Định nghĩa
Phân loại
- Huyết áp bình thường được định nghĩa là huyết áp tâm thu <120mmHg và huyết áp tâm trương <80mmHg, bệnh nhân không cần chỉ định dùng thuốc.
- Tiền tăng huyết áp được định nghĩa là huyết áp tâm thu 120-139mmHg hoặc huyết áp tâm trương 80-89mmHg. Những bệnh nhân này được khuyến khích nên thay đổi lối sống toàn diện để giảm sự tiến triển của tăng huyết áp. Điều trị bằng thuốc được chỉ định ở bệnh nhân tiền tăng huyết áp đã có tổn thương cơ quan đích hoặc mắc bệnh đái tháo đường.
- Tăng huyết áp độ 1 (huyết áp tâm thu 140-159mmHg hoặc huyết áp tâm trương 90-99mmHg) và tăng huyết áp độ 2 (huyết áp tâm thu >160mmHg hoặc huyết áp tâm trương >100mmHg). Ở những trường hợp không mắc đái tháo đường hoặc bệnh thận mãn tính, bệnh nhân cần thay đổi lối sống để giảm huyết áp dưới 140/90mmHg, còn đối với những bệnh nhân đã bị mắc 2 bệnh trên, huyết áp cần phải hạ xuống dưới 130/80mmHg. Những bệnh nhân có mức huyết áp cao hơn 20/10mmHg trên mục tiêu điều trị cần phải dùng nhiều hơn 1 loại thuốc mới đủ để kiểm soát được huyết áp và phác đồ 2 thuốc có thể được chỉ định điều trị ngay từ đầu. Những bệnh nhân với mức huyết áp trung bình 200/120mmHg hoặc hơn đòi hỏi điều trị ngay lập tức và nếu có triệu chứng tổn thương cơ quan đích thì phải nhập viện.
- Cơn tăng huyết áp gồm tăng huyết áp cấp cứu và tăng huyết áp khẩn trương. Nó thường phát triển ở những bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao nhưng cũng có thể phát sinh ở những người trước đây huyết áp bình thường. Mức độ nguy kịch của cơn tăng huyết áp không chỉ liên quan tuyệt đối mức huyết áp cao mà còn là sự phát triển nhanh bởi vì cơ chế điều hòa tự động không đủ thời gian để đáp ứng theo.
- Tăng huyết áp khẩn trương được định nghĩa là sự tăng đáng kể của huyết áp, thường với huyết áp tâm trương >120mmHg và thường xảy ra ở khoảng 1% bệnh nhân tăng huyết áp. Tăng huyết áp khẩn trương (Ví dụ như: cao hơn mức tăng huyết áp độ 2, tăng huyết áp với phù gai thị, tiến tới biến chứng cơ quan đích và tăng huyết áp trong khi phẫu thuật) phải điều trị huyết áp giảm xuống trong vòng vài giờ.
- Tăng huyết áp cấp cứu là trường hợp huyết áp tăng nhanh, thường được định nghĩa là huyết áp tâm thu >210mmHg và huyết áp tâm trương >130mmHg có triệu chứng đau đầu, mờ mắt hoặc có dấu hiệu thần kinh khu trú và tăng huyết áp ác tính (đòi hỏi có biểu hiện phù gai thị). Tăng huyết áp cấp cứu đòi hỏi lập tức huyết áp giảm 20% đến 25% để ngăn chặn tối thiểu tổn thương cơ quan đích (ví dụ: bệnh não do tăng huyết áp, xuất huyết nội sọ, đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim, suy thất trái với phù phổi, phình động mạch chủ, tiến tới suy thận hoặc sản giật).
- Tăng huyết áp tâm thu đơn độc được định nghĩa huyết áp tâm thu >140mmHg và huyết áp tâm trương bình thường, xảy ra thường xuyên ở người cao tuổi (bắt đầu sau tuổi 50 và tăng lên theo tuổi). Điều trị không dùng thuốc cần được bắt đầu với việc dùng thêm thuốc nếu cần để huyết áp giảm <140mmHg. Bệnh nhân thích hợp với điều trị hạ huyết áp cần được duy trì thường xuyên.
Dịch tễ
- Bệnh tăng huyết áp là gánh nặng của sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng đến khoảng 68 triệu người lớn ở Mỹ. Những người ở độ tuổi từ 55 – 65 tuổi không tăng huyết áp thì trong cuộc đời có nguy cơ phát triển bệnh tăng huyết áp là 90%.
- Theo dữ liệu nghiên cứu của Framingham (một nghiên cứu tim mạch nổi tiếng) đã chỉ ra rằng bệnh nhân tăng huyết áp có tai biến mạch máu não tăng gấp 4 lần và suy tim xung huyết tăng gấp 6 lần, so với nhóm bệnh nhân chứng không có tăng huyết áp.
- Với mức tăng cao của huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong bao gồm bệnh xơ vữa mạch máu, đột quỵ, suy tim và suy thận tăng lên.
- Trong 3 thập kỷ qua, điều trị tích cực của bệnh tăng huyết áp có kết quả tốt trong việc giảm đáng kể tỷ lệ chết do đột quỵ và bệnh động mạch vành. Thật đáng tiếc, tỷ lệ bệnh thận giai đoạn cuối và nhập viện do suy tim xung huyết tiếp tục tăng lên. Kiểm soát huyết áp có cải thiện nhưng còn ít với chỉ 50,1% những bệnh nhân tăng huyết áp đã điều trị giảm xuống mức huyết áp đích.