CÂY MỎ QUẠ VÀ NHỮNG CÔNG DỤNG CHỮA BỆNH ÍT AI BIẾT
Cây mỏ quạ hay còn gọi xuyên phá thạch, hoàng lồ là một loại cây mọc hoang thường được dùng làm hàng rào ở nhiều nơi trong nước ta. Từ xa xưa, ông cha ta đã sử dụng cây mỏ quạ như một vị thảo dược chữa các chứng như sang thương, phong tê thấp rất hiệu quả. Vậy những công dụng tuyệt vời mà cây mỏ quạ mang lại là gì, cách dùng ra sao để đặt hiệu quả tốt nhất, hãy cùng Nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu nhé!
Mô tả dược liệu
Cây mỏ quạ còn có tên gọi khác là xuyên phá thạch, hoàng lồ, vàng lồ có tên khoa học là Cudrania cochinchinnensis (Lour) Corner, thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Mỏ quạ là loại cây nhỏ, thân mềm yếu, nhiều cành, thường mọc thành bụi. Đặc tính của cây là chịu hạn khỏe, rễ hình trụ có nhiều nhánh, mọc ngang, rất dài, nếu gặp đá có thể xuyên qua được, nên còn có tên là xuyên phá thạch. Thân và cành có rất nhiều gai, có những gai mọc lâu năm cong xuống giống mỏ con quạ (nên có tên mỏ quạ). Lá mọc so le, phiến lá hình trứng thuôn dài, mặt bóng, nhẵn, mép nguyên, rộng khoảng 2 – 3.5cm, dài 3 – 8cm. Cuống lá ngắn, mảnh, có lông phủ. Hoa mọc thành cụm, hình cầu, màu vàng nhạt, đường kính cụm hoa từ 7 – 10mm. Quả nạc, mềm, hình cầu, có màu vàng khi chín, chứa hạt nhỏ. Cây mỏ qua ra hoa vào tháng 4 – 5 và sai quả vào tháng 10 – 12 hằng năm.
Cây mỏ quạ phân bố ở các nước nhiệt đới châu Á, Ðông Phi, châu Úc. Ở nước ta, cây mọc hoang ở đồi núi, ven đường và được trồng làm hàng rào từ Lào Cai, Vĩnh Phú đến Quảng Trị, Lâm Ðồng và Ðồng Nai.
Vị thuốc từ cây mỏ quạ
Bộ phận dùng: Lá và rễ của cây mỏ quạ
Thời điểm thu hái: Thu hái dược liệu quanh năm, sau đó đem rửa sạch, thái nhỏ và phơi khô dùng dần. Nếu sử dụng lá, có thể đem nấu thành cao để dùng dần..
Thành phần hóa học của cây mỏ quạ: Lá và rễ cây mỏ quạ chứa acid hữu cơ, kaempferol, cudraniaxanthon, quercetin, butyrospermol acetat, taxifolin, flanonoid, populnin, aromadendrin, và tannin pyrocatechin. Trong đó, hợp chất quan trọng nhất là Morin. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng morin có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm và chống đông máu trong cơ thể và trong ống nghiệm. Ngoài ra, chiết xuất từ rễ cây mỏ quạ cũng có tác dụng ức chế virus Herpes Simplex 1 và 2.
Công dụng của cây mỏ quạ
Theo Đông y, mỏ quạ có vị đắng nhẹ, tính mát, quy vào kinh phế, có tác dụng lương huyết (làm mát máu), hoạt huyết phá ứ tiêu viêm (thông mạch máu, tan máu tụ) chủ trị các chứng đau nhức xương khớp do phong thấp, sang thương phần mềm, đòn ngã bị thương, chữa ho, ứ tích lâu năm, bế kinh, làm mát phổi, giãn gân cốt…
Các nghiên cứu cho thấy lá mỏ quạ có những tác dụng như nhanh chóng làm mất mùi hôi thối của vết thương nhiễm trùng, trung bình sau 3-4 ngày. Xúc tiến nhanh quá trình dọn sạch vết thương, một giai đoạn quan trọng trong quá trình hàn gắn vết thương. Đông y gọi hoạt động này là tác dụng “khứ hủ”. Làm nhanh đầy vết thương, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình liền sẹo, đông y gọi là “sinh cơ”.
Bài thuốc chữa vết thương phần mềm (vết thương nhỏ, nông) từ cây mỏ quạ
Chuẩn bị: Lá mỏ quạ gai tươi 50g, lấy về rửa sạch, để ráo nước, bỏ cuống.
Cách dùng: Giã nhỏ lá mỏ quạ đắp vào vết thương. Hàng ngày lấy 40g lá trầu không nấu với 2 lít nước, để nguội thêm 8g phèn phi hoặc muối hạt vào hòa tan, lọc nước dùng rửa vết thương, rồi đắp thuốc mới vào, độ 3-5 ngày vết thương đóng vảy thì thôi.
Trường hợp vết thương tiến triển tốt nhưng lâu đầy thịt thì thay thuốc như sau: lá mỏ quạ tươi và lá bòng bong hai vị bằng nhau, giã lẫn cả hai thứ đắp lên vết thương, mỗi ngày rửa và thay băng 1 lần. 3 – 4 ngày sau lại thay thuốc: lá mỏ quạ tươi, lá bòng bong, lá Hàn the (Desmodium heterophyllum DC.). Ba thứ bằng nhau, cứ 3 ngày mới thay băng 1 lần để vết thương chóng lên da non.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị ho do lao phổi
Chuẩn bị: Rễ cây mỏ quạ 40g, hoàng liên ô rô 20g, rung rúc 30g, bách bộ 20g.
Cách dùng: Tất cả rửa sạch cho vào ấm đổ 700ml nước, sắc còn 350ml, chia 3 lần uống trong ngày, uống lúc còn ấm. Nên áp dụng bài thuốc trong 15 ngày là kết thúc 1 liệu trình. Có thể lặp lại liệu trình nếu triệu chứng chưa thuyên giảm hẳn.
Bài thuốc trị chân tay tê mỏi, đau lưng do phong thấp
Rễ mỏ quạ có tác dụng thư cân hoạt lạc, hoạt huyết khu phong. Vậy nên khi bị đau lưng, chân tây tê mỏi nên dùng rễ mỏ quạ sắc uống hàng ngày, để giảm bệnh.
Chuẩn bị: Rễ mỏ quạ 250g, đem tẩm rượu, sao vàng.
Cách dùng: Mỗi ngày dùng 1 thang sắc, chia thành 2 lần uống. Uống liên tục 10 ngày để thấy hiệu quả.
Bài thuốc trị phụ nữ bế kinh
Chuẩn bị: Rễ mỏ quạ 30g.
Cách dùng: Rửa sạch, đem sắc với 500ml nước còn lại 200ml. Mỗi lần dùng 100ml, ngày dùng 2 lần. Áp dụng bài thuốc liên tục trong vòng 10 ngày trước kỳ kinh.
Lưu ý khi sử dụng cây mỏ quạ
- Do rễ mỏ quạ có tính hoạt huyết, nên những bệnh nhân phẫu thuật và sau phẫu thuật không nên dùng.
- Phụ nữ mang thai không dùng được vị thuốc này.
- Cây mỏ quạ thường mọc hoang, khi sử dụng lá cây tươi cần rửa sạch, không nhai nuốt rồi đắp vào vết thương tránh nhiễm trùng nặng hơn.
- Nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng để đạt kết quả tốt nhất.
BS Thu Thủy
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Số 5 - 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943986986 - 0937638282