Được người Ai Cập sử dụng để thúc đẩy làn da đẹp và rạng rỡ, tinh dầu phong lữ hiện được dùng để điều trị mụn trứng cá, giảm viêm, giảm lo âu và cân bằng hormone. Loại tinh dầu có mùi thơm ngọt ngào này cũng có thể nâng cao tâm trạng, giảm mệt mỏi và thúc đẩy sức khỏe cảm xúc.
Tinh dầu phong lữ là gì?
Tinh dầu phong lữ được chiết xuất từ thân, lá và hoa của cây phong lữ (Pelargonium graveolens). Tinh dầu phong lữ được coi là không độc hại, không gây kích ứng và nói chung là không gây nhạy cảm và các đặc tính trị liệu của nó bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc sát trùng và chữa lành vết thương. Tinh dầu phong lữ cũng có thể là một trong những loại tinh dầu tốt nhất cho nhiều loại da rất phổ biến như da nhờn hoặc da bị tắc nghẽn, bệnh chàm và viêm da.
Các thành phần hóa học chính của tinh dầu phong lữ bao gồm eugenol, geranic, citronellol, geraniol, linalool, citronellyl formate, citral, myrtenol, terpineol, methone và sabinene.
Một số công dụng phổ biến nhất của tinh dầu phong lữ bao gồm:
- Cân bằng nội tiết tố.
- Giảm stress.
- Chống trầm cảm.
- Chống viêm.
- Cải thiện tuần hoàn.
- Tốt cho phụ nữ mãn kinh.
- Sức khỏe răng miệng.
- Giảm huyết áp.
- Sức khỏe da.
Đây là một phương pháp tự nhiên và an toàn sẽ cải thiện làn da, tâm trạng và sức khỏe bên trong của chúng ta.
Công dụng và lợi ích của tinh dầu phong lữ
Giảm nếp nhăn
Tinh dầu hoa phong lữ được biết đến với công dụng trong da liễu để điều trị da lão hóa, nhăn nheo và hoặc khô. Nó có khả năng làm giảm nếp nhăn vì nó làm săn chắc da mặt và làm chậm quá trình lão hóa.
Thêm hai giọt tinh dầu phong lữ vào kem dưỡng da mặt và thoa 2 lần mỗi ngày. Sau 1 hoặc 2 tuần, chúng ta có thể thấy nếp nhăn bắt đầu mờ dần.
Trợ thủ cơ bắp
Sử dụng một ít tinh dầu phong lữ tại chỗ có thể giúp giảm cơn chuột rút, đau nhức và/ hoặc cơn đau nhức nào đang hành hạ cơ thể của chúng ta.
Tạo dầu massage bằng cách trộn 5 giọt tinh dầu phong lữ với một thìa dầu jojoba rồi massage lên da, tập trung vào phần cơ.
Chống nhiễm trùng
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tinh dầu phong lữ có khả năng kháng khuẩn và chống nấm mạnh mẽ đối với ít nhất 24 loại vi khuẩn và nấm khác nhau. Những đặc tính kháng khuẩn và chống nấm có trong tinh dầu phong lữ có thể giúp bảo vệ cơ thể chúng ta khỏi bị nhiễm trùng. Khi chúng ta sử dụng tinh dầu phong lữ để chống lại nhiễm trùng bên ngoài, hệ thống miễn dịch của chúng ta có thể tập trung vào các chức năng bên trong và giúp chúng ta khỏe mạnh hơn.
Để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, hãy thoa 2 giọt tinh dầu phong lữ kết hợp với một loại dầu nền như dầu dừa vào vùng bị ảnh hưởng, chẳng hạn như vết cắt hoặc vết thương, 2 lần mỗi ngày cho đến khi vết thương lành lại.
Ví dụ, bệnh nấm chân là một bệnh nhiễm trùng nấm có thể được điều trị bằng cách sử dụng tinh dầu phong lữ. Để thực hiện, hãy nhỏ vài giọt tinh dầu phong lữ vào bồn ngâm chân có nước ấm và muối biển; thực hiện 2 lần mỗi ngày để có kết quả tốt nhất.
Tăng lượng nước tiểu
Tinh dầu phong lữ là thuốc lợi tiểu, nó sẽ thúc đẩy việc đi tiểu. Thông qua việc đi tiểu, chúng ta giải phóng các hóa chất độc hại, kim loại nặng, đường, natri và các chất ô nhiễm. Đi tiểu cũng loại bỏ mật và axit dư thừa.
