Khái niệm
Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là một tổn thương của não bộ khi lượng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc giảm thiểu đáng kể dẫn đến oxy cung cấp cho não bị thiếu, các tế bào não bắt đầu chết trong vài phút. Đột quỵ là tình huống cấp cứu y tế, cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Phân loại đột quỵ
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ
Được gây ra do tắc nghẽn trong động mạch (chiếm khoảng 85% số ca đột quỵ). Hiện nhiều cơn đột quỵ thuộc dạng này vẫn chưa tìm được nguyên nhân rõ ràng. Các loại đột quỵ do thiếu máu não phổ biến là:
- Đột quỵ do có huyết khối: Một cục máu đông (huyết khối) hình thành trong động mạch người bệnh ở cổ hoặc não. Những động mạch này có thể có tích tụ chất béo (gọi là các mảng bám).
- Đột quỵ do tắc mạch: Tắc nghẽn bởi các cục máu đông hình thành ở các vị trí khác trong cơ thể, thường là tim và di chuyển đến não. Nguyên nhân thường là ở nhịp bất thường ở tâm nhĩ (buồng phía trên của tim) tạo nên cục máu đông.
Đột quỵ do xuất huyết
Loại đột quỵ này được gây ra do sự rò rỉ hoặc vết nứt trên một động mạch não hoặc trên bề mặt não. Những vết nứt này có thể là do phình mạch hoặc bởi sự dị dạng của hệ thống mạch máu não. Xuất huyết có thể xuất hiện ở trong não, hoặc trong khoảng không giữa não và lớp bảo vệ bên ngoài của nó. Khoảng 15% trường hợp đột quỵ là do xuất huyết.
Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA)
Thường gọi là đột quỵ nhỏ, TIA là những giai đoạn ngắn có triệu chứng của đột quỵ, thông thường chỉ kéo dài vài phút. TIA được gây ra bởi sự suy giảm tạm thời dòng máu cung cấp cho một phần của não, không gây ra tác dụng rõ rệt lâu dài. TIA được xem là dấu hiệu cảnh báo bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ cao hơn.
Triệu chứng của đột quỵ
Các dấu hiệu của đột quỵ và TIA rất giống nhau, các triệu chứng có thể tới đột ngột hoặc ngắt quãng bao gồm:
- Tê liệt: Chân tay bị tê cứng hoặc mất lực, thường bị ở một bên của cơ thể. Triệu chứng điển hình là không thể cười một cách bình thường hoặc không thể nâng hai tay qua đầu cùng một lúc.
- Hoa mắt, chóng mặt, mất cân bằng đột ngột không tự chủ.
- Mất thị lực ở một hoặc cả hai mắt đột ngột.
- Đau đầu khu trú nghiêm trọng, có thể kèm theo triệu chứng nôn mửa.
- Khó nói hoặc không hiểu các câu đơn giản.
Nếu thấy xuất hiệu nhiều hơn một trong các dấu hiệu này bạn có thể nhận biết cơn đột quỵ sớm. Tuy nhiên, có nhiều tình trạng khác có thể giống đột quỵ, và cần phải có một chuyên gia y tế xác định nguyên nhân của các triệu chứng này. Việc nắm được cách nhận biết các dấu hiệu này là quan trọng, và nếu có thể, chú ý ngay khi chúng bắt đầu. Mặc dù chúng có thể không gây đau và thậm chí qua đi nhanh chóng, chúng là những dấu hiệu cảnh báo rõ ràng rằng một cơn đột quỵ đã xảy ra hoặc có thể sắp xuất hiện.
Những đối tượng có nguy cơ bị đột quỵ
- Những người ít vận động, thừa cân, béo phì, lạm dụng chất kích thích như rượu bia, ma túy, thuốc lá…
- Những người có tiền sử về các bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa lipid, tiểu đường, cao huyết áp …
- Tuổi tác cũng ảnh hưởng tới nguy cơ bị đột quỵ: Ở Nam giới trên 45 tuổi, nữ giới trên 55 tuổi.
Phòng tránh bệnh đột quỵ
Đột quỵ não có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhưng hoàn toàn có thể phòng và tránh bệnh như:
- Thay đổi lối sống lành mạnh hơn: Không hút thuốc, sử dụng chất kích thích, không uống quá nhiều rượu bia, tập thể dục thường xuyên, chế độ dinh dưỡng lành mạnh (tránh ăn quá mặn, đồ chiên nhiều dầu mỡ, hạn chế đồ ngọt, ăn nhiều rau xanh và hoa quả…).
- Hạn chế thức quá khuya và làm việc căng thẳng thần kinh quá sức.
- Nếu có các bệnh lý nền (tim mạch, huyết áp, tiểu đường…) cần sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý sử dụng thuốc.
Hệ quả sau đột quỵ
Khả năng phục hồi sau đột quỵ là khác nhau, một số người có thể phục hồi hoàn toàn trong khi những người khác sẽ bị khuyết tật nhẹ, trung bình hoặc nghiêm trọng. Phục hồi nhanh nhất diễn ra trong vòng 30 ngày đầu tiên sau khi đột quỵ, phụ thuộc vào vị trí, phạm vi của đột quỵ và việc người đó đã được điều trị như thế nào. Thông thường đột quỵ xảy ra ở bán cầu não trái có thể ảnh hưởng đến vấn đề giao tiếp và trí nhớ, ở phần cơ thể bên phải sẽ ảnh hưởng tới vận động. Đột quỵ xảy ra ở bán cầu não phải có thể ảnh hưởng đến các khả năng tự cân bằng của cơ thể và nhận thức, ở phần cơ thể bên trái sẽ ảnh hưởng tới vận động.
- Tê liệt hoặc yếu các bộ phận trên cơ thể: Thường xuất hiện ở một bên cơ thể, bao gồm cả mặt và miệng. Bệnh nhân có thể bị khó nuốt hoặc bỏ hẳn một bên hàm nhai (có thể do quên mất một bên).
- Ảnh hưởng thị giác: Bệnh nhân có thể không tập trung nhìn được, có thể có điểm mù hoặc có vấn đề với tầm nhìn ngoại vi.
- Gặp khó khăn trong giao tiếp: Bệnh nhân có thể gặp các vấn đề khi giao tiếp, bao gồm gặp vấn đề khi nói, hiểu, đọc và viết.
- Rối loạn cảm xúc: Biểu hiện mất kiểm soát, không lý giải được hành động mình làm như khóc, tức giận hoặc cười… những hậu quả này có liên hệ đến trạng thái cảm xúc hiện tại của bệnh nhân. Những biểu hiện này thường xuất hiện và hết nhanh chóng, có thể giảm dần theo thời gian.
- Trầm cảm: Bệnh nhân luôn trong tình trạng lo lắng (đặc biệt là về khả năng gặp một cơn đột quỵ khác). Trầm cảm không phải là hiếm gặp sau đột quỵ, Nguyên nhân do sinh lý và tâm lý thay đổi.
Đột quỵ trong y học cổ truyền
Trong đông y, đột quỵ thuộc chứng phong, khẩu nhãn oa tà, bán thân bất toại, chứng nuy, ma độc.
Nguyên nhân gây bệnh:
- Ngoại nhân: Chủ yếu do đàm thấp hóa hỏa, nhiệt cực sinh phong.
- Do thất tình (nội nhân): Can, tâm, tỳ, thận bị tổn thương lâu ngày sinh bệnh.
- Do mắc bệnh lâu ngày (chứng nội thương) không chữa trị kịp thời, làm chức năng can thận bị hư gây bệnh.
- Do chấn thương làm huyết ứ tắc, kinh lạc bất thông.
- Do yếu tố di truyền hay còn gọi tiên thiên bất túc.
Phân loại đột quỵ trong y học cổ truyền
Trúng phong ở lạc (trong đông y phân ra kinh lạc, lạc ở đây chỉ các nhánh phân ra từ kinh): Bệnh nhân có triệu chứng tê dại trên da, choáng váng, đau đầu. hoa mắt. Những triệu chứng này có thể xuất hiện thoáng qua hoặc kéo dài.
