TÌM HIỂU TÁC DỤNG CHỮA BỆNH CỦA CÂY NGẢI ĐẮNG
Ngải đắng hay còn gọi là ngải áp xanh, là một loại cây thảo sống lâu năm thuộc họ Cúc, cây có nguồn gốc ở vùng ôn đới thuộc châu Âu và một phần ở châu Á, đồng thời cũng có được trồng ở một số quốc giá Đông Âu và Liên xô cũ. Cây ưa khí hậu ẩm mát của vùng núi cao, được du nhập vào Việt Nam trồng tại Sa Pa từ những năm 60 của thế kỷ trước tuy nhiên hiện nay đã bị mất giống.
Ngải đắng có tên khoa học là Artemisia absinthium L. Absinthium là tên đầu tiên của thảo dược này, nó được cho là xuất phát từ từ “absinthium” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “không thể uống được”, phản ánh vị rất đắng của nó. Chi Artemisia được đặt theo tên của Artemis, nữ thần trinh tiết của người Hy Lạp. Cây cao khoảng 0,4-0,6m, có khi lên tới 1m, thân mọc đứng, có khía dọc và lông mềm màu trắng. Lá mọc so le, hai mặt phủ lông tơ trắng, mép khía răng cưa. Lá ở phía gốc có cuống dài, chẻ lông chim 3 lần, lá ở gần ngọn chẻ ít hơn và có cuống ngắn. Cụm hoa mọc ở ngọn thân và đầu cành thành đầu, các đầu họp lại thành chùy; hoa màu vàng hay trắng. Quả ít gặp.
Đây là vị thuốc dân gian nổi tiếng được sử dụng lâu đời trong y học cổ đại Hy Lạp. Toàn bộ phần trên mặt đất đều sử dụng để làm thuốc. Khảo sát tài liệu đầy đủ về các nghiên cứu hóa thực vật của ngải đắng cho thấy, nó có chứa các chất chủ yếu là lacton, terpenoid (trans-thujone, γ-terpinene, 1,4-terpeniol, myrcene, bornyl acetate, cadinene camphene, trans-sabinyl acetate, guaiazulene, chamazulene, camphor, and linalool), tinh dầu, các acid hữu cơ, nhựa, tanin, các phenol, flavonoid (quercitin và rutin), các flavonoid glycoside (isorhamnetin-3-O-rhamnose glucoside, isoquercitrin, quercitin-3-O-D-glucoside, quercetin-3-O-rhamnoglucoside, và isorhamnetin-3-O-glucoside), và các axit phenolic như axit coumaric, syringic, salicylic, chlorogenic, vanillic. Ngoài ra, ngải đắng còn được chứng minh là có isoflavone glycosid, đặc trưng là artemisia isoflavonyl glucosyl diester và bis-isoflavonyl dirhamnosid. Tinh dầu ngải đắng được ghi nhận là rất giàu myrcene, beta-thujon, cis-epoxyocimen, cis-chrysanthenyl acetat và trans-sabinyl acetat.
Theo Y học cổ truyền, ngải đắng có vị đắng, mùi thơm, tính ấm, có công năng bổ đắng, lợi tiêu hóa, hạ sốt, làm dịu đau, chuống ho, trừ giun. Thường dùng để kích thích tiêu hóa, chữa đầy hơi, đau dạ dày, đau gan, tăng huyết áp, ho, sốt rét… Liều dùng 2-10g/ngày, thường dùng dạng thuốc hãm hoặc rượu thuốc. Để kích thích tiêu hóa thường dùng liều thấp, để trị giun, cần dùng liều cao và cần sắc uống. Ở Tuynidi, người dân còn dùng quả và lá phơi khô rồi quấn vào hút như thuốc lá, ở Hoa Kỳ, ngải đắng dùng để chữa sốt và các bệnh về gan, mật, làm chậm kinh nguyệt. Lá và ngọn mang hoa của ngải đẳng kích thích tiêu hóa giúp ăn ngon, là một thành phần trong rượu ngải đắng. Tuy nhiên, nếu dùng lâu trong thời gian dài có thể gây nhiễm độc thần kinh giống như nhiễm độc cần sa, gây rối loạn tâm thần ở người với các biểu hiện lâm sàng như co giật, mất ngủ và ảo giác. Ở Thụy Sỹ, ngải đắng dùng để trị giun, sát trùng nhưng cần có chỉ định của thầy thuốc có kinh nghiệm. Không dùng ngải đắng cho phụ nữ có thai vì có nguy cơ gây sảy thai.