Chất khử mùi tự nhiên
Tinh dầu phong lữ là một loại dầu tuần hoàn, có nghĩa là nó thoát ra khỏi cơ thể qua mồ hôi. Bây giờ mồ hôi của chúng ta sẽ có mùi thơm thảo dược. Vì tinh dầu phong lữ có đặc tính kháng khuẩn, nó hỗ trợ loại bỏ mùi cơ thể và có thể được sử dụng như một chất khử mùi tự nhiên.
Mùi hương của tinh dầu phong lữ là cách hoàn hảo để giữ cho chúng ta luôn thơm tho mỗi ngày.
Có thể ngăn ngừa bệnh Alzheimer và chứng mất trí
Nghiên cứu được công bố năm 2010 chứng minh tác dụng chống viêm thần kinh ấn tượng của tinh dầu phong lữ. Khi nói đến các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer, sự kích hoạt của các tế bào microglia (tế bào miễn dịch chính trong não) và sự giải phóng các yếu tố gây viêm bao gồm oxit nitric (NO) sau đó đóng vai trò chính trong sự phát triển và tiến triển của các bệnh này.
Nhìn chung, nghiên cứu này kết luận rằng “tinh dầu phong lữ có thể có lợi trong việc phòng ngừa/ điều trị các bệnh thoái hóa thần kinh, trong đó tình trạng viêm thần kinh là một phần của bệnh sinh lý.”
Tăng cường sức khỏe da
Với đặc tính kháng khuẩn và chống viêm làm dịu, tinh dầu phong lữ thực sự có thể tăng cường sức khỏe làn da. Tinh dầu phong lữ có thể giúp điều trị mụn trứng cá, viêm da và các bệnh về da. Để an toàn, tốt nhất là pha loãng tinh dầu phong lữ với dầu nền.
Đối với việc sử dụng tinh dầu phong lữ để trị mụn hoặc các mục đích sử dụng khác trên da, hãy thử trộn 1 thìa dầu dừa với 5 giọt tinh dầu phong lữ, sau đó chà hỗn hợp lên vùng bị nhiễm trùng hai lần một ngày cho đến khi chúng ta thấy kết quả. Chúng ta cũng có thể thêm hai giọt tinh dầu phong lữ vào sữa rửa mặt hoặc sữa tắm hàng ngày của mình.
Diệt nhiễm trùng đường hô hấp
Một đánh giá khoa học năm 2013 đã xem xét dữ liệu cho đến nay về việc sử dụng chiết xuất Pelargonium sidoides (phong lữ Nam Phi) ở dạng lỏng hoặc dạng viên so với giả dược để điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Những người đánh giá nhận thấy rằng chiết xuất phong lữ có thể có hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng viêm xoang cấp tính và cảm lạnh thông thường. Ngoài ra, nó cũng có thể làm giảm hiệu quả các triệu chứng viêm phế quản cấp tính ở người lớn cũng như trẻ em và nhiễm trùng xoang ở người lớn.
Để tận dụng lợi ích này, hãy sử dụng máy khuếch tán tinh dầu, hít tinh dầu phong lữ 2 lần mỗi ngày hoặc xoa tinh dầu vào cổ họng và dưới lỗ mũi.
Giảm đau thần kinh
Tinh dầu phong lữ có khả năng chống lại cơn đau thần kinh khi được thoa lên da. Một nghiên cứu chéo mù đôi cho thấy rằng việc thoa tinh dầu phong lữ lên da có thể làm giảm đáng kể cơn đau sau bệnh zona, một tình trạng do virus herpes gây ra. Nghiên cứu cho thấy "tinh dầu phong lữ làm giảm cơn đau trong vài phút và được dung nạp tốt". Nghiên cứu cũng chứng minh rằng nồng độ của sản phẩm được sử dụng quan trọng như thế nào, vì tinh dầu phong lữ ở nồng độ 100% dường như có hiệu quả gấp đôi so với nồng độ 50%.
Để chống lại cơn đau thần kinh bằng tinh dầu phong lữ, hãy tạo ra một loại dầu massage với 3 giọt tinh dầu phong lữ trộn với 1 thìa canh dầu dừa. Massage hỗn hợp có lợi này vào da, tập trung vào những vùng chúng ta cảm thấy đau hoặc căng thẳng.
Giảm lo âu và trầm cảm
Tinh dầu phong lữ có khả năng cải thiện chức năng tinh thần và nâng cao tinh thần của chúng ta. Nó được biết đến là có thể giúp những người bị trầm cảm, lo lắng và tức giận. Mùi hương ngọt ngào của tinh dầu phong lữ giúp làm dịu và thư giãn cơ thể và tâm trí.