Trúng phong kinh lạc: Triệu chứng không làm bệnh nhân mê man nhưng cơ thể mất cân bằng, thường kéo theo liệt nửa người, nhiều đờm dãi, khả năng nói bị hạn chế, rêu lưỡi dày, mạch Huyền Hoạt.
Trúng phong tạng phủ: Bệnh nhân có triệu chứng hôn mê đột ngột hoặc từ từ.
- Trúng Phủ: Bệnh nhân có triệu chứng mê man, liệt nửa người, miệng méo sang một bên, mất tự chủ cả đại tiểu tiện và khả năng nói tròn chữ do cơ miệng cũng liệt.
- Trúng tạng: Bệnh nhân hôn mê sâu chia làm 2 dạng:
- Chứng bế:
- Dương bế: Bệnh nhân đột ngột bất tỉnh, hàm cắn chặt, mặt đỏ, tay nắm chặt, bí tiểu tiện, rêu lưỡi vàng có nhầy.
- Âm bế: Bệnh nhân cũng đột ngột bất tỉnh, hàm cắn chặt nhưng có thở khò khè, tay nắm chặt, lưỡi rút lại, rêu lưỡi vàng có nhầy.
- Chứng thoát: Bệnh nhân đột ngột bất tỉnh, hôn mê sâu, mắt nhắm, miệng há, hô hấp mạnh, tay chân lạnh, 2 tay xòe, đái són, vã mồ hôi, rêu lưỡi nhạt, trắng.
- Chứng bế:
Điều trị đột quỵ
Phương pháp điều trị đột quỵ bằng Tây y
Phẫu thuật
Trong quá trình điều trị cấp bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật nếu người bệnh đột quỵ thể xuất huyết nặng. Trong quá trình phẫu thuật, phẫu thuật viên sẽ lấy đi các khối máu tụ ở vùng mô não bị tổn thương, tạo điều kiện cho vùng mô này hồi phục đồng thời cũng giải quyết nguyên nhân vỡ mạch máu.
Điều trị bằng thuốc
Trong trường hợp bệnh nhân chỉ gặp vấn đề thiếu máu cục bộ, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (TPA). Những trường hợp dưới 18 tuổi được đưa tới bệnh viện không xác định được thời gian khởi phát đột quỵ sẽ không được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
Phương pháp điều trị đột quỵ bằng y học cổ truyền
Trong đông y để điều trị đột quỵ hiệu quả cần xác minh chính xác bệnh nhân đang gặp đột quỵ ở thể nào, thầy thuốc sẽ có những phương pháp xử lý chính xác.
Điều trị bằng thuốc
Các bài thuốc thường dùng như thiên ma câu đằng ẩm, quy tỳ thang, lục vị địa hoàng hoàn, thận khí hoàn, Hữu quy ẩm, Nhị trần thang… Tùy vào tình trạng bệnh nhân, thầy thuốc có thể sử dụng các bài thuốc trên gia giảm theo triệu chứng và thể trạng của bệnh nhân để sử dụng bài thuốc phù hợp.
Điều trị đột quỵ không dùng thuốc
Để điều trị đột quỵ không dùng thuốc, có thể dùng phương pháp châm cứu hoặc xoa bóp bấm huyệt.
Các nhóm huyệt thường được sử dụng trong điều trị đột quỵ là:
- Huyệt ở tay: Theo y học cổ truyền chăm sóc bàn tay cũng như chăm sóc cơ thể do ở bàn tay có các huyệt liên quan đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Với bệnh nhân đang đột quỵ, có thể sử dụng các huyệt Kiên ngung, Kiên tỉnh, Tý nhu, Khúc trì, Hợp cốc, Bát tà, Nội quan.
- Huyệt ở chân: cũng như ở tay, các huyệt ở chân cũng có những mối quan hệ chặt chẽ với cơ thể người. Các huyệt sử dụng ở chân là Hoàn Khiêu, Phong thị, Dương lăng tuyền, Âm lăng tuyền, Huyết hải, Túc tam lý, Phong long, Tam âm giao,…
- Huyệt ở vùng đầu và cổ: Bách hội, Hạ quan, Giáp xa, Thiên đột, Thượng liêm tuyền, Địa thương, Phong trì, Phong phủ…
DS. Hoàng Long (Thọ Xuân Đường)