SỎI MẬT DƯỚI GÓC NHÌN ĐÔNG – TÂY Y
Sỏi mật là bệnh tạo sỏi trong hệ thống đường dẫn mật bao gồm túi mật, ống mật chủ, các ống dẫn mật. Nhiều bệnh nhân lo lắng bởi không biết sỏi mật có nguy hiểm không và điều trị như thế nào, nên dùng đông y hay tây y?
I. Sỏi mật theo góc nhìn tây y
1. Phân loại sỏi mật theo thành phần và vị trí
• Sỏi mật có nhiều loại khác nhau tùy theo thành phần, đó là:
- Sỏi cholesterol chiếm 14,8%. Sỏi này không cản quang và thường chỉ có 1 viên, màu vàng sẫm, hình bầu dục hoặc tròn.
- Sỏi sắc tố mật chiếm 3,2%. Loại sỏi này nhỏ và cứng, có màu xanh hoặc nâu hoặc đen óng ánh, thành phần có sắc tố mât, calcium, kém cản quang.
- Sỏi hỗn hợp chiếm 52%: thành phần chủ yếu là cholesterol 94%, săc tố mật 3%, calcium 2%. Loại sỏi này cản quang và có nhiều vân.
- Sỏi carbonat calcium: sỏi có thể phối hợp hoặc không phối hợp với calcique, có cản quang.
• Vị trí của sỏi mật và triệu chứng lâm sàng:
- Sỏi túi mật: thường không có triệu chứng đặc biệt, khi sỏi rơi xuống cổ túi mật và tắc lại gây cơn đau quặn, có thể sốt, vàng da vàng mắt. Nếu kèm theo viêm nhiễm thì có thể xuất hiện sốt, đau vùng hạ sườn phải, ấn điểm túi mật đau, có thể sờ thấy túi mật.
- Sỏi ở ống mật chủ: Sỏi di chuyển trong ống mật chủ tới chỗ hẹp có thể tắc lại gây cơn đau quặn gan, vàng da, viêm đường mật. Khi ứ mật có thể gây viêm mủ đường mật, sốt cao, rét run, vàng da… Khi sỏi di chuyển khỏi chỗ tắc hoặc xuống hành tá tràng thì các triệu chứng sẽ giảm.
- Sỏi trong gan: thường có màu vàng xanh dạng sỏi bùn, trung tâm viên sỏi có thể thấy xác giun. Thường có nhiều viên, bệnh nhân có thể thấy các triệu chứng như sốt, vàng da, sợ lạnh từng đợt. Biến chứng tương đối nguy hiểm như viêm mủ đường mật, áp xe gan, xuất huyết đường mật.
2. Các cận lâm sàng để chẩn đoán
- Xét nghiệm: Có thể tăng bilirubin, men gan, amylase, lipase…
- Siêu âm: là phương pháp không xâm lấn, phát hiện chính xác được vị trí của sỏi mật, xem túi mật và đường mật có giãn hay không.
- Chụp cản quang đường mật: bằng thuốc uống hoặc tiêm, nếu có sỏi thì sẽ thấy hình ảnh khuyết, 1 số sỏi calci sẽ có hình cản quang đậm.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scanner) có giá trị chẩn đoán giãn đường mật trong và ngoài gan, hạn chế chẩn đoán sỏi ống mật chủ.
- Chụp cộng hưởng (MRI) từ có giá trị cao nhưng giá thành đắt.
- Nội soi chụp mật tuỵ ngược dòng (ERCP) là tiêu chẩn vàng trong chẩn đoán.
- Nội soi qua đoạn II tá tràng.
3. Điều trị
Tây y điều trị sỏi mật bằng các phương pháp ngoại khoa là chủ yếu. Tùy từng vị trí sỏi và trường hợp cụ thể có các biến chứng thì có thể phối hợp điều trị nội ngoại khoa
- Sỏi ống mật chủ: lấy sỏi qua ERCP, mổ nội soi lấy sỏi, lấy sỏi qua mổ mở hoặc dùng máy tán sỏi ngoài cơ thể.
- Sỏi gan: Tùy trường hợp có thể cắt 1 phần gan, lấy sỏi qua đường hầm Kerh hoặc lấy sỏi qua đường hầm qua da.
- Sỏi túi mật: Mổ nội soi hoặc mổ mở lấy sỏi.
II. Sỏi mật theo góc nhìn đông y
Đông y mô tả sỏi mật trong phạm vi chứng hiếp thống, hoàng đản, can khí thống.
1. Nguyên nhân gây bệnh
- Do rối loạn sơ tiết của can đởm: Đởm là trung thanh chi phủ có quan hệ biểu lý với can, có tác dụng vận chuyển dịch mật, chức năng của Đởm lấy thông giáng và đi xuống dưới làm thuận. Nếu do tình chí uất ức khiến can khí không thư thái gây nên khí trệ huyết ứ, can mộc không điều đạt, đởm không thông giáng được nên dịch mật tích trệ, tràn ra bì phu gây nên vàng da, đưa xuống bàng quang gây nên tiểu tiện sẫm màu. Dịch mật tích trệ lâu dài, can kinh hun đốt lâu ngày hình thành nên sỏi mật.
- Do thói quen ăn uống không lành mạnh, thích ăn đồ béo ngọt, khó tiêu khiến rối loạn tỳ vị, uất hóa hỏa hóa nhiệt. Uất nhiệt kết hợp với tỳ thấp lâu ngày không được giải trừ làm cho đởm phủ thông giáng thất thường, dịch mật tích trệ tràn ra bì phu gây vàng da, đưa xuống bàng quang gây nên tiểu tiện sẫm màu. Dịch mật tích trệ lâu dài, can kinh hun đốt lâu ngày sẽ hình thành nên sỏi mật.
- Do trùng tích đởm phủ: Do cảm nhiễm kí sinh trùng gây nên thấp nhiệt uẩn kết trung tiêu, hồi trùng (giun đũa) ăn chất dinh dưỡng và luôn vận động, kí sinh ở đường tiêu hóa có thể xâm nhập vào đường mật làm cho đởm mất sự điều hòa gây nên dịch mật uất trệ, phát sinh thành sỏi và thấp nhiệt.
2. Các thể bệnh tương ứng lâm sàng: thể khí trệ, thấp nhiệt
• Thể khí trệ
- Chứng trạng: Vùng hạ sườn phải đau tức âm ỉ hay đau nhiều, có lúc không đau, miệng đắng họng khô, không muốn ăn uống, không sốt cao, có hoàng đản, rêu lưỡi trắng mỏng hay vàng, mạch huyền khẩn hay huyền sác.
- Pháp chữa: Sơ can lý khí, lợi mật tiêu sỏi.
- Phương chữa: Sài hồ sơ can thang gia vị
Trần bì 10g, Hương phụ 10g, Cam thảo 10g, Sài hồ 12g, Chỉ xác 12g, Kim tiền thảo 30g, Xuyên khung 12g, Bạch thược 15g, Uất kim 10g. Nếu đau nhiều thêm Diên hồ sách 12g, Mộc hương 12g.
- Phương châm: Dương lăng tuyền, Chi câu, Túc tam lý, Nội quan, Chương môn, Kỳ môn, Đởm du. Nhĩ châm: vùng giao cảm, Thần môn, Túi mật, Gan, Vùng dưới vỏ.
• Thể thấp nhiệt
- Chứng trạng: vùng hạ sường phải đau tức, miệng đắng, họng khô, lợm giọng buồn nôn, sốt sợ lạnh hay lúc sốt, lúc rét; mắt vàng, người vàng, nước tiểu đỏ, hay vàng, táo bón, rêu lưỡi vàng dày, mạch hồng sác hoặc hoạt sác.
- Pháp chữa: thanh nhiệt lợi thấp, lợi mật.
- Phương chữa: Long đởm tả can thang gia giảm.
Long đởm thảo 12g, Sơn chi 12g, Sài hồ 16g, Hoàng cầm 12g, Cam thảo 4g, Đại hoàng 4g, Hoàng liên 12g, Hoàng bá 12g, Bồ công anh 40g. Nôn mửa nhiều thêm Trần bì 8g, Bán hạ 8g. Táo bón thêm Mang tiêu 20g.
- Phương châm: Thượng quản, Đởm du, Trung quản, Can du, Khúc trì, Hợp cốc, Dương lăng tuyền, Chi câu, Túc tam lí, Nội quan, Chương môn, Kỳ môn. Nhĩ châm: vị trí giao cảm, thần môn, túi mật, gan, vùng dưới vỏ.
Bác sĩ: Thúy Hường (Thọ Xuân Đường)