SỐT VIRUS CÓ NÊN TRUYỀN NƯỚC HAY KHÔNG?
Sốt virus là một căn bệnh thường gặp ở cả người lớn và trẻ em, đa phần là lành tính và tự khỏi những cũng gây nên không ít triệu chứng khó chịu. Trong quá trình bị sốt mọi người thường rất thích truyền nước để “nhanh khỏi bệnh”. Điều này có thực sự đúng không? Cùng nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu sốt virus có nên truyền nước hay không nhé!
1. Thông tin chung về bệnh sốt virus
Bệnh sốt virus do virus gây ra và thường gặp vào thời điểm xuân hè, bệnh xuất hiện thường có các biểu hiện sau:
- Sốt nóng
Thân nhiệt tăng tùy từng người mà nhiệt độ có thể thay đổi, thường sốt 38-39 độ, sốt nóng, đôi khi có cơn ớn lạnh. Nếu bệnh nhân không giữ gìn để bị bội nhiễm sẽ sốt cao hơn.
- Người mệt mỏi
Mệt mỏi là triệu chứng thường gặp nhưng không đặc hiệu, nguyên nhân là do virus khiến cơ thể mất cân bằng sinh học nên bệnh nhân thấy mệt mỏi, thiếu sức sống.
- Đau nhức người
Khi sốt virus khiến cơ thể nóng bừng, bệnh nhân thường thấy đau nhức khắp người, khó chịu nhất là đau đầu, cảm giác váng vất khó chịu vô cùng. Các cơ ở tay và chân cũng nhức mỏi, cảm giác rã rời không muốn làm gì. Tình trạng đau nhức và mỏi người sẽ kéo dài đến khi hết sốt, cơ thể dần dần ổn định.
- Phát ban trên da
Một số trường hợp sốt virus có nổi ban trên khắp cơ thể, thông thường ban nổi sau khi sốt 3-7 ngày. Các nốt ban phẳng, mịn nổi trên mặt da, ấn kính mất màu.
2. Sốt virus có nên truyền nước không?
Khi sốt thường cơ thể bị mất nước nhiều hơn qua đường mồ hôi và hơi thở nên hay thấy họng miệng khô khát. Chính vì vậy mọi người nghĩ truyền nước sẽ giúp bổ sung nước và nhanh chóng khỏi bệnh hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết việc truyền nước không hề giúp sốt virus nhanh khỏi hơn, ngược lại nó có thể gây ra nhiều tai biến nguy hiểm cho sức khỏe:
- Nhiễm khuẩn
Các dịch vụ truyền nước tại nhà, truyền nước ở các cơ sở tư nhân có thể không đầy đủ cơ sở vật chất, các dụng cụ không được vô trùng tốt hoặc kĩ thuật thực hiện không được vô trùng khiến bệnh nhân có nguy cơ bị nhiễm khuẩn.
- Sốc phản vệ
Dịch truyền có nhiều loại và chứa các hoạt chất khác nhau, khi đưa vào cơ thể có thể bệnh nhân dị ứng với 1 hoạt chất gì đó trong dịch truyền gây sốc phản vệ. Tình trạng sốc có thể xảy ra khi vừa bắt đầu truyền, đang truyền hoặc sau khi truyền. Nếu không có sẵn các thiết bị, thuốc chống sốc thì bệnh nhân có thể nguy hiểm tính mạng.
- Dịch không chảy, phồng nơi tiêm
Khi truyền có thể bị lệch ven, vỡ ven hoặc tắc đầu kim do cục máu đông khiến dịch không chảy được, làm phòng nơi tiêm khiến bệnh nhân đau buốt.
- Phù phổi cấp
Tình trạng này ít gặp nhưng là tai biến nguy hiểm đối với bệnh nhân. Chủ yếu do đưa vào cơ thể lượng dịch truyền quá lớn và truyền với tốc độ nhanh, nếu bệnh nhân có các bệnh huyết áp, suy tim trước đó thì càng dễ xảy ra tai biến hơn.
Như vậy truyền nước nếu không đúng chỉ định có thể gây ra nhiều tai biến và nguy hiểm cho bệnh nhân. Vì thế với bệnh nhân sốt virus mà ăn uống tốt, có thể bù dịch bằng đường uống thì không nên truyền. Những bệnh nhân mất nước nhiều cần đến các cơ sở y tế và tuân thủ theo chỉ định truyền dịch của các y bác sĩ.