Trên thực tế, nghiên cứu được công bố vào năm 2015 thậm chí còn cho thấy rằng phong lữ có thể giúp phụ nữ mang thai giảm bớt lo lắng trong quá trình chuyển dạ. Nghiên cứu này trên 100 phụ nữ kết luận rằng “mùi thơm của tinh dầu phong lữ có thể làm giảm lo lắng hiệu quả trong quá trình chuyển dạ và có thể được khuyến nghị như một phương pháp hỗ trợ chống lo lắng không xâm lấn trong quá trình sinh nở”. Những phụ nữ này cũng cho thấy huyết áp tâm trương giảm sau khi ngửi tinh dầu phong lữ.
Nghiên cứu cũng chứng minh khả năng cải thiện chứng trầm cảm ở phụ nữ sau mãn kinh của hoa phong lữ khi được sử dụng trong liệu pháp trị liệu bằng hương thơm.
Chất chống viêm
Nghiên cứu cho thấy tinh dầu phong lữ có tiềm năng đáng kể trong việc phát triển các loại thuốc chống viêm mới có hồ sơ an toàn được cải thiện.
Dầu phong lữ ức chế phản ứng viêm ở da; điều này giúp cơ thể chúng ta chống lại nhiều vấn đề sức khỏe.
Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy tinh dầu phong lữ là thành phần an toàn và hiệu quả hơn cho thuốc chống viêm. Dữ liệu chứng minh rằng tinh dầu phong lữ làm giảm tình trạng viêm trong cơ thể và có ít tác dụng phụ hơn từ loại tinh dầu này so với thuốc chống viêm.
Xua đuổi côn trùng và chữa lành vết cắn của côn trùng
Tinh dầu phong lữ thường được sử dụng trong thuốc xua đuổi côn trùng tự nhiên vì nó được biết đến với tác dụng xua đuổi muỗi và các loại côn trùng khác.
Chống nấm Candida
Candida albicans là loại nhiễm trùng nấm men phổ biến nhất được tìm thấy ở miệng, đường ruột và âm đạo. Candida cũng có thể ảnh hưởng đến da và các niêm mạc khác.
Một nghiên cứu thú vị đã đo lường tác động của khả năng ức chế sự phát triển của tế bào candida ở chuột của tinh dầu phong lữ. Chuột được tiêm tinh dầu phong lữ vào âm đạo và điều này làm giảm đáng kể lượng tế bào candida trong khoang âm đạo. Những phát hiện này cho thấy việc sử dụng tinh dầu phong lữ hoặc thành phần chính của nó, geraniol, vào âm đạo đã ức chế sự phát triển của tế bào candida trong âm đạo.
Chống xuất huyết
Một nghiên cứu năm 2013, liên quan đến 20 bệnh nhân, đã đo lường tác dụng của hỗn hợp dầu mè và tinh dầu phong lữ đối với các đợt xuất huyết (mất máu rất nhiều). Nghiên cứu kéo dài 183 ngày; cuối cùng, 75% bệnh nhân cảm thấy cải thiện với phương pháp điều trị này. Không có tác dụng phụ bất lợi, dầu phong lữ đã chứng minh là một hợp chất làm giảm đáng kể số đợt xuất huyết di truyền xảy ra ở những bệnh nhân này.
Tác dụng phụ của tinh dầu phong lữ
Tinh dầu phong lữ thường được thoa lên da, và một số người có thể bị phát ban hoặc cảm giác nóng rát. Tốt nhất là nên thử tinh dầu trên một vùng da nhỏ trước. Nó cũng có thể gây kích ứng mắt nếu thoa lên mặt, do đó, tránh vùng mắt để tránh các tác dụng phụ không mong muốn của dầu phong lữ. Nếu chúng ta uống dầu phong lữ, hãy chỉ dùng với lượng nhỏ hơn vì tính an toàn của tinh dầu này khi dùng với lượng lớn hơn vẫn chưa được biết.
Tinh dầu phong lữ ảnh hưởng đến quá trình tiết hormone, do đó không nên dùng cho phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ đang cho con bú. Hiện vẫn chưa rõ liệu những thay đổi về quá trình tiết hormone này có truyền sang sữa mẹ hay không. Không nên dùng tinh dầu phong lữ cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do làn da của trẻ mỏng manh.
Tinh dầu phong lữ có an toàn để sử dụng ngoài da không? Đối với người lớn, nó thường rất an toàn. Tốt nhất là pha loãng dầu phong lữ với dầu nền khi chúng ta thoa trực tiếp lên da. Hãy thử trộn dầu phong lữ với các dầu dừa, dầu jojoba hoặc dầu ô liu.
Nếu chúng ta có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào đang diễn ra hoặc hiện đang dùng thuốc, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng tinh dầu phong lữ, đặc biệt là trước khi sử dụng bên trong. Tương tác thuốc cụ thể chưa được biết rõ.
BS. Nguyễn Thùy Ngân (Thọ Xuân Đường)