PHỤC HỒI SỨC KHOẺ CHỐNG TÁI PHÁT SAU KHI MẮC COVID-19 BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN
Bài đăng Báo Lao động Ngày 25/08/2021
Y học cổ truyền đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi sức khỏe sau khi mắc COVID-19 và phòng chống tái phát. Sau khi bệnh nhân xuất viện, có thể đã âm tính với COVID-19 và không còn các triệu chứng nguy kịch nhưng cơ thể chưa hồi phục hoàn toàn. Bởi vậy, nâng cao sức khỏe sau khi mắc COVID-19 là chìa khóa để phòng chống các nguy cơ này.
Phục hồi sức khỏe sau khi mắc COVID-19
Giai đoạn lui bệnh còn gọi là giai đoạn phục hồi, cũng chính lúc đào thải virus bất hoạt, các yếu tố hàn thấp, nhiệt độc được bài ra. Để giai đoạn này được nhanh chóng cần nâng cao hệ miễn dịch. Quá trình phục hồi COVID-19 tùy thuộc vào mức độ của bệnh trước đó. Hồi phục sau mắc COVID-19 thể nhẹ, không có triệu chứng có thể hồi phục trong vòng một tuần đến 10 ngày.
Trong quá trình hồi phục sau mắc COVID-19 thể vừa, có thể bệnh nhân sẽ gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi, ho và khó thở trong nhiều tuần. Sự phục hồi của những bệnh nhân COVID-19 nặng có thể mất vài tuần đến vài tháng để thể lực và chức năng phổi trở lại bình thường.
Đối với y học cổ truyền, trong giai đoạn lui bệnh cần dùng thuốc, ăn uống để nâng cao chính khí, bổ khí huyết tạng phủ, cân bằng âm dương, đặc biệt cần kiêng kỵ cho đúng. Điều trị tích cực giai đoạn phục hồi sẽ giúp hạn chế những di chứng về sau. Tùy vào từng thể bệnh mà có pháp phương khác nhau để phục hồi cho bệnh nhân.
Phế Tỳ khí hư, nguyên khí bất túc
Chứng hậu: Khí đoản, mệt mỏi, ăn kém, buồn nôn, không có sức đại tiện, đại tiện phân nát, cảm giác không hết phân, lưỡi nhạt bệu, rêu trắng dày, mạch trầm trì.
Khí âm lưỡng hư
Chứng hậu: Mệt mỏi vô lực, miệng khô khát, tâm quý, nhiều mồ hôi, ăn kém, sốt nhẹ hoặc không sốt, ho khan ít đờm, lưỡi khô, mạch tế hoặc vô lực
Chống tái phát COVID-19 bằng y học cổ truyền
Trên thực tế, nhiều bệnh bệnh nhân đã hồi phục vẫn tái dương tính với virus. Giống như phòng nhiễm bệnh, việc phòng chống tái phát COVID-19 cũng dựa trên nguyên tắc nâng cao sức khỏe, sức đề kháng và thực hiện các biện pháp 5K.
Để tăng cường sức khỏe, chống tái phát COVID-19, y học cổ truyền có một số phương pháp sau:
Bảo vệ và tăng cường hệ thống miễn dịch với thảo dược
Các loại thảo dược điều hòa miễn dịch hỗ trợ chức năng miễn dịch giúp cho hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động tốt.
Nấm được coi là thảo dược điều hòa miễn dịch. Có một số loại nấm an toàn và có thể cải thiện chức năng hệ thống miễn dịch như: Nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, nấm vân chi, nấm đuôi gà tây, nấm hương, nấm khiêu vũ…
Hoàng kỳ đã được chứng minh tác dụng cải thiện hoạt động miễn dịch. Rễ cây cúc dại tím là loại thảo dược giúp tăng cường miễn dịch, phòng tái phát hoặc nhiễm các chủng virus mới cho những người có nguy cơ cao.
Tỏi là một loại thảo dược quen thuộc, có sẵn trong nhà bếp giúp kích thích miễn dịch. Ngoài ra, còn một số thảo dược khác giúp củng cố miễn dịch như quả cơm cháy, cam thảo, nhân sâm, đương quy Nhật, cúc hoa… có thể được sử dụng.
Dinh dưỡng
Nên bổ sung vitamin khoáng chất, chất chống oxy hóa, chống viêm và kháng si sinh tự nhiên từ các loại rau, củ, quả tươi, đặc biệt là các loại rau thơm như: Hành, tía tô, kinh giới, diếp cá, ớt chuông, húng quế, mùi tây, bạc hà…
Cắt giảm hoặc loại bỏ đường và rượu khỏi chế độ ăn uống vì chúng gây ra ức chế hệ thống miễn dịch.
Có thể kết hợp các vị thuốc để nấu ăn, tạo ra những món ăn bài thuốc có tác dụng bổ khí huyết, bổ ngũ tạng như Cháo bát bảo, Thập toàn đại bổ thang hầm gà (chim, thịt heo)…
Tập luyện thể chất, thiền định để nâng cao sức khỏe
Các phương pháp y học cổ truyền không tách rời sự tập luyện thể chất. Tập luyện thể chất mỗi ngày 30 phút bằng các bài tập dưỡng sinh nhẹ nhàng, đi bộ quanh nhà, vảy tay hoặc yoga… có thể tập trong nhà trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Tập thở là pháp dưỡng sinh mang đến nhiều lợi ích, điều tiết thần kinh, lưu thông khí huyết, chống lại bệnh tật, phục hồi tổn thương. Mỗi ngày nên dành 30 phút để tập thở. Đây là cách cải thiện chức năng hô hấp tốt, nhất là đối với người có tổn thương phổi do COVID-19.
Link: