Định nghĩa
Rối loạn trầm cảm là trạng thái bệnh lý rối loạn cảm xúc, thể hiện sự ức chế ở tất cả mọi mặt của hoạt động tâm thần (ức chế cảm xúc, tư duy, vận động…). Sự ức chế này dẫn tới giảm sút mọi mặt hoạt động tâm thần và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh hoạt, hiệu suất lao động và học tập của con người.
Theo tổ chức y tế thế giới (WHO) cứ 20 người bình thường sẽ có một người từng trải qua một giai đoạn trầm cảm trong năm trước. Mỗi năm trong bình 850.000 người chết vì trầm cảm. Rối loạn trầm cảm không phân biệt giới tính hay độ tuổi, như tỷ lệ mắc chứng trầm cảm ở phụ nữ gấp đôi ở nam giới.
Những người bị trầm cảm có thể đã phải trải qua những biến cố lớn của cuộc đời như: Thất nghiệp, phá sản, nợ nần, ly hôn… hoặc cũng có thể mắc rối loạn trầm cảm nhưng không trải qua biến cố lớn mà có thể do những thay đổi trong đời sống hàng ngày: Thay đổi môi trường sống, đổi công việc, kết hôn, thậm chí là thăng chức… những sự kiện này tác động mạnh đến đời sống cá nhân hoặc tinh thần, thách thức sự thay đổi ở họ.
Rối loạn trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần người bệnh mà còn ảnh hưởng tới các mối quan hệ gia đình và xã hội của người bệnh.
Biểu hiện của hội chứng trầm cảm
Giai đoạn 1:
- Cảm thấy buồn chán vô cớ, buồn chán không lý do.
- Bản thân luôn không muốn làm gì.
- Cảm thấy cạn kiệt hết năng lượng tích cực.
- Không muốn làm những đam mê, sở thích từng có.
- Bản thân không tự nhận thức được là mình có bệnh.
- Có xu hướng tách biệt với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, xã hội và thế giới xung quanh.
- Muốn xa lánh mọi thứ và thích ở 1 mình.
Giai đoạn 2:
- Cảm thấy luôn trong trạng thái sợ hãi, uể oải, thiếu sức sống.
- Muốn buông xuôi mọi thứ.
- Không muốn suy nghĩ hay làm việc, những việc vẫn làm theo thói quen trước đây cũng không muốn làm.
- Sợ người lạ, không muốn ở chỗ đông người, sợ cả những người thân thiết.
- Xuất hiện những nỗi sợ hãi chưa xuất hiện như: sợ bóng đêm, sợ sâu, sợ ánh sáng…
- Xuất hiện ảo tưởng.
- Đôi khi nổi giận vô cớ, cáu giận.
- Khó ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu giấc.
- Cảm thấy không ai hiểu và không có ai giúp được mình trong những vấn đề mình gặp phải.
- Không còn niềm tin với người thân, bạn bè, đồng nghiệp, xã hội xung quanh.
- Không dám đối mặt với hiện tại.
- Biết bản thân có bệnh nhưng không nghĩ bác sĩ, người thân có thể hỗ trợ mình.
Giai đoạn 3:
- Tuyệt vọng, mất hết niềm tin vào bản thân, người thân xung quanh, cuộc sống hàng ngày, xã hội.
- Cảm thấy bản thân vô dụng.
- Có xu hướng tự làm hại bản thân.
- Xuất hiện hoang tưởng, cảm thấy không có hướng thoát.
- Không muốn nghĩ đến bất cứ việc gì (quá khứ, tương lai).
- Suy nghĩ tiêu cực, cảm thấy mặc cảm, tội lỗi có thể nghĩ tới cái chết để giải thoát.
- Ngủ say li bì hoặc luôn trong trạng thái mất ngủ hơn bình thường, mất ngủ kéo dài.
- Cảm giác bị ám ảnh bới nhiều loại bệnh tật khác nhau.
- Thường xuyên nghĩ đến cái chết, trên 5 lần/ tuần trở lên.
Mức độ nguy hiểm của hội chứng trầm cảm
Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã ghi nhận Trầm cảm là căn bệnh phổ biến và là gánh nặng bệnh lý đứng thứ 2 của toàn thế giới, chỉ sau tim mạch:
- Khoảng 280 triệu người đang phải chịu nhiều ảnh hưởng của hội chứng trầm cảm.
- 75% tổng số ca bệnh tự tử vì chứng trầm cảm nặng.
- Tự tử là nguyên nhân thứ tư gây tử vong ở thanh thiếu niên (khoảng từ 15-29 tuổi).
- 5% ca bệnh trở thành mối đe dọa nguy hiểm cho xã hội.
- 22% do nghiện các chất kích thích và cờ bạc.
- 3% do tâm thần phân liệt hay bệnh động kinh.
Tác động của hội chứng trầm cảm cho người bệnh
Xét thể mặt sức khỏe thể chất
Thời điểm đầu, người bệnh không còn muốn chăm sóc cho bản thân bao gồm cả sinh hoạt tối thiểu hay vẻ bề ngoài.
Nếu kéo dài, khả năng miễn dịch của cơ thể sẽ không đủ sức chống lại các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài và biến chứng thành nhiều bệnh lý nguy hiểm như:
- Tim, ung thư, tiểu đường, dạ dày.
- Đau đầu, mất ngủ kéo dài.
- Suy giảm ham muốn tình dục…
Xét về mặt tâm lý tư duy
- Mất dần khả năng tập trung và lối tư duy tích cực, giảm hiệu quả học tập và làm việc.
- Mất trí tuệ và phát triển bệnh Alzheimer ở giai đoạn sớm.
- Lạm dụng các chất kích thích, gây nghiện để tìm sự thoải mái dù là ngắn hạn.
- Thu hẹp cuộc sống, mối quan hệ xã hội, trở nên cô lập một mình.
- Tự làm hại chính bản thân mình bằng cách tự tử hoặc luôn nghĩ tới sự chết chóc, bạo lực.
- Có thể làm hại đến những người xung quanh.
Phương pháp điều trị hội chứng trầm cảm
Các liệu pháp tâm lý hiện tại đang được áp dụng là phương án tối ưu cho hội chứng trầm cảm theo các bước và nguyên tắc sau:
- Cắt các cơn rối loạn cảm xúc.
- Chống tái phát các biểu hiện của rối loạn cảm xúc.
- Phục hồi chức năng sau khi được điều trị.
- Không được tự ý dùng các loại thuốc điều trị trầm cảm khi chưa có chỉ định rõ ràng.
- Dùng thuốc đúng, đủ, theo phác đồ, không tự ý bỏ thuốc.
- Thông báo với bác sẽ những tác dụng phụ của thuốc để đưa ra hướng giải quyết phù hợp nhất.
Phương pháp giúp tránh bị trầm cảm
Tập thể dục thường xuyên
Bất kỳ loại hình thức vận động nào đều rất tốt cho cơ thể nói chung và chứng trầm cảm nói riêng.
Tập thể dục giúp não tiết hormone endorphine và dopamine có thể điều chỉnh tâm trạng. Tập thể dục còn làm tăng nhiệt độ cơ thể, làm dịu hệ thần kinh trung ương. Các hoạt động thể chất giúp ăn ngon hơn, tăng cường trao đổi chất, kích thích não bộ làm cải thiện tâm trạng.
Ngủ ngon
Một giấc ngủ ngon rất quan trọng cho cả sức khỏe và tinh thần và thể chất. Theo National Sleep Foundation, tỷ lệ người bị mất ngủ có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 10 lần những người ngủ ngon.
Ăn ngon, không bỏ bữa
Những gì bạn ăn hay uống đều có tác động đến cảm xúc của bạn, Khi đồ ăn ngon tới miệng, cơ thể sẽ tạo hormone tạo sự hưng phấn, vui vẻ. Ngược lại nếu thường xuyên ăn nhiều chất béo, có thể có tác động tương tự như căng thẳng mãn tính, gây nên trầm cảm. Ngoài ra một chế độ ăn không lành mạnh sẽ làm cơ thể bạn mất đi nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết cho cơ thể để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần.
Duy trì cân nặng
Khi cân nặng không được kiểm soát, bạn quá gầy hoặc quá nặng cân (béo phì) sẽ làm bạn tự ti hơn, hay để ý tới lời phán xét và chỉ trích từ người khác. Bên cạnh việc tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc thì bạn cần giữ cân nặng hợp lý để tăng tự tin, tránh những suy nghĩ tiêu cực.
