CÂY GIÁ NHỰA ĐỘC GÂY MÙ MẮT, CÓ THỂ DÙNG LÀM THUỐC CHỮA BỆNH
Cây giá là một trong những loài phổ biến sống trong môi trường rừng ngập mặn. Nhựa của cây giá có độc, có thể gây mù mắt, trụy thai… tuy nhiên, nếu biết cách sử dụng cây giá vẫn có nhiều hữu ích, kể cả việc dùng làm thuốc chữa bệnh.
1. Cây giá trong rừng ngập mặn
Cây giá (Excoecaria agallocha L.) thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Cây giá còn được gọi là cây trà mủ, cây mù mắt, cây chá… Tên nước ngoài: Blinding tree, blind - your - eyes (Anh); Arbre aveuglant, agalloche vrai, bois d' aigle (Pháp).
Cây giá là cây gỗ nhỏ, ưa sáng, luôn xanh tươi. Toàn cây có nhựa mủ trắng. Lá mọc so le, hình trái xoan, gốc tròn, đầu nhọn, dài rộng bằng nửa bàn tay, mép nguyên hơi lượn sóng, ở gốc lá có 2 tuyến nhỏ; lá kèm nhỏ.
Cây đơn tính cùng gốc hoặc khác gốc. Cụm hoa mọc ở kẽ lá có cả hoa đực và hoa cái hoặc chỉ có một hoa, cụm hoa đực nhiều hoa và dài hơn cụm hoa cái; hoa đực có lá bắc hình vảy, đài 3 răng hình dải nhọn, nhị 3, chỉ nhị phình ở gốc bao phần nứt ở định hoặc ở bên; hoa cái lá bắc giống đực, đài 3 răng hình tam giác nhọn, bầu hình trứng, 3 ô, mỗi ô có một noãn. Mùa hoa: tháng 3 - 6.
Quả nang, hình cầu, có 3 cạnh, có vòi nhụy, hạt 3, hình cầu, màu xám nhạt.
Cây giá phân bố ở hầu hết ở các tỉnh ven biển nước ta, từ Quảng Ninh đến Cà Mau. Đây cũng loài phân bố phổ biến ở các nước Đông Nam Á, nam Trung Quốc, Australia, New Caledoni, quần đảo Fiji và Polynesia.
Cây giá thường mọc thành quần thụ hoặc lẫn với sú, vẹt, tràm… trên nền đất phù sa cửa sông đổ ra biển. Cây chịu được ngập nước, sinh trưởng nhanh, ra hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt.
2. Cây giá có độc, nhưng vẫn hữu ích
Điều người ta biết đến cây giá chủ yếu là sự độc của nó. Tuy nhiên, cây giá cũng có những lợi ích nhất định. Cây giá cùng với một số loài cây khác ở rừng ngập mặn ven biển có vai trò quan trọng trong việc cố định các bãi bồi, chống xói lở ở cửa sông, là nơi trú ngụ của nhiều loài tôm, cua, khỉ, trăn… Gỗ cây giá thường để làm củi và sử dụng tạm thời trong xây dựng, làm thuốc chữa bệnh cho người và vật nuôi.
Cây giá được sử dụng làm thuốc trong dân gian, được nghiên cứu về thành phần hóa học và tác dụng dược lý.
• Thành phần hóa học và tác dụng dược lý
Toàn cây chứa một chất nhựa độc màu vàng nhạt, có thể làm mù mắt, còn được trộn với nhựa cây sui làm tên độc và thuốc duốc cá. Lá và chất nhựa độc có tác dụng gây xổ mạnh và làm trụy thai, có thể dùng để đắp ung nhọt. Gỗ có mùi thơm khi đốt như trầm.
Vỏ cây chứa 10 - 15% tanin, các chất béo thuộc nhóm glycerid, lignoceric, cerotic, oleic và acid linoleic, hỗn hợp các ester diterpen bao gồm các diterpen có 20 nguyên tử carbon ester hoá gốc acid carboxylic. Ngoài ra cây giá còn chứa các alcaloid nhóm Piperidin.
Cao chiết với aceton từ cây giá gây độc với các ấu trùng muỗi giai đoạn giữa 2 lần lột xác, đã thể hiện có hiệu quả diệt ấu trùng muỗi Anopheles stephensi L.
Cao chiết từ lá cây giá có hoạt tính kháng virus có ý nghĩa đối với virus thể khám ở thuốc lá. Chất phorbol ester 12 - deoxyphorbol 13 - (3E , SE - decadienoat) phân lập từ lá và thân cây giá thể hiện hoạt tính kháng HIV.
Chiết xuất lá cây giá được coi là an toàn, có LD50 là 2,12g/kg liều uống và 3,12mg/kg liều trong phúc mạc. Chiết xuất này được nghiên cứu chứng minh tác dụng chống co giật trên mô hình thực nghiệm.
Người ta thường dùng nhựa, hoặc bột lá cây giá làm thuốc duốc cá. Nhựa mủ được dùng chứa loét mạn tính; có nơi còn kết hợp với nhựa sui để tẩm tên độc. Nhựa mủ cũng được dùng để trị vết thương ở của người và động vật. Lá tươi giã đắp trị các vết loét. Dịch là nấu với dầu dùng xoa đắp trị bệnh phong, thấp khớp và liệt.
Gỗ có nhựa thơm chứa chất dầu có thể dùng làm thuốc trị mụn nhọt, viêm da cơ địa và ghẻ lở. Gỗ trắng cây giá đốt có mùi thơm trầm, khói gỗ có thể dùng để trị bệnh phong. Lưu ý, hơi đốt này độc tính, vì vậy không được đốt gỗ cây giá trong phòng ở.
Rễ cây giá giã lẫn với gừng dùng làm thuốc chườm trị sưng chân tay. Hạt phơi nắng, có thể chế đầu dùng, trị ghẻ.
Nhai miếng nhỏ vỏ cây gây nôn và tẩy ngay tức khắc nhưng không dùng để trị táo bón vì tác dụng quá mạnh.
Cây giá có độc tính, chủ yếu được ứng dụng trong chăn nuôi thủy sản và làm thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt. Dùng làm thuốc cho người chỉ nên dùng ngoài và khi dùng phải thận trọng. Tốt nhất không nên tự ý sử dụng, cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc.
Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân (Thọ Xuân Đường)
Để được tư vấn về sức khỏe và quy trình khám chữa bệnh, quý vị vui lòng liên hệ Nhà thuốc đông y Thọ Xuân Đường.
Hotline: 0943 406 995 hoặc 0937 63 8282