Điều gì đã khiến Thọ Xuân Đường giữ được truyền thống cứu người 370 năm
Bài đăng Tạp chí Người Cao tuổi số 59 (3672) thứ 6 ngày 22/03/2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, hạt nhân của xã hội là gia đình”.
Nghề Y từ lâu đã được dân tộc ta xem là một nghề cao quý. Chính vì lẽ đó, sự tiếp nối truyền thống trong gia đình có các thế hệ là y bác sỹ luôn được coi trọng. Gia đình là cái nôi đầu tiên trong việc hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách mỗi con người. Trong một gia đình có truyền thống nghề y, gia đình còn là nơi đầu tiên dạy những bài học về tình yêu thương con người, về y đức, về đức tính hy sinh cho những người con, người cháu từ thời niên thiếu. Nhiều gia đình đã đóng góp cho xã hội, cho đất nước những thầy thuốc giỏi, những nhà quản lý, lãnh đạo uy tín, xuất sắc của ngành Y.
Trong dòng chảy của truyền thống “giữ lửa nghề y” phải nói đến Nhà thuốc Thọ Xuân Đường ở Hà Nội với 17 đời liên tục làm nghề chữa bệnh cứu người, đến nay đã gần 4 thế kỷ.
Mới đây, Nhà thuốc Thọ Xuân Đường đã long trọng tổ chức “Lễ Kỷ niệm 370 năm truyền thống”. Một số chuyên gia đã đưa một vài ý kiến chung quanh việc “Tại sao một Nhà thuốc có thể duy trì đời nối đời suốt 4 thế kỷ với 17 đời liên tục và đã được Kỷ lục Guinness công nhận”.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng – chủ tịch Hội đồng Họ phùng Việt Nam đã chia sẻ về truyền thống Thọ Xuân Đường giữ gìn được 4 thế kỷ qua nhờ có những yếu tố sau:
“Tôi nghĩ có mấy vấn đề:
- Thứ nhất là phải có tình yêu đối với Đất nước.
- Thứ hai là phải có tình yêu đối với con người.
- Và thứ ba là tình yêu đối với nghề nghiệp”.
Về Tình yêu đối với Đất nước thể hiện như:
Điều đó thể hiện ở thời khởi thủy nghề y của Thọ Xuân Đường, 3 đời đầu đều làm Ngự y triều đình. Gồm: Cụ Phùng Văn Dương được tuyển vào làm thuốc tại Tế Sinh Đường - Thái Y Viện triều đình nhà Lê năm 1653.
Con trai cụ Dương là lương y Phùng Văn Đồng (1713-1783), làm lương y phục vụ trong quân đội, được nhà vua phong tới chức Tiến công Thứ Lang kiêm Ngự y ở Thái Y Viện.
Các truyền nhân của ba đời đang giữ gìn và phát huy nghề làm thuốc của dòng họ Phùng Thọ Am
Nối nghiệp ông và cha mình, lương y Phùng Văn Côn (1743-1822) là con trai cụ Đồng, cũng phục vụ trong quân y và được phong chức Tiến công Thứ lang, đến năm 1781 được điều vào Thái Y viện giữ chức Phó Ngự y triều đình.
Đặc biệt, dưới triều vua Quang Trung (1788-1792), Ngự y Phùng Văn Côn (1743-1822) do tham gia tích cực chữa trị cứu thương trong chiến dịch thần tốc tiêu diệt 20 vạn quân Thanh năm 1789 và có nhiều công lao to lớn đã được vua Quang Trung tấn phong “Oanh liệt Tướng quân”, ban thưởng một đôi đũa Kim Giao thử độc và một đồng tiền vàng mang 4 chữ “Nhất Phẩm Đương Triều” (bậc cao nhất trong thứ tự 9 bậc danh giá trong triều). Đôi đũa và đồng tiền vàng “Nhất Phẩm Đương Triều” đến nay đã trở thành báu vật dòng họ Phùng cùng truyền thống làm thuốc của Thọ Xuân Đường.
Rồi đến đời thứ 14 - Lương y phùng Đức Hậu, trước cách mạng tháng Tám 1945, Lương y Phùng Đức Hậu - nguyên Chủ tịch Hội Đông y Thường Tín (Hậu duệ đời thứ 14 của Lương y Phùng Văn Dương) đã lập ra Nhà thuốc Thọ Xuân Đường tại Chợ Vồi, nay là thị trấn Thường Tín, Hà Nội. Nhà thuốc Thọ Xuân Đường vừa là nơi chữa bệnh cho nhân dân, giúp đỡ người nghèo khổ, vừa là cơ sở hoạt động cách mạng bí mật của nhiều chiến sĩ cộng sản như: đồng chí Đỗ Mười - nguyên Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thọ Chân - Ủy viên Trung ương Đảng nguyên Bộ trưởng Bộ Lao Động, đồng chí Bạch Thành Phong - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây... và nhiều đồng chí khác. Vì những công lao với Đảng với dân, gia đình ông này được Chính phủ trao tặng “Kỷ niệm chương” và “Bằng có công với nước”.