Hiệu quả y học của cây ngải đắng thường dựa trên thành phần hoạt tính sinh học nó chứa. Các nghiên cứu hiện đại ghi nhận, ngải đắng có tác dụng chống oxy hóa, kháng nấm, kháng khuẩn, tẩy giun sán, chống loét, chống ung thư, bảo vệ gan, bảo vệ thần kinh, chống trầm cảm, giảm đau, điều hòa miễn dịch và gây độc tế bào.
Tác dụng chống oxy hóa
Hoạt động thu dọn gốc tự do và chống oxy hóa của ngải đắng có liên quan đến sự hiện diện của một số hợp chất phenolic và các flavonoid trong lá. Chiết xuất methanol toàn cây ngải đắng được chứng minh có khả năng bảo vệ thần kinh rõ ràng bằng cách giảm mức độ peroxy hóa lipid liên quan đến việc giảm mức độ phản ứng của axit thiobarbituric (TBARS) và phục hồi chất chống oxy hóa nội sinh [ví dụ, superoxide dismutase (SOD) glutathione (GSH)]. Chiết xuất ethanol ngải đắng được chứng minh có tác dụng thu dọn gốc tự do và bảo vệ tế bào chống lại tổn thương oxy hóa trong các tế bảo giống nguyên bào sợi.
Tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm
Tinh dầu ngải đắng kể cả khi không chứa thánh phần beta-thujon vẫn có tác dụng ức chế mạnh mẽ sự phát triển của hai loại nấm Candida albicans và Saccharomyces cerevisiae var. chevalieri. Một nghiên cứu của Kordali và cộng sự chứng minh tinh dầu thu được từ các bộ phận trên mặt đất của cây ngải đắng ức chế mạnh mẽ 11 chủng nấm mang thử khi so sánh với benomyl – một thuốc chống nấm có trên thị trường. Tác dụng kháng khuẩn cũng đã được thử, nhưng vùng ức chế kém hơn vùng ức chế của penicillin. Trong khi đó, cao chiết bằng methanol đệm (80% methanol và 20% đệm phosphat) và cao aceton cây ngải đắng khó tác dụng kháng khuẩn kém.
Tác dụng trên ký sinh trùng sốt rét
Cao khô ngải đắng 5g/50ml nước cất, sau đó hòa loãng 35 lần (nồng độ khoảng 3 mg/ml) ức chế 90% sự phát triển của Plasmodium falciparum. Cũng xác định được cao ngải đắng có khản năng ức chế sự dung nạp của (G-3H)-hypoxanthin vào ký sinh trùng sốt rét.
Tác dụng chống viêm
Các flavonoid trong ngải đắng được chứng minh là có tác dụng chống viêm. Phân lập hợp chất 5, 6, 3’, 5’, tetramethoxy- 7, 4’ – hydroxyflavon (p7F) từ cây ngải đắng và nghiên cứu in vitro và in vivo p7F trên sự sản sinh nitric oxyd (NO), prostaglandin E2 (PGE2) và yếu tố hoại tử u alpha, cũng như các biểu hiện của enzym tổng hợp NO cảm ứng, cyclooxygenase 2 (COX-2) và viêm khớp collagen. Kết quả cho thấy, hợp chất p7F ức chế biểu hiện hoặc sản sinh ra các chất trung gian hỗ trợ viêm như COX-2/PGE 2 và INOS/NO trong tế bào RAW 264.7 được kích thích bới lipopolysaccharid (LPS). P7F cũng ức chế hàm lượng TNF – alpha ở chuột nhắt trắng được biểu thị bằng collagen, và ức chế hoạt hóa yếu tố nhân – Kappa B (NF-Kb), cũng như hoạt tính kích thích NF-Kb trong tế bào RAW 254.7 được kích thích bởi H2O2. Như vậy, p7F có tác dụng chống oxy hóa và ức chế hoạt hóa NF – Kb và có thể được dùng trong lâm sàng để điều trị các chứng viêm.
Tác dụng trên thần kinh
Rượu ngải đắng được chế từ cây ngải đắng cùng với một số vị thuốc khác với thành phần hoạt chất chính là thujon. Terpen này có thể gây kích thích, gây co giật như kiểu động kinh và dùng lâu sẽ gây tổn thương vĩnh viễn cho não.
DS. Lê Hằng