LÁ TÍA TÔ - MỘT LOẠI RAU GIA VỊ HÀNG NGÀY CÓ TIỀM NĂNG TRONG PHÒNG CHỐNG SARS-COV-2
Bài đăng trên báo Sức khoẻ & Đời sống ngày 24/07/2021
Khi nghiên cứu đánh giá tác dụng của chiết xuất lá tía tô đối với SARS-CoV-2, một số nghiên cứu chỉ ra rằng khi phối hợp chiết xuất này với hoạt chất remdesivir thì hiệu quả đã tăng rõ rệt.
Hiện nay, số lượng người nhiễm SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục tăng lên nhanh chóng, trong đó khoảng 5-10% tổng ca nhiễm trở lên diễn biến nặng, nguy hiểm đến tính mạng.
Theo WHO, hoạt chất remdesivir được đánh giá là ứng cử viên sáng giá nhất cho điều trị SARS-CoV-2. Ở một số quốc gia đã phê duyệt hoạt chất này vào trong điều trị, tuy nhiên, khi phối hợp với chiết xuất lá tía tô, làm tăng rõ rệt hiệu quả điều trị bệnh…
Bài thuốc “Sâm tô tán” trong phòng và hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-Cov-2
Cây tía tô, một gia vị rất quen thuộc trong vườn nhà.
Theo văn bản số 1306/BYT-YHCT ngày 17 tháng 3 năm 2020 về việc tăng cường phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 bằng thuốc và các phương pháp Y học cổ truyền đã hướng dẫn sử dụng một số bài thuốc, trong đó có bài Sâm tô tán (hòa tễ cục phương) với công dụng phong khu hàn, tuyên khai phế vệ, áp dụng tốt trong giai đoạn đầu (khởi phát) và những trường hợp F0 không có triệu chứng.
Bài thuốc bao gồm: Đảng sâm 30g, tô diệp (lá tía Tô) 30g, cát căn 30g, tiền hồ 30g, bán hạ chế 30g, bạch linh 30g, trần bì 20g, cam thảo 20g, cát cánh 20g, chỉ xác (sao cám) 20g, mộc hương 20g. Tất cả các vị thuốc trên tán bột hoặc dùng ở dạng thuốc thang sắc.
Dạng bột: Mỗi lần uống 8-12g bột, được pha trong 200ml nước Sinh khương (gừng tươi) 6g, đại táo 4g (đun sôi trong thời gian khoảng 15-20 phút để nguội dần ở nhiệt độ 70-80 độ C), ngày 3 lần.
Dạng thuốc thang: Liều lượng các vị thuốc giảm ½ so với liều lượng các vị thuốc ở dạng bột. Sắc ngày uống 1 thang, uống lúc ấm sau ăn.
Nghiên cứu về lá tía tô trong phòng và trị virus
Các nhà khoa học vẫn luôn tìm kiếm các phương pháp điều trị SARS-CoV-2.
Mới đây nhất, nghiên cứu của nhóm tác giả Wen-Fang Tang được đăng tải trên Tạp chí Y khoa Hoa Kỳ. Ông cùng với các cộng sự của mình thiết lập các nghiên cứu in vitro để đánh giá hiệu quả của chiết xuất lá tía tô đối với SARS-CoV-2. Đánh giá của tác giả dựa trên ba yếu tố: Sự ức chế lây nhiễm của virus trong tế bào; tương tác của chiết xuất lá tía tô trực tiếp với hạt virus thông qua xét nghiệm khử hoạt tính của virus và hiệu quả hiệp đồng tác dụng của chiết xuất lá tía tô với hoạt chất remdesivir. Các thí nghiệm được tiến hành trên trên tế bào vero E6 và Calu-3 (dòng tế bào phế nang phổi). Kết quả nghiên cứu mang đến những phát hiện nổi bật:
- Chiết xuất lá tía tô có hoạt tính chống SARS-CoV-2 trên tế bào vero E6: Chiết xuất lá tía tô với EC50 là 0,12 ± 0,06 mg / mL có khả năng ức chế SARS-CoV-2 trong tế bào Vero E6 với chỉ số chọn lọc là ∼40,65.