Kết nối với mọi người
Giao tiếp là một yếu tố quan trọng để cải thiện tâm trạng. Hạn chế ở một mình quá lâu, nếu không nói chuyện với mọi người bạn rất dễ bị trầm cảm.
Hãy nói chuyện với bạn bè và gia đình thường xuyên, ngay cả khi công việc của bạn rất bận rộn, những mối quan hệ thân tình giúp bạn cảm nhận được sự yêu thương, gắn bó.
Gặp gỡ hay nói chuyện với đồng nghiệp, bạn bè hay xây dựng những mối quan hệ mới cũng giúp bạn có tâm trạng thoải mái hơn.
Hạn chế thời gian trên mạng xã hội
Việc sử dụng mạng xã hội giúp chúng ta kết nối được với người thân, bạn bè, đồng nghiệp dễ dàng hơn bằng cách thường xuyên trò chuyện và chia sẻ tin tức với nhau. Tuy nhiên, mạng xã hội có thể gây nghiện, khiến một người thu mình lại với xã hội và trở nên khó tương tác với mọi người trong các tình huống ngoài thực tế.
Nếu bạn nhìn vào điện thoại trong một thời gian quá lâu, bạn sẽ cảm thấy bứt rứt, lo lắng khi không nhìn thấy chúng, bạn có thể dễ bị trầm cảm hơn. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra trầm cảm ở tuổi mới lớn.
Bạn có thể hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội bằng cách:
- Xóa bớt các ứng dụng xã hội khỏi điện thoại của bạn;
- Chỉ truy cập mạng xã hội có mục đích và tránh đăng nhập nhiều lần trong ngày.
- Hãy hẹn gặp mọi người ngoài thực tế thay vì chỉ trò chuyện qua mạng xã hội.
- Hãy tạo một thói quen, một sở thích mới. Đó có thể là chơi một nhạc cụ, nghe nhạc, vẽ tranh, đạp xe hoặc đi dạo.
Tránh những nguồn năng lượng tiêu cực
Bên cạnh những mối quan hệ tích cực, đôi khi chúng ta sẽ gặp phải những mối quan tiêu cực. Đó có thể là hành động, lời nói hạ thấp lòng tự trọng của bạn, những hành động, lời nói này sẽ khiến tâm trạng bạn càng ngày càng tệ đi, rất dễ dẫn tới trầm cảm. Bạn cũng không nên xem những bộ phim tâm lý, tình cảm ủy mị, nghe nhạc buồn thường xuyên, nhất là khi tâm trạng không tốt vì chúng sẽ khiến tâm trạng của bạn tệ hơn.
Đọc kỹ tác dụng phụ của thuốc kê đơn
Một số loại thuốc kê đơn có tác dụng phụ là gây trầm cảm. đó là lý do bạn nên đi khám lại sau mỗi lần được kê đơn thuốc và uống hết liệu trình điều trị mà không phải sử dụng lại đơn cũ. Và nhớ đem theo đơn thuốc từ lần điều trị trước, bác sẽ có thể sẽ cho bạn một đơn thuốc hoặc phương pháp điều trị khác mà không dẫn đến trầm cảm.
Một số loại thuốc có thể gậy trầm cảm bao gồm:
- Nhóm thuốc thay đổi nội tiết tố.
- Nhóm thuốc chẹn beta (các bệnh cao huyết áp, đau thắt ngực, điều hòa nhịp tim…).
- Nhóm corticoid (kháng viêm, chống dị ứng, viêm mạch máu, xương khớp…).
- Nhóm Benzodiazepin (Trong thuốc an thần, gây ngủ, thư giãn cơ…).
- Nhóm kích thích thần kinh (các thuốc chữa methylphenidate, modafinil dùng điều trị chứng buồn ngủ ngày, ngưng thở thì ngủ…).
- Nhóm chữa rối loạn lipid máu.
Kết luận
Hội chứng trầm cảm không phải căn bệnh hiếm gặp nhưng lại rất khó chữa khỏi vì người bệnh gặp phải những vấn đề về mặt tâm lý, nếu bạn có những triệu chứng như trên bài viết có thể nhận ra dễ và tự điều chỉnh lại thói quen, lối sống để tránh bệnh nặng hơn. Khi gặp phải vấn đề bạn có thể đến các cơ sở điều trị tin tưởng để được thăm khám và hỗ trợ kịp thời.
DS. Hoàng Long (Thọ Xuân Đường)