Chứng kiến những gian khổ khi gia đình vừa chữa bệnh cho nhân dân, vừa nuôi cán bộ hoạt động cách mạng Lương y Phùng Đức Đỗ (đời thứ 15) cũng đã sáng tác câu thơ:
“Trên là quầy thuốc
Dưới là hầm sâu,
Mẹ nuôi cán bộ
Gian khổ quản đâu!
Đây nhát dao cầu
Thơm mùa cam thảo
Tình mẹ ngọt ngào
Trải bao giông bão”...
Tình yêu đối với con người
Với quan điểm coi người bệnh như chính người thân yêu nên bệnh nhân ở đây luôn được quan tâm, chăm sóc, chữa lành cả thân – tâm – trí. Rất nhiều đối tượng bệnh nhân được ưu tiên miễn phí hoặc giảm chi phí điều trị như: Người già neo đơn, nhà tu hành, người nghèo hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng, sinh viên nghèo vượt khó, trẻ em khuyết tật… Nhiều trường hợp không những được nhận điều trị miễn phí mà còn được tặng tiền, tặng gạo để bệnh nhân mang về nhà.
Hàng năm, Nhà thuốc thực hiện thăm khám chữa bệnh miễn phí, tặng quà cho Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… Tham gia tích cực các chương trình thiện nguyện tại địa phương và các chương trình do Hội chữ thập đỏ tổ chức.
TS. Lương y Phùng Tuấn Giang nói:
“Trong tiềm thức tôi, truyền thống yêu thương người bệnh được ông bà tôi hun đúc cho tôi từ thủa nhỏ. Ngày đó, ông bà tôi ngoài chữa bệnh, tặng thuốc, trồng được lúa gạo, nuôi được con lợn nào cũng mang tặng thịt, tặng gạo cho bệnh nhân, cho người nghèo và cho doanh trại bộ đội…”
Tình yêu đối với nghề nghiệp
Trung tướng Phùng Khắc Đăng nói: “Khi nói đến Thọ Xuân Đường chúng tôi có một niềm tự hào riêng là vì trong dòng họ Phùng Việt Nam có một nhánh đã lưu giữ được cái nghề thuốc cổ truyền gần 400 năm nay. Đây là một cái điều rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ có thể nhiều đời làm thuốc nhưng nhiều năm và lưu truyền được từ đời ông, đời cha, rồi đời con, đời cháu cho đến bây giờ đến 17 đời vẫn giữ được truyền thống. Đặc biệt thứ hai là giữa Đông y và Tây y, thì rõ rang Tây y bây giờ mới phát triển, còn ngày xưa Đông y là chính. Điều ngấm sâu vào những người con họ Phùng từ xa xưa là dùng dược liệu của đất nước mình trị bệnh cho người mình, nó đã ngấm sâu vào thế hệ cha ông, của những người con họ Phùng từ trước đến nay. Đặc biệt thứ ba tôi cho rằng, khi con cháu đã kế tục được sự nghiệp của ông cha thì danh tiếng được lưu truyền và được rất nhiều người mến mộ.
Thọ Xuân Đường đã đáp ứng được tình cảm của những bệnh nhân không những ở trong nước mà ở cả ngoại quốc tôi nghĩ đây là một cái điều đặc biệt nữa”.
Được thừa hưởng kinh nghiệm quý báu của ông cha, bản thân trau dồi học hỏi kiến thức kinh nghiệm từ nhiều người thầy trong và ngoài nước, TS. Lương y Phùng Tuấn Giang – truyền nhân đời thứ 16, đã kết hợp kiến thức cần thiết của Tây y, bào chế ra những bài thuốc chữa nhiều loại bệnh (nhất là bệnh hiểm nghèo, bệnh khó) hiệu quả cho cộng đồng.
TS. Lương y Phùng Tuấn Giang còn đi ra thế giới học tập, tìm kiếm các nguồn tri thức chữa bệnh bản địa của nước ngoài đưa về Việt Nam, đồng thời đưa Nam y Việt ra nước ngoài.
Gần 30 năm nay, Tiến sĩ Phùng Tuấn Giang không ngừng gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị tri thức bản địa về y học cổ truyền; mong muốn mang lại những giá trị bền vững không chỉ cho dòng họ mình mà cho cả nền Nam y Việt.
TS. Lương y Phùng Tuấn Giang cũng đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục “Người chữa bệnh cho nhiều bệnh nhân ở các nước trên thế giới bằng Nam y Việt Nam”; “Đĩa vàng Khoa học Sáng tạo thế giới” do Viện Hàn lâm Khoa học Sáng tạo thế giới trao tặng vì đã góp phần tôn vinh giá trị Nam y Việt Nam ra quốc tế; Bộ Y tế trao tặng danh hiệu “Trái tim vì sức khỏe người Việt”… cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
“Tôi mong ước họ Phùng Thọ Am và đời thứ 17 không phải là chỉ số 17 mà 18, 19, 19, 20 và mãi mãi giữ được cái nghề của cha ông truyền lại. Trong cơ chế thị trường này, người làm thuốc để được tín nhiệm, được yêu quý và giữ gìn danh dự là phải luyện rèn y đức, mà đã là tình yêu con người, tình yêu nghề và nó cũng là tình yêu đất nước. Khi đã làm tốt điều này tiếng vang sẽ vang xa” – Trung tướng Phùng Khắc Đăng nhấn mạnh.
Nguyên Bộ trưởng Bộ thông tin truyền thông Lê Doãn Hợp chia sẻ:
“Có thể nói là Nam y, kể cả Đông y là một sự nghiệp vĩ đại của bao nhiêu thế hệ Việt Nam, một sự nghiệp trị bệnh cứu người. Bây giờ rất nhiều lương ý giỏi. Nhà thuốc Thọ Xuân Đường cũng là một ví dụ, rất nhiều lương y giỏi, đời nối đời vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân không dễ và trong tất cả những cái làm thì làm để lại thương hiệu là khó nhất.
370 năm kế tục và phát triển, trải qua rất nhiều những năm tháng khó khăn, từ thời phong kiến cho đến nay các thầy thuốc Thọ Xuân Đường vẫn âm thầm làm nghề, giữ lửa nghề trải qua 17 thế hệ. Truyền thống này không chỉ là truyền thống của dân tộc mà còn truyền thống của gia đình, của dòng họ, của quê hương. Những gia đình lương y như Thọ Xuân Đường nối tiếp truyền thống cực kỳ quan trọng.
Tôi nghĩ là thời đại bây giờ có ba chữ T, ở đâu có đủ ba chữ T thì ở đó là sáng giá mà Thọ Xuân Đường hội tụ đủ cả ba chữ đó. Đầu tiên là thương hiệu, thứ hai là trí tuệ và thứ ba là tin cậy.
Giữ được 5 hoặc 7 đời đã là vẻ vang nhưng đối với Thọ Xuân Đường là 17 đời liên tục, 370 năm kiên trì để giữ một thương hiệu. Và có thể nói đến thời TS. Lương y Phùng Tuấn Giang thương hiệu này được tiếp tục phát huy, tiếp tục chăm sóc, được tiếp tục dày công nghiên cứu đưa ra những quan điểm phục vụ tốt hơn, làm cho thương hiệu Thọ Xuân Đường tiếp tục tỏa sáng và càng ngày càng sáng”.
TS. Lương y Phùng Tuấn Giang truyền nhân đời thứ 16 của gia tộc họ Phùng đúc rút kinh nghiệm quý báu:
“Đối với truyền thống của Thọ Xuân Đường mà tôi được kế thừa thì phải nói đây là thuận lợi vô cùng trong việc phát triển nghề nghiệp, nhưng nó cũng có nhiều thách thức, khó khăn đối với bản thân.
Việc đầu tiên là sống làm sao, làm việc thế nào cho nó xứng đáng với truyền thống của ông cha, giúp người giúp đời, tích phúc hành thiện. Đấy là sứ mệnh của nhà thuốc Thọ Xuân Đường và truyền thống nhiều đời tốt đẹp của Thọ Xuân Đường đã làm điều này.
Việc thứ hai là bệnh tật luôn biến đổi hằng ngày, thuốc ngày xưa không cứu được bệnh ngày nay. Chính vì vậy phải liên tục học tập, trau dồi, nghiên cứu phát triển các loại thuốc mới để làm sao cứu chữa phù hợp được những bệnh thời đại. Xã hội càng ngày càng biến đổi, bà con muốn sử dụng thuốc tiện lợi, uống ít hơn, hiệu quả cao hơn. Chính vì vậy Thọ Xuân Đường, chúng tôi đã tiếp cận với khoa học công nghệ.
Thứ nhất, áp dụng những máy móc chẩn đoán mới trong trong chẩn đoán và điều trị. Ví dụ máy siêu âm, máy điện sinh học, các loại máy hiện đại để có thể chẩn đoán cận lâm sàng của Tây y phối hợp làm rõ thêm trong quá trình chữa bệnh cho người bệnh.
Thứ hai, chúng tôi có Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam và Viện nghiên cứu phát triển sâm Ngọc Linh Việt Nam. Hàng ngày các nhà khoa học cùng với các nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu ra những bài thuốc hay, ứng dụng cây thuốc quý, đưa phương pháp bào chế mới vào tăng sinh khả dụng cho các bài thuốc, từ đó có những phương thức mới để đáp ứng được nhu cầu của nhân dân trong thời đại mới.
Với những giá trị truyền thống như hiện nay của Thọ Xuân Đường như một di sản văn hóa phi vật thể của Đất nước với 17 đời, gần 400 năm. Tôi hy vọng trong thời gian tới Đảng và Nhà nước sẽ quan tâm hơn nữa đối với lĩnh vực y học cổ truyền nói riêng và những nhà thuốc truyền thống như chúng tôi”.
Link báo chí:
Tình Vũ