Bệnh xơ phổi (Pulmonary fibrosis) có tổn thương mô bệnh học là viêm khoảng kẽ lan tỏa và xơ hóa phổi. Xơ phổi bắt đầu với các tổn thương lặp đi lặp lại ở các mô trong và giữa các túi khí nhỏ (phế nang) trong phổi, làm các mô dày lên và mất tính đàn hồi, cuối cùng hình thành sẹo (xơ hóa) ở phổi.
Xơ phổi có thể xuất hiện sau một số bệnh lý (gọi là xơ phổi thứ phát), hay cũng có thể không tìm thấy bệnh lý nào trước khi xảy ra xơ phổi (gọi là xơ phổi vô căn).
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây xơ phổi
Trong hầu hết các trường hợp, thì nguyên nhân gây ra căn bệnh này vẫn chưa xác định được. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy có một số nguyên nhân gây ra xơ phổi gồm: Bệnh phổi thứ phát sau tổn thương phổi: Lao, viêm phổi, nhồi máu phổi, ... Bệnh bụi phổi, bệnh viêm phế nang dị ứng ngoại lai gặp ở người trồng nấm, người nông dân hít phải nấm mốc rơm rạ… Bệnh lý mô liên kết như bệnh xơ cứng bì, lupus ban đỏ hệ thống hay nhiễm viêm gan siêu vi C, hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải.
Yếu tố nguy cơ
- Tuổi: Độ tuổi trung niên và người cao tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh.
- Giới tính: Nam giới có nhiều khả năng bị xơ hóa phổi hơn so với nữ giới.
- Yếu tố di truyền: Các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được những gen cụ thể liên quan, nhưng họ đã phát hiện ra những thay đổi di truyền trong các protein ở đường hô hấp và túi khí của người bị xơ hóa phổi tự phát.
- Yếu tố môi trường: Tiếp xúc dài hạn với một số chất độc và các chất ô nhiễm có thể gây hại phổi. Trong số đó có bụi silic và sợi amiăng. Phơi nhiễm kinh niên đối với một số chất hữu cơ, bụi ngũ cốc, mía đường, phân chim và động vật, cũng có thể gây xơ hóa phổi.
- Bức xạ: Các phương pháp điều trị tia xạ vùng ngực, phổi làm tăng nguy cơ bị xơ hóa phổi. Các mức độ nghiêm trọng của thiệt hại tùy thuộc vào phổi tiếp xúc với lượng bức xạ.
- Thuốc: Nhiều loại thuốc có thể gây hại phổi, đặc biệt là các loại thuốc hóa trị (methotrexate, cyclophosphamide); thuốc dùng để điều trị rối loạn nhịp tim và các vấn đề tim mạch khác (amiodarone, propranolol); một số thuốc tâm thần và một số thuốc kháng sinh (nitrofurantoin, sulfasalazine) có thể gây tác động làm chết tế bào mô phổi bình thường.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Đối với một số trường hợp bị xơ phổi có thể do hít vào phổi vài giọt a-xít từ dạ dày của họ gây ra tổn thương ở phổi.
- Hút thuốc lá: Người hút thuốc nhiều và đã từng hút thuốc dễ phát triển xơ phổi tự phát hơn những người chưa bao giờ hút thuốc.
- Virus: Những người nhiễm virus herpes, Epstein-Barr... có nguy cơ mắc bệnh xơ phổi.
Triệu chứng bệnh
Bệnh xơ phổi có thể gây ra một số triệu chứng như: Mệt mỏi, đau nhức cơ khớp, ho khan, khó thở, sụt cân nhưng không rõ lý do. Trong đó, khó thở là triệu chứng điển hình của bệnh xơ phổi, nhất là sau khi lao động nặng. Khi phát hiện triệu chứng này tức là bệnh đã ở giai đoạn nặng và không thể phục hồi được tình trạng tổn thương của phổi, mặc dù có thể triệu chứng đã thuyên giảm. Cuối cùng, việc khó thở trở nên nghiêm trọng hơn, ngay cả trong những hoạt động sinh hoạt thường ngày.
Bệnh xơ phổi có đáng sợ hay không?
Bệnh xơ phổi gây ra những tổn thương khó hồi phục. Các biến chứng của xơ phổi có thể gặp:
- Làm giảm nồng độ oxy trong máu: Bệnh xơ phổi khiến người mắc hít vào không đủ, thở ra không hết, khí bị đọng lại bên trong phế nang, gây giảm lượng oxy trong máu, làm giảm quá trình hô hấp tế bào, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của người bệnh.
- Tăng áp lực động mạch phổi: Các mô sẹo phổi chèn ép và nén các động mạch và mao mạch nhỏ, khiến cho sức kháng mạch máu trong phổi tăng lên, dẫn đến tăng áp suất động mạch phổi. Lúc này, xơ phổi có nguy hiểm thực sự bởi nó có thể gây tử vong;
- Suy tim phải: Do xơ phổi nặng buộc tâm thất phải phải bơm máu mạnh hơn bình thường để có thể di chuyển máu qua động mạch phổi bị chặn
- Suy hô hấp: Ở giai đoạn cuối của xơ phổi mãn tính, khi lượng oxy trong máu giảm xuống mức thấp nhất, sẽ dẫn đến rối loạn nhịp tim khiến người bệnh mệt mỏi, suy hô hấp.
- Ung thư phổi: Trong một số trường hợp, xơ hóa phổi có thể là biểu hiện của ung thư phổi giai đoạn sớm. Tuy nhiên tỷ lệ người bị ung thư phổi do vôi hóa đường thở thường không cao.
- Các biến chứng tại phổi khác: Có thể kể đến như tạo cục máu đông trong phổi, xẹp phổi hay viêm phổi.
Xơ phổi là bệnh thường gặp ở độ tuổi trung niên và người già. Do bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nên tiên lượng của bệnh chỉ trung bình từ 3 - 5 năm. Tùy vào độ tuổi mắc bệnh, tình trạng sức khỏe hiện tại, mức độ triệu chứng nặng hoặc nhẹ và diễn tiến của bệnh mà tiên lượng của bệnh sẽ khác nhau.
BS. Thu Thủy (Thọ Xuân Đường)