- Chiết xuất lá tía tô có thể nhắm mục tiêu vào giai đoạn đầu của chu kỳ nhiễm virus: Đánh giá thời gian bổ sung thuốc để xác định giai đoạn mà thuốc ức chế trong chu kỳ nhân lên của virus, chiết xuất lá tía tô sẽ được thêm vào 3 thời điểm: Trước khi virus xâm nhập, trong quá trình virus hấp thụ, sau khi virus hấp phụ vào tế bào. Thời điểm thu hoạch là lúc 24h. Kết quả cho thấy, hoạt động ức chế virus diễn ra mạnh hơn khi bổ sung chiết xuất vào giai đoạn trước khi virus xâm nhập so với sau khi virus hấp thụ vào tế bào. Chiết xuất tía tô ức chế sự hình thành mảng bám SARS-CoV-2 theo cách phụ thuộc liều lượng. Hoạt tính kháng virus của chiết xuất tía tô tương tự như remdesivir ở mức độ ức chế hình thành mảng bám.
Tía tô có thể dùng để ăn sống
- Chiết xuất lá tía tô ức chế biểu hiện cytokine tiền viêm do virus gây ra: Mục tiêu chính của SARS-CoV-2 là các tế bào biểu mô đường hô hấp và phổi. Do đó, hiệu quả kháng virus của chiết xuất lá tía tô đã được đánh giá trên dòng tế bào phế nang phổi Calu-3, dòng tế bào rất dễ bị nhiễm virus. Đúng như dự đoán, sự lây nhiễm SARS-CoV-2 diễn ra mạnh mẽ trong các tế bào Calu-3. Sự tổng hợp RNA và protein đã tăng lên rõ rệt sau 48 giờ virus hấp thụ, nhưng đều bị ức chế bởi cả remdesivir và chiết xuất lá tía tô theo liều phụ thuộc. Chiết xuất tía tô cũng làm giảm đáng kể sự giải phóng cytokine do virus gây ra và mức protein / RNA của virus trong dòng tế bào biểu mô phổi Calu-3 của người.
- Chiết xuất tía tô làm bất hoạt các phần tử virus và ngăn chặn sự xâm nhập của chúng vào tế bào chủ: Thông qua thử nghiệm bất hoạt virus cho thấy chiết xuất lá tía tô có thể ức chế sự tổng hợp protein của virus và sự nhân lên của virus bằng cách trực tiếp ức chế sự xâm nhập của virus vào tế bào chủ. Do đó có hiệu quả diệt virus.
- Có sự hiệp đồng tác dụng khi kết hợp giữa chiết xuất lá tía tô và remdesivir: Một thí nghiệm được thiết kế để đánh giá tương tác thuốc - thuốc giữa chiết xuất lá tía tô và remdesivir. Tế bào Vero E6 bị nhiễm SARS-CoV-2 được thêm chiết xuất lá tía tô kết hợp với remdesivir và thu hoạch lúc 24 giờ sau hấp thụ để định lượng tải lượng RNA của virus bằng kỹ thuật qRT-PCR. Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy việc kết hợp của chiết xuất lá tía tô và remdesivir tạo ra sự hiệp đồng về tác dụng với điểm hiệp đồng là 14,98 ± 5,84.
Một số cách sử dụng lá tía tô thông dụng
Cháo tía tô
Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, tía tô - vị thuốc, món ăn quá đỗi quen thuộc với mỗi người, dùng để phòng và chữa bệnh lúc này có lẽ là đơn giản, rẻ tiền và an toàn. Dưới đây là một số phương pháp dễ thực hiện mọi người có thể áp dụng:
- Ăn trực tiếp: Lá tía tô rửa sạch, ngâm nước muối pha loãng rồi vớt ra, để ráo nước, dùng như rau sống.
- Làm gia vị: Có thể bổ sung tía tô tươi để tăng thêm độ đậm đà trong một số món ăn như cháo, các món từ cà tím, đậu phụ….
- Trà tía tô: Thêm nước vào lá tía tô cùng đường phèn, đun sôi, lọc phần nước để nguội và bổ sung thêm nước cốt chanh rồi sử dụng.
- Thuốc uống, xông: Sử dụng các vị thuốc như: Kinh giới 12g, tô diệp (lá tía tô) 12g, lá lốt 8g, bạc hà 10g, trần bì 6g, bạch chỉ 6g, kim ngân hoa 8g. Có thể dùng tươi hoặc dạng khô. Cho toàn bộ các vị thuốc trên vào nồi cùng 1 lít nước và đun sôi, để nhỏ lửa trong 5-10 phút. Đổ riêng ra 1 cốc 200ml (để uống), phần còn lại đổ ra bát sau đó xông vùng mặt trong thời gian 10-15 phút. Sau khi bát thuốc ấm, sử dụng nước vừa xông để lau và rửa mặt.
Link:
Lương y Phùng Tuấn Giang
(Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam)