MẸO DÂN GIAN CHỮA NGỘ ĐỘC SẮN
Sắn là loại lương thực quen thuộc của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều người vì ngộ độc sắn. Trường hợp người ăn sắn không may bị ngộ độc mà ở cách xa cơ sở y tế có thể tham khảo một số mẹo dân gian để xử lý kịp thời.
1. Sự nguy hiểm của chất độc trong sắn
Những trường hợp bị ngộ độc sắn thường do ăn phải sắn sống, sắn nấu chưa chín kỹ, ăn phải vỏ, 2 đầu, phần lõi, không ngâm rửa kỹ trước khi nấu và ăn sắn khi đói bụng.
Độc tố trong sắn (nhiều nhất là vỏ, 2 đầu và lõi) là một loại glucosid, khi gặp enzym tiêu hóa, acid hay nước, sẽ thủy phân và giải phóng cyanhydric acid (HCN). HCN là một chất độc, muối của nó cũng độc và có thể gây độc chết người.
Triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện sau khi ăn sắn 3 – 7 giờ. Tùy vào lượng độc tố mà người bị ngộ độc có những biểu hiện khác nhau:
- Mức độ nhẹ: Còn gọi là say sắn, bệnh nhân có biểu hiện đau váng đầu, hoa mắt, chóng mặt, nóng bừng mặt, ù tai, ngứa ngáy, tê tay chân, buồn nôn và đau bụng.
- Mức độ nặng: Bệnh nhân có biểu hiện vật vã, khó thở, run tay chân và thậm chí là co giật. Sau đó dần dần giảm tri giác, đi vào hôn mê, rối loạn nhịp thở, đồng tử giãn, tụt huyết áp, truỵ mạch và tử vong.
2. Đề phòng và xử trí ngộ độc sắn
Để giảm thiểu nguy cơ xảy ra ngộ độc, điều cần thiết nhất là phải loại bỏ độc tố sắn trước khi chế biến món ăn, bởi đa số các trường hợp bị ngộ độc sắn đều do chế biến và nấu không đúng cách.
Cách chế biến sắn để giảm bớt độc tố như sau:
- Lột sạch lớp vỏ màu hồng của sắn.
- Chặt 2 đầu của củ sắn bỏ đi.
- Ngâm sắn đã lột vỏ trong nước sạch 3 - 5 giờ, nhớ thường xuyên thay nước (30 phút 1 lần).
- Khi nấu sắn phải mở vung nồi để chất độc bay ra ngoài.
Lưu ý khi ăn sắn:
- Không nên cho trẻ dưới 3 tuổi ăn sắn.
- Không nên ăn nhiều sắn vào lúc bụng đói.
- Khi ăn sắn nên chấm với đường hay mật để giảm nguy cơ ngộ độc.
- Nếu thấy sắn đắng nên bỏ đi vì đó là vị của chất gây độc trong sắn.
Nếu không may ngộ độc sắn, cần xử lý kịp thời để hạn chế rủi ro xảy ra. Với các trường hợp nhẹ cần gây nôn, sau đó cho bệnh nhân uống nước đường, chú ý thao tác cẩn thận, đỡ nghiêng đầu sang một bên để chống sặc chất dịch. Sau đó đưa ngay đến cơ sở y tế, mang theo thức ăn gây độc hoặc đồ chứa đựng thức ăn đó để xác định chất độc.
Với các trường hợp ngộ độc nặng cần đưa ngay tới cơ sở y tế để xử trí cấp cứu sinh tồn, gây nôn, rửa dạ dày và giải độc.
3. Một số mẹo dong y chữa ngộ độc sắn
Khi bị ngộ độc sắn mà bệnh nhân lại ở quá xa cơ sở ý tế, cần phải sơ cứu và xử lý mẹo dân gian để bảo toàn tính mạng.
Dưới đây là một số mẹo dân gian chữa ngộ độc sắn:
- Rau muống 1 nắm, giã hoặc ép lấy nước cốt cho uống.
- Cây chuối sứ bóc bỏ bẹ ngoài, chỉ lấy nõn trắng một đoạn 20-30cm, giã hoặc ép lấy nước cốt cho uống.
- Cho ăn mía hoặc uống nước mía, nước đường.
- Rau sam 1 nắm giã hoặc ép lấy nước cốt cho uống.
- Lá khoai lang 1 nắm giã hoặc ép lấy nước cốt uống sống hoặc luộc ăn.
- Bắt 10 con cua đồng giã lấy nước cốt cho uống với ít muối.
- Nước cốt rau má giã hoặc ép lấy nước cốt cho uống.
- Dùng ngay vỏ trái thơm (dứa) sắc với rau má cho uống với ít muối.
- Đậu xanh và lá dâu sắc thật đặc, cho uống.
Những kinh nghiệm này đã giúp cho nhiều trường hợp được cứu sống, được lưu truyền trong dân gian. Tuy nhiên, nếu áp dụng cũng không nên quá chủ quan, cần cố gắng đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ để kiểm tra lại cũng như xử lý triệt để.
Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân (Thọ Xuân Đường)
Để được tư vấn về sức khỏe, quý vị vui lòng liên hệ nhà thuốc Thọ Xuân Đường:
Số điện thoại: 0937 63 8282 hoặc 0943 986 986