẹo điều trị bệnh này. Tuy nhiên nên tham khảo ý kiến của y bác sĩ không nên tự ý điều trị.