BÀ BẦU CÓ NÊN ĂN NA KHÔNG?
Giải đáp thắc mắc "bà bầu có nên ăn na không?", tiến sĩ, lương y Phùng Tuấn Giang cho biết, na là sự lựa chọn phù hợp cho chị em phụ nữ đang trong thai kỳ và người suy nhược cơ thể vào cuối mùa hạ đầu mùa thu.
Tiến sĩ- Lương y: Phùng Tuấn Giang
Hàng năm, cứ tháng 7 – 9 là mùa na chín rộ. Mặc dù là loại quả thơm ngon, nhiều dưỡng chất giúp bồi bổ cơ thể nhưng nhiều người, đặc biệt phụ nữ mang thai vẫn thắc mắc “Bà bầu có nên ăn na không?”.
Theo Tiến sĩ – Lương Y Phùng Tuấn Giang (Chủ tịch Viện nghiên cứu Phát triển Y Dược cổ truyền Việt Nam), na, mãng cầu xiêm, xoài, việt quất, dâu tây, cherry, kiwi, bưởi, lựu… là những loại trái cây có lợi cho bà bầu. Trong đó, na là sự lựa chọn phù hợp cho chị em phụ nữ đang trong thai kỳ và người suy nhược cơ thể vào cuối hạ đầu thu.
Na hay còn được gọi là mãng cầu ta, mãng cầu dai, sa lê, phan lệ chi… Cây na có tên khoa học là Annona squamosa L., thuộc chi Annona, họ Annonaceae. Đây là loại cây bản địa vùng nhiệt đới châu Mỹ, hiện nay được trồng ở khắp nơi trên thế giới và Việt Nam cũng là quốc gia trồng nhiều na.
Bà bầu có nên ăn na không?
Quả na có giá trị dinh dưỡng cao, trong thịt quả na có chứa 82,5% nước, 1,6% protein, 16,2% carbohydrate, vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin K, các alcaloid nhóm oxoaporphin, calci, sắt, đồng, phospho, kali, natri… 100g thịt quả cung cấp cho cơ thể khoảng 70 - 80kcal. Vì vậy những lợi ích dưới đây sẽ giải đáp cho câu hỏi "Bà bầu có nên ăn na không?" của mọi người.
Tháng 7 – 9 là mùa na chín rộ, nhiều bà bầu thắc mắc "bà bầu có nên ăn na không?". (Ảnh minh họa)
- Làm giảm các triệu chứng ốm nghén: Trong những tháng đầu của thai kỳ, bà bầu thường bị ốm nghén (buồn nôn, nôn, mệt mỏi, khó chịu, không ăn uống được…), na có tác dụng làm giảm các triệu chứng này. Do thời kỳ ốm nghén, kém ăn, dễ bị đói, khi đói các triệu chứng khó chịu càng nặng hơn, vì vậy các mẹ bầu nên ăn nhiều bữa nhỏ, và na là sự lựa chọn để ăn vào bữa phụ.
- Điều chỉnh tâm lý cho bà bầu: Khi mang thai, phụ nữ có sự thay đổi về hormon, sự khó chịu của ốm nghén, sự nặng nề của bản thân có thể dẫn đến những thay đổi tâm lý của chị em. Sự cáu bẳn, dễ xúc động, khó tính hơn ở phụ nữ trong thai kỳ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Nguồn vitamin B6 trong na tham gia vào quá trình tổng hợp GABA (chất giúp giảm căng thẳng, stress).
- Lợi sữa cho mẹ sau sinh: Na luôn có mặt trong top những loại quả giúp lợi sữa. Khi mang bầu, phụ nữ nên ăn na để tăng nguồn sữa, tăng chất lượng sữa để sẵn sàng nuôi trẻ khi em bé ra đời.
Na giúp bà bầu duy trì cân nặng, tốt cho thai nhi. (Ảnh minh họa)
- Duy trì cân nặng: Đối với những bà bầu thiếu cân, ăn na sẽ giúp bổ sung dinh dưỡng giúp điều chỉnh cân nặng, chống suy nhược khi mang thai. Tuy nhiên, các bà bầu tăng cân bình thường và các bà bầu tăng cân quá mức vẫn có thể ăn na mà không lo béo phì.
- Tốt cho thai nhi: Na tốt cho cả mẹ và thai nhi. Các vitamin nhóm B, vitamin A, vitamin C và khoáng chất trong na giúp tăng miễn dịch, hỗ trợ sự phát triển hệ thống thần kinh của thai nhi.
- Giảm nguy cơ sinh non và giảm đau đớn khi đẻ: Na có nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe bà bầu, giúp phụ nữ có thai kỳ khỏe mạnh, vì vậy hạn chế được nguy cơ sinh non và giảm đau đớn khi đẻ.
Na không chỉ thích hợp với phụ nữ có thai, mà sau khi sinh chị em cũng nên ăn na mỗi ngày để giúp nhanh chóng hồi phục sức khỏe sau sinh, lợi sữa và lấy lại vóc dáng, sắc đẹp.
Ăn na đúng cách để có thai kỳ khỏe mạnh
Tuy na có nhiều tác dụng tốt cho bà bầu, nhưng cần phải ăn đúng cách để đạt lợi ích tối đa đặt tránh những tác dụng không mong muốn.
- Chọn na ngon: Chọn những quả na to tròn, mắt to, kẽ mắt trắng, cuống nhỏ, chín mềm không nứt, vỏ không có đốm đen, nên mua na rõ nguồn gốc xuất xứ, tốt nhất là na hữu cơ. Không nên ăn những quả na vỏ có nhiều vẩy trắng, nhiều vết nứt nẻ, bị chảy nước, những quả na này thường bị ủng thối, có giòi.
Khi ăn na, bà bầu không nên cắn vỡ hạt na. (Ảnh minh họa)
- Không cắn vỡ hạt na: Khi ăn na, không được cắn vỡ hạt na bởi hạt na có độc tính. Hạt na chứa các acetogenin: sqquamosten A, anoslin, neo – desacetyluvaricin, neo – anonin – B, neo- reliculatacin A, các squamocin, các squamostatin... Nếu không may nuốt phải hạt, bà bầu cũng không cần quá lo lắng, vì lớp vỏ cứng dày bao bọc bên ngoài hạt na sẽ không làm hạt na phát độc chất ra ngoài. Tuy nhiên, khi ăn nên cẩn thận vì hạt na khi nuốt vào có thể gây sặc, hóc.
- Ăn một quả mỗi ngày: Phụ nữ có thai chỉ nên ăn một quả na mỗi ngày. Theo dong y na có vị ngọt chua, tính ấm; nếu ăn quá nhiều có thể sẽ gây nóng, táo bón, mọc mụn. Ăn mỗi ngày một quả sẽ không làm bà bầu bị tăng đường huyết, kể cả những người bị đái tháo đường thai kỳ. Nên ăn vào bữa phụ thay thế cho các loại bánh kẹo ngọt, đồ ăn nhanh.
Quả na đã được dùng từ rất lâu đời, ai ai cũng biết về công dụng bổ dưỡng của nó. Tuy nhiên các bộ phận khác từ hạt, lá, thân, rễ cũng có nhiều tác dụng dược lý như gây độc tế bào ung thư, kháng khuẩn, kháng nấm, diệt ký sinh trùng… đang được khoa học quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, chúng có độc tính và không nên tự ý sử dụng, nhất là đối với phụ nữ có thai.
Tiến sĩ – Lương Y: Phùng Tuấn Giang
Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển Y Dược cổ truyền Việt Nam