NGUỒN GỐC MỘT SỐ TÊN VỊ THUỐC
Vị thuốc đông y, nam y có tới hàng trăm hàng ngàn vị, mỗi vị có một cái tên, những cái tên này không phải tự nhiên mà có, thường nó đều gắn liền với một điển tích hoặc gắn liền với hình dáng, hoặc tác dụng của nó. Cùng nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu nguồn gốc một số tên các vị thuốc thường dùng nhé!
1. Căn cứ theo tính chất của vị thuốc mà đặt tên
Dựa theo tính chất và tác dụng của các vị thuốc để đặt tên cho dễ liên tưởng, dễ nhớ
Phòng phong: Loại bỏ phong tà, trị các chứng do phong(gió mùa xuân) gây ra
Liên tâm: Giúp thanh tâm hỏa
Khổ qua: vị thuốc đắng nhìn giống dạ dày có tác dụng thanh vị hỏa
Ích mẫu: Vị thuốc có ích cho người mẹ, người phụ nữ, thường dùng để điều hòa kinh nguyệt, phụ nữ sau sinh.
Quyết minh tử: Chỉ loại hạt này nhỏ bé nhưng uống vào có tác dụng làm sáng mắt
Tục đoạn: Tục là nối, đoạn là đứt gẫy, chỉ vị thuốc có tác dụng nối liền được gân cốt đứt gẫy. Vị thuốc này thường dùng điều trị các bệnh cơ xương khớp rất hiệu quả
2. Căn cứ theo hình dạng mà đặt tên
Dựa theo hình dáng của vị thuốc, giống với loài vật, sự vật gì để dễ gợi nhớ
Thải tử sâm: được đặt tên như vậy vì phần gốc của cây sâm nhìn giống một em bé mập mạp
Ô đầu: Ô là quạ, gọi là ô đầu vì nhìn giống đầu con quạ
Cẩu tích: Cẩu là chó, tích là lưng. Vị thuốc cẩu tích có nhiều lông vàng mềm mại nhìn giống trên lưng con chó
Ngưu tất: ngưu là trâu, tất là đầu gối. Vị thuốc ngưu tất có đốt phình ra nhìn giống đầu gối con trâu
Câu đằng: Đằng là dây leo, câu là lưỡi câu. Đặt tên như vậy vì cây thuốc mọc dạng thân leo và có các gai cong như lưỡi câu.
3. Căn cứ theo màu sắc mà đặt tên
Hoàng liên: Hoàng là vàng, liên là liên tiếp, chỉ vị thuốc có màu vàng và rễ mọc liên tiếp nhau. Như vị Hoàng bá và Hoàng đằng cùng nhóm cũng có màu vàng, được gọi là Tam hoàng
Hồng hoa: nhiều người tưởng là cánh hoa hồng, thực ra đây là nhụy hoa nghệ tây, do có màu hồng da cam nhìn rất đẹp mắt nên được đặt tên như vậy
Huyền sâm: Huyền là màu đen, ý chỉ vị sâm này có màu đen. Hay hắc táo cũng là táo đen
Tử thảo: Tử là tím, thảo là cỏ chỉ vị thuốc có nguồn gốc là cây cỏ có màu tím
Thanh đại: Thanh là xanh, đại là lớn, cũng có nghĩa là sắc lông mày. Thời xưa thường cạo lông mày và vẽ vị thuốc này vào vì vậy đặt tên là Thanh đại. Ngoài ra các vị thuốc có màu xanh như Thanh bì, Thanh Khao
Bạch thược, bạch chỉ, Bạch cập: các vị thuốc có màu trắng, bạch là trắng
4. Căn cứ theo khí vị mà đặt tên
Xạ hương: do chữ xạ là loại thú giống loài hươu, hương là có mùi thơm.
Đinh hương: Vị tthuốc giống cái đinh mà lại có mùi thơm.
Hồi hương: Vị thuốc có mùi thơm như hồi. Một số vị thuốc khác có mùi thơm đều đặt tên có chữ hương như Trầm hương, Mộc hương, Hương phụ…
Cam thảo: Cam là ngọt, thảo là cỏ, vì vị thuốc có vị ngọt.
Tế tân: Tế là nhỏ, tân là cay - vị thuốc là những rể nhỏ, có vị cay.
Khổ sâm: khổ là đắng, sâm là sâm. Vị thuốc thuộc loại sâm và có vị đắng.
5. Dựa theo cách sống mà đặt tên
Hạ khô thảo: hạ là chỉ mùa hạ, thảo là cỏ, chỉ loại cỏ cứ đến mùa hạ là khô héo
Bán hạ: Vị thuốc có củ hái vào mùa hè
Nhẫn đông: còn có tên là kim ngân: Vì vây này có thể chịu đựng(nhẫn là chịu đựng) thời tiết khắc nghiệt mùa đông mà tiếp tục sinh trưởng
Tang kí sinh: tang là cây dâu tằm, ký sinh là sống nhờ. Chỉ vị thuốc sống nhờ, là cây tầm gửi sống nhờ thân cây dâu
Đông trùng hạ thảo: chỉ vị thuốc mùa đông là con sâu(côn trùng) mùa hè nấm mọc trên con sâu trên mặt đất( nhìn giống loài thực vật) có tác dụng bổ dưỡng rất tốt cho sức khỏe
6. Dựa theo bộ phận dùng để đặt tên
Có rất nhiều vị thuốc được đặt tên theo cách này, vì sẽ rất dễ nhớ
Tang diệp: Tang là cây dâu tằm, diệp là lá. Vì vị thuốc là lá dâu tằm
Cúc hoa: nụ hoa cây cúc vàng
Quế chi: Cành cây quế (chỉ là cành).
Cát căn: Cát là sắn, căn là rể. Vị thuốc là rể cây sắn.
Hạnh nhân, Đào nhân: hạt của cây hạnh nhân và cây đào
Tô tử: Tử là hạt, tô là tía tô. Vị thuốc là hạt cây tía tô
Miết giáp: Mai con ba ba, vì miết là con ba ba, giáp là áo là mai.
Hổ cốt: Xương hổ, Cốt là xương.
Bạch mao căn: rễ cỏ tranh màu trắng
Kê nội kim: màng trong mề gà có màu vàng
7. Căn cứ theo điển tích phát hiện, người dùng vị thuốc đầu tiên
Đỗ trọng: Ngày xưa ở Tứ Xuyên có một lão nông tên gọi Đỗ Trọng, ông bị đau lưng kinh niên khi làm đồng trở về nhà thường hay có thói quen đứng dựa lưng vào một cái cây to trước cổng nhà để nghỉ ngơi. Lâu dần bệnh đau lưng của ông không chữa tự nhiên mà khỏi, sau khi quan sát mọi người phát hiện hóa ra trong quá trình hằng ngày dựa lưng vào cái cây đó ông đã mài mòn đi vỏ ngoài của thân cây và để lộ ra thân cây màu như chỉ bạc, chính phần vỏ cây này đã phát huy tác dụng giúp ông khỏi bệnh. Sau này khi phát hiện tác dụng điều trị các bệnh phong thấp, tê ngứa, đau lưng dưới, đau đầu gối của loại dược liệu quan trọng này nên lấy tên ông để đặt tên cho thuốc.
Hà thủ ô: Vị thuốc này được một ông lão họ Hà phát hiện ra, ông bị tóc bạc trắng khi dùng thuốc này tóc đen nhánh trở lại. Hiện nay hà thủ ô được dùng nhiều với tác dụng bổ huyết, đen râu tóc
Sử quân tử: Tương truyền ngày xưa có một vị sứ quân họ Quách chuyên dùng vị thuốc dạng hạt này chữa bệnh cho trẻ em, vì vậy đặt tên là sử quân
8. Đặt tên thuốc theo nơi sản xuất, nơi thu hái
Ba đậu: Hạt nhìn giống hạt đậu được sản xuất ở Ba Thục
Thường sơn: Vị thuốc lấy từ núi Thường Sơn
A Giao: A là huyện Đông A, giao là keo. Vị thuốc này được chế từ da con lừa nấu với nước giếng ở huyện Đông A
Bách thảo sương: muội đen cạo ở đáy nồi đun rơm rạ, các cây cỏ đốt cháy lâu ngày mà thành
Hồ tiêu: vị thuốc lấy từ cây tiêu mọc ở đất nước Hồ
Ngoài ra còn nhiều cách đặt tên khác như đặt tên theo 12 con giáp, theo phiên âm, theo cách phát hiện… Mời các bạn cùng tìm hiểu và trao đổi tiếp ở bài viết sau nhé!
Bác sĩ: Thúy Hường (Thọ Xuân Đường)
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe hãy liên hệ ngay Đông y gia truyền Thọ Xuân Đường
Địa chỉ: Số 7 khu Thủy Sản, Ngõ 46 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline tư vấn: 093.763.82.82 hoặc 0943. 986. 986