Định nghĩa
Tai biến mạch máu não (đột quỵ não) là các thiếu sót thần kinh với các triệu chứng khu trú hơn là lan toả xảy ra đột ngột do bị tắc hoặc vỡ mạch máu mà không do chấn thương sọ não gây nên.
Phân loại
Nhồi máu não hay còn gọi là nhũn não (chiếm 80%) là hiện tượng thiếu máu não cục bộ xảy ra khi các mạch máu bị tắc nghẽn do cục máu đông, mảng xơ vữa....
Xuất huyết não (chiếm 20%) là hiện tượng mạch máu bị vỡ, máu tràn ra ngoài lòng mạch. Khi máu thoátt ra khỏi mạch vỡ vào nhu mô não gọi là xuất huyết nội não, vào khoang dưới nhện gọi là xuất huyết dưới nhện; còn phối hợp hai loại trên gọi là xuất huyết não màng não.
Nguyên nhân
• Nhồi máu não
- Huyết khối xơ vữa động mạch (ĐM) lớn gây tắc mạch tại chỗ hoặc lấp mạch “từ ĐM đến ĐM”
- Bệnh tim gây lấp mạch não, đặc biệt là rung nhĩ, ngoài ra còn có các loạn nhịp khác, hẹp van 2 lá, van nhân tạo…
- Bệnh lý mạch máu nhỏ (NMN lỗ khuyết) chủ yếu do tăng huyết áp.
- Bệnh lý về máu.
• Xuất huyết não
- Ở người trung niên và lớn tuổi, tăng huyết áp là nguyên nhân chính, người già nguyên nhân có thể là thoái hóa dạng bột, u não.
- Ở người trẻ, nguyên nhân chủ yếu là dị dạng động – tĩnh mạch, phình mạch, rối loạn đông máu.
Các triệu chứng thường gặp
- Đau đầu: Đột ngột, nặng nề, đạt cường độ đau nặng ngày từ những phút đầu, giờ đầu.
- Nôn.
- Rối loạn ý thức.
- Rối loạn thực vật nặng nề (rối loạn hô hấp, tăng huyết áp, trụy mạch,sốt).
- Liệt nửa người nặng, liệt mềm.
Chẩn đoán
• Chẩn đoán xác định
Theo Tổ chức Y tế thế giới để xác định TBMMN thì cần có 3 tiêu chuẩn lâm sàng, đó là có triệu chứng thần kinh khu trú, triệu chứng đó xảy ra đột ngột và không có chấn thương sọ não.
Với 3 tiêu chuẩn lâm sàng trên thì độ chính xác 95-99 %. Tuy nhiên có giá trị nhất là chụp não cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ não.
• Chẩn đoán phân biệt thể lâm sàng
Điều trị
Ðiều trị nhằm 4 mục tiêu: Duy trì đời sống, giới hạn tổn thương não, hạn chế di chứng và biến chứng.
Đột quỵ não theo y học cổ truyền
Đông y đã có nhận thức sớm về bệnh này. Cách đây hơn 2000 năm, trong tác phẩm đông y như “Linh khu” đã ghi các chứng “Kích bộc”, “Thiên khô”, “Phong phì” có các triệu chứng ghi như: Hốt nhiên hôn bộc, bán thân bất toại (đột nhiên hôn mê, tay chân nửa người không cử động được). Và Thiên “Đại quyết” trong sách Tố Vấn ghi về cơ chế bệnh là do khí huyết cùng thượng nghịch, và nói đến tiên lượng bệnh là “Khi hồi phục (phản phục) được là sống, còn không phản phục được là chết”.
Sách “Kim quỹ yếu lược” của Trương Trọng Cảnh đời Hán mệnh danh là chứng “Trúng phong” và mô tả các triệu chứng của trúng phong như sau: bán thân bất toại, mồm méo, nói khó, nặng thì bất tỉnh nhân sự.
Sách đời Đường (701-704) và đời Tống (973-1093) nhận thức về nguyên nhân bệnh là do tích tuổi hư tổn.
Y gia các thời đại sau bổ sung thêm nhiều luận thuyết về nguyên nhân như Lưu Hà Gian cho là do “hỏa”, Lý Đông Viên cho là “lý hư”, Chu Đan Khê cho là “đàm nhiệt”. Các học gia sau này như Trương Giới Tân (đời Minh), Diệp Thiên Sỹ (đời Thanh) đều cho rằng là do “nội thương”, “tích tổn” mà thành chứ không phải do phong tà bên ngoài xâm nhập cơ thể.
• Phân loại
Đột quỵ được chia làm hai thể: Trúng phong kinh lạc: chân tay tê dại, mồm méo, hoặc nói khó, bán thân bất toại nhưng không có hôn mê. Trúng phong tạng phủ: bệnh nặng mê man hoặc hôn mê bất tỉnh, các triệu chứng lâm sàng nặng hơn. Được chia làm hai nhóm nhỏ: Chứng bế và chứng thoát.
• Điều trị
Y học cổ truyền điều trị Đột quỵ bằng phương pháp dùng thuốc theo biện chứng luận trị và không dùng thuốc kết hợp: Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt,...
BS. Nguyễn Thị Minh (Thọ Xuân Đường)