DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NIỆM NGÀY MẤT CỦA ĐẠI DANH Y THIỀN SƯ TUỆ TĨNH
Tưởng niệm ngày mất của Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh (15/2 âm lịch) ngày 18/03 Đoàn lãnh đạo Viện nghiên cứu y dược cổ truyền Việt Nam và nhà thuốc Thọ Xuân Đường đã về đền Bia kính lễ. Đi cùng đoàn còn có dược sĩ Đào Kim long và ông Nguyễn Hữu Oanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương là một người có nhiều tâm huyết với Đền Bia và văn hóa tín ngưỡng của địa phương.
Đền Bia thuộc thôn Văn Thai xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Tấm bia đá được người dân ở đây coi như bảo vật thờ phụng suốt mấy trăm năm là câu chuyện xúc động liên quan đến cuộc đời của vị đại danh y được người đời xưng tụng - “vị thánh thuốc nam”, đó chính là thiền sư Tuệ Tĩnh.
Tuệ Tĩnh Thiền sư (1930 -?) được gọi tắt Tuệ Tĩnh. Tên thật ông là Nguyễn Bá Tĩnh, biệt hiệu là Tráng Tử Vô Dật quê ở làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thái, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay là tỉnh Hải Dương). Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh là người đã đặt nền móng trong việc xây dựng nên y học cổ truyền.
Từ thuở nhỏ vì mồ côi cha mẹ (lúc 6 tuổi) mà ông được Hòa thượng ở chùa Hải Triều nuôi cho ăn học. Ông đã được học văn và học thuốc để giúp việc chữa bệnh cùng với các nhà sư trong chùa quê ông và chùa Giao Thủy, Sơn Nam (nay thuộc Nam Định).
Năm 22 tuổi, thi Hương trúng nhất bảng, nhưng không ra làm quan mà ở chùa, đi tu, lấy pháp hiệu Tuệ Tĩnh và quay về với nghề y của phận mình, tiếp tục việc bốc thuốc chữa bệnh giúp dân và phát triển thêm một số cơ sở chữa bệnh ở các chùa lân cận, rồi huấn luyện y học cho các tăng ni để mở rộng việc chữa bệnh làm phúc.
Năm 45 tuổi thi Đình đậu Hoàng giáp nhưng ông vẫn không ra làm quan mà theo đuổi việc cứu chữa, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đường quan trường thênh thang công danh bổng lộc nhưng không quyến rũ được ông như chữ y, chữ thiền.
Bị bắt đi cống sang triều Minh Trung Hoa khi đã 55 tuổi và giữ chức y tư cửu phẩm trong Thái y viện cũng chỉ vì hay thuốc nức tiếng vượt khỏi biên giới trời nam.
Tài năng của ông được vua Minh phong là Đại y Thiền sư. Ông qua đời tại Giang Nam Trung Quốc không rõ năm nào.
Tuệ Tĩnh trong thời gian tại Trung Quốc luôn nhớ về quê hương và luôn mong muốn được trở về quê hương. Chính vì vậy trên bia mộ ông có dòng chữ “Ai về nước Nam cho tôi về với”.
Năm 1960 tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đi sứ sang Trung Quốc, vô tình thấy mộ Tuệ Tĩnh. Cảm động với lời nhắn gửi của ông, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đã sao chép lại rồi tạc đá mang về Hải Dương.
Tương truyền, khi đó cả vùng quê thôn Nghĩa Phú xã Cẩm Vũ của ông bị ngập nước. Xuôi thuyền gần đến nơi thì thuyền bị lật, tấm bia rơi xuống nước không lấy lên được. Những tưởng công sức bị bỏ sông bỏ biển thì không lâu sau khi nước sông cạn, nhân dân lại tìm thấy bia. Thấy doi đất ở đây có hình con dao cầu (dao thái thuốc Nam) người dân đã dựng miếu thờ bia. Ngôi miếu đơn sơ dựng thờ tấm bia đá chỉ cách quê hương Tuệ Tĩnh khoảng hơn 1km.
Khu thờ tự Đền Bia gồm 5 công trình: Tam quan, nhà thuỷ đình, nhà tả vu và hữu vu, tiền tế và hậu cung, tổng số 23 gian, còn lại là sân vườn, tường bao và cổng.. Khu y xá gồm 3 công trình: Nhà bắt mạch kê đơn thuốc, nhà bốc thuốc và nhà chẩn trị, mỗi công trình 5 gian. Ngoài ra còn có nhà từ tâm dùng đón tiếp khách.
Trong khán thờ tượng Tuệ Tĩnh , bức ượng đúc bằng đồng ngồi trên ngai, đầu đội khay, mắt sáng râu dài, hai tay chắp trước ngực, mặc áo thêu hình rồng .
Ngôi đền còn có công trình độc đáo là vườn thuốc nam rộng lớn, phong phú các loại dược liệu. Phát huy truyền thống y dược và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, chính quyền và ngành y tế, Hội Y học cổ truyền dân tộc huyện Cẩm Giàng hiện đã thành lập tổ chẩn trị y học, chuyên bốc thuốc Nam chữa bệnh và trồng nhiều cây thuốc tại khu vực đền Bia. Hằng năm, nhân dân thập phương vẫn đến đền Bia để cắt thuốc và tưởng nhớ Tuệ Tĩnh - Đại danh y của dân tộc với tấm lòng thành kính.
Ngoài lễ hội lớn vào ngày 15/2 hàng năm, thì bắt đầu từ mùng Một Tết kéo dài hết tháng giêng, ngôi đền linh thiêng này đón hàng vạn khách thập phương các nơi đến đền du xuân, cầu mong cho năm mới bình an sức khỏe. Nếu ai được nghe câu chuyện về dòng chữ khắc trên tấm bia mộ của ông “ Ai về nước Nam, cho tôi về với” hẳn càng cảm phục ông hơn và thấy trong lòng mình cũng đang rộn lên tình yêu tổ quốc .
Một số hình ảnh của lễ dâng hương:
Mai Thanh