QUẢ HỒNG VÀ TÁC DỤNG CỦA VỊ THUỐC THỊ ĐẾ
Quả hồng là loại quả rất phổ biến được trồng nhiều ở các tỉnh đồng bằng và vùng núi. Trong thành phần quả hồng chứa nhiều vi chất mang lợi cho sức khỏe đối với cơ thể và sắc đẹp.
- Tên khoa học: Diospyros kaki thuộc họ Ebenaceae (Thị )
- Bộ phận dùng là tai hồng, quả hồng, nước ép từ quả và chất đường trong quả. Hồng được thu hoạch vào tháng 9- tháng 10, lấy quả ăn còn tai hồng phơi sấy khô hoặc có thể phơi khô tương tự hồng treo gió của Nhật Bản, Hàn Quốc.
- Trong y học cổ truyền, quả hồng có vị ngọt, chát, tính bình có tác dụng nhuận phế, trừ đờm, khỏi ho, sinh tân dịch.
- Quả hồng xanh chứa nhiều tanin, đem giã nát, thêm nước, gạn uống chữa tiêu chảy. Quả hồng xanh còn chứa chất shibuol (hỗn hợp của acid gallic và phloroglucinol) có tác dụng hạ huyết áp.
- Quả hồng chín có tỷ lệ đường là 13-19% gồm glucose, saccharose, fructose, caroten, lycopen, các muối sắt, Ca, P, các vitamin A,B,C. Liều dùng hàng ngày là 10-20g, có thể hơn.
- Quả hồng khô (mứt hồng) cho vào dung dịch gồm mật ong và váng sữa, đun sôi nhỏ lửa trong 5-10 phút. Để nguội. Mỗi ngày ăn 3-5 quả vào lúc đói cũng rất bổ (Nam dược thần hiệu). Quả hồng khô đốt thành than, tán nhỏ, mỗi lần uống 8g với nước cơm để chữa lòi dom. Ngoài ra ta có thể tận dụng quả hồng tươi mang phơi khô đóng hộp để ăn và làm quà biếu.
- Quả hồng chín sau khi ăn sẽ thu lấy tai để sấy hay phơi khô. Tai hồng hay còn gọi là thị đế, đây là dược liệu có vị đắng, chát, tính ấm, được dùng trong phạm vi kinh nghiệm nhân dân.
+ Tác dụng: Giáng nghịch hạ phong, hạ khí, ấm trung tiêu.
+ Thành phần hóa học : Trong tai hồng chứa chủ yếu tanin đặc biệt có chứa acid tritecpenic, acid oleanolic, acid ursolic.
- Một số bài thuốc cổ truyền:
+ Tai hồng (8-16g), phơi khô, thái nhỏ, sắc với 200ml nước còn 50ml uống làm một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ để chữa đái dầm.
+ Tai hồng sao vàng, tán bột, uống với ít rượu hoặc phối hợp với đinh hương (8g), gừng (5 lát), sắc uống làm nhiều lần trong ngày lại chữa nấc.
+ Tai hồng (7 cái), hồ tiêu (7 hạt), hoắc hương (4g), sa nhân( 4g), tỏi (3nhánh), gừng (7 lát), hành (2 củ). Tất cả băm nhỏ, sắc uống làm hai lần trong ngày chữa nôn mửa, lo nghĩ, phiền uất (Nam dược thần hiệu).
DS. Nguyễn Thị Thanh Xuân