CỦ NÂU DÙNG LÀM THUỐC HAY NHUỘM MÀU ÁO VẢI
Trước kia kinh tế đói kém, người dân vẫn cần dùng củ nâu nhuộm vải để áo được bền và ít bám bẩn hơn. Tác dụng này của củ nâu hiện nay ít người dùng tới, mà củ nâu được sử dụng làm thuốc để chữa bệnh. Bạn có biết tác dụng của củ nâu là gì không? Cùng tìm hiểu củ nâu làm thuốc như thế nào nhé!
1. Đặc điểm thực vật
Danh pháp: củ nâu có tên khoa học là Dioscorea cirrhosa Lour., thuộc họ củ nâu (Dioscoreaceae). Dân gian thường gọi với 1 số tên khác như Thự lương, giả khôi, khoang leng, má bao…
Củ nâu có dạng thân leo, dây quấn sống nhiều năm, ở phần gốc có nhiều gai. Lá đơn hình trái tim, có độ dài khoảng 20cm, mọc so le nhau đến gằn ngọn, lá nhẵn bóng, gân hình cung.
Phần rễ củ mọc nổi trên mặt đất, vỏ sần sùi, thịt đỏ, củ nâu rất hay bị làm giả thành củ hà thủ ô để bán trên thị trường. Hoa cây củ nâu mọc thành bông, cụm hoa đực có nhiều bông mọc ở kẽ lá, gồm nhiều hoa nhỏ, hoa xếp thành bông cong. Quả nang có cuống thẳng thường ra vào khoảng tháng 5 hàng năm.
• Một số loại củ nâu thường gặp trong dân gian
- Củ nâu dọc đỏ: củ xám vàng nhạt, vỏ không sần sùi, nhựa màu đỏ nhạt. Loại củ nâu này nhuộm vải cho màu bóng.
- Củ nâu dọc trai hay củ nâu dọc dưa: vỏ thường bị nứt, màu nâu xám nhạt, nhựa đỏ hơn loại trên.
- Củ nâu trắng hay củ nâu tẻ: vỏ củ có rãnh, màu nâu đỏ nhạt, nhựa màu vàng nhạt hơi hồng; người ta thường dùng loại củ nâu này để nhuộm những nước đầu tiên rồi mới nhuộm những loại củ nâu đỏ nói trên vì người ta cho rằng loại củ nâu này làm cho vải thêm dày và bền.
Phân bố: củ nâu thường mọc hoang ở các rừng cây khắp nước ta, nhiều nhất ở các tỉnh miền núi phía bắc, các tỉnh như Lào Cai, Sơn La, Thanh Hóa, Thái Nguyên….
2. Vị thuốc từ củ nâu
Tính vị: Theo dong y củ nâu có vị ngọt chát, hơi chua, tính bình, không độc.
Tác dụng: hoạt huyết, chỉ huyết, lý khí chỉ thống.
Ứng dụng lâm sàng: dùng để chữa các chứng kinh nguyệt không đều, băng lậu, nội thương thổ huyết, phong thấp xương khớp, kiết lỵ, mụn nhọt…
• Một số cách sử dụng củ nâu chữa bệnh
- Chữa đi lỵ ra máu mũi: Dùng bã củ nâu đốt tồn tính, tán nhỏ, uống với nước cơm; ngày uống 3-4 lần, mỗi lần 3g.
- Chữa tiêu chảy, kiết lỵ: Dùng củ nâu thái mỏng, phơi hoặc sấy khô, ngày dùng 10-20g, sắc chia 2-3 lần uống trong ngày. Có thể tán bột, uống mỗi lần 2-3g, ngày 2-4 lần. Hoặc dùng lá củ nâu, lá lấu, lá sim, mỗi thứ 20g, sắc uống.
- Chữa liệt nửa người: Dùng 60g củ nâu ngâm trong 500ml rượu trắng trong 5 ngày. Chiết lấy rượu, ngày uống 15-30ml trước khi đi ngủ.
- Chữa đau xương khớp: Dùng 15g củ nâu sắc lấy nước, hòa thêm rượu vào uống.
- Chữa sản hậu đau bụng:Dùng củ nâu 9g, sắc với rượu trắng uống.
- Chữa bị thương gãy xương: Dùng củ nâu giã nhỏ để bó và băng nẹp lại, sau khi đã nắn chỉnh lại như cũ.
- Chữa khí hư: Dùng củ nâu 20g sao đen, mẫu lệ 12g, ích trí nhân 12g, bạch đồng nữ 20g, đẳng sâm 40g, kim anh 12g, thán khương 8g; sắc, chia 2 lần uống trong ngày.
Nói chung củ nâu là một vị thuốc có tác dụng tốt, tuy nhiên chưa được khai thác triệt để. Để sử dụng củ nâu hiệu quả nên tham khảo ý kiến của các y bác sĩ đông y.
Bác sĩ: Thúy Hường (Thọ Xuân Đường)
Để được tư vấn về sức khỏe, quý vị hãy liên hệ ngay với NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Địa chỉ: số 5-7 ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội
Hotline: 0943986986 - 0937638282