NGUYÊN TẮC CHỮA BỆNH SẢN PHỤ KHOA THEO ĐÔNG Y
Bệnh sản phụ khoa do nhiều nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh khác nhau gây ra, các bệnh phụ khoa liên quan mật thiết đến toàn bộ ngũ tạng lục phủ trong cơ thể. Vì vậy nguyên tắc chữa bệnh trước là điều hòa toàn thân sau đó kết hợp chữa các chứng bệnh.
1. Nguyên tắc chữa điều hòa toàn thân
• Điều hòa khí huyết
- Bệnh về khí: khí nghịch thì giáng khí, khí uất thì hành khí giải uất, khi hư thì bổ khí.
- Bệnh về huyết: huyết hàn thì ôn huyết, huyết nhiệt thì lương huyết, huyết ứ thì hoạt huyết, huyết hư thì bổ huyết.
- Bệnh về khí hay có liên quan đến bệnh ở phần huyết, nên phối hợp điều hòa khí huyết: như khí trệ huyết ứ thì hành khí hoạt huyệt, khí huyết đều hư thì bổ khí ích huyết.
• Điều hòa Tỳ vị
- Bổ tỳ vị trong các trường hợp hư chứng gây rong kinh, rong huyết kéo dài vô kinh.
- Điều hòa Can tỳ: như can khí uất kết, can khí hoành nghịch…hay gây các chứng thống kinh, kinh nguyệt không đều…
• Bổ can thận
- Bệnh can thận hay ảnh hưởng đến xung nhâm gây các chứng vô kinh, hay sẩy thai, đẻ non. Như âm hư thì bổ thận âm. Như dương hư thì bổ thận dương.
2. Nguyên tắc chữa theo triệu chứng bệnh
• Kinh nguyệt:
Nguyên tắc chung là điều kinh
- Chữa bệnh gây rối loạn kinh nguyết như suy nhược thần kinh, thiếu máu, suy dinh dưỡng…
- Chữa bệnh ở phần khí gây các chứng bệnh về kinh nguyệt: điều kinh lí khí. Khi điều kinh lí khí lấy hành kinh giải uất là chính. Không nên dùng nhiều và kéo dài các vị thuốc hành khí có tính chất táo (thanh bì, mộc hương…) mà phải dùng phối hợp các thuốc bổ huyết với các thuốc bổ âm. Nếu do khí nghịch, khí hàn, khí hư thì cần các thuốc giáng khí, ôn khí, bổ khí phối hợp với các thuốc dưỡng huyết điều kinh để chữa.
- Tỳ vị là nguồn gốc bồi bổ của huyết ảnh hưởng trực tiếp đến kinh nguyệt. Nếu tỳ vị hư hay gây bệnh rối loạn kinh nguyệt, vì vậy phải bồi bổ tỳ vị để điều kinh.
- Khi hành kinh việc dùng thuốc phải hết sức chú ý đến liều lượng, đến tính chất hàn nhiệt của bệnh và của thuốc để khỏi làm ảnh hưởng đến chính khí của cơ thể.
• Khí hư:
- Bệnh mới mắc: thường do nhiễm trùng, kí sinh trùng thường chữa thấp nhiệt là chính. Thấp nhiệt xảy ra trên cơ sở tỳ vị hư gây thấp, thấp hóa nhiệt; có một số bệnh nhân tỳ hư sinh đàm thấp. Vì vậy ngoài việc thanh nhiệt trừ thấp là chính còn kèm thêm phương pháp kiện tỳ hóa thấp, trừ đàm…
- Bệnh lâu ngày hoặc khí hư do nhiễm trùng: thường do thận hư, tỳ hư thường dùng phương pháp kiện tỳ bổ thận để chữa.
• Bệnh ở thời kì có thai:
- Có thai thì phải dưỡng thai, khi có bệnh phải chữa bệnh song song với bảo vệ thai, cần chú trọng tránh dùng các thuốc cấm dùng (thuốc hạ mạnh, phá huyết, trục thủy, phá khí)
- Khi dùng thuốc căn cứ vào tình trạng hàn nhiệt hư thực của người bệnh
- Thai nhiệt: dùng thuốc dưỡng huyết hoặc thuốc dưỡng âm thanh nhiệt.
- Thai hư: Dùng các thuốc bổ dưỡng can tỳ thận.
• Bệnh sau khi đẻ (Sản hậu)
- Phân biệt tính chất hàn nhiệt hư thực nhưng bao giờ cũng chiếu cố khí huyết.
- Nếu cần giải uất nên dùng các thuốc hương táo, dùng thuốc tiêu thực song song kiện tỳ.
- Nếu nhiệt không nên dùng nhiều và kéo dài thuốc hàn lương vì dễ gây ngưng trệ, nên dùng các thuốc dưỡng âm thanh nhiệt.
- Nếu hàn nhiều không nên dùng các thuốc hương táo (quá cay, nóng) mà chỉ nên dùng các thuốc ấm bình thường.
Bác sĩ: Thúy Hường (Thọ Xuân Đường)