TƯ VẤN SỨC KHOẺ NGƯỜI CAO TUỔI
Bài đăng trên Tạp chí Người cao tuổi số 231 ngày 19/11/2021,
số 236 ngày 28/11/2021, số 241 ngày 03/12/2021
Nhằm cung cấp cho đọc giả những giá trị về sức khoẻ, kinh nghiệm, cách phòng và chữa các căn bệnh hay gặp mùa thu đông, giúp Người cao tuổi sống vui - sống khoẻ - sống có ích, Phóng viên đã có bài phỏng vấn Tiến sĩ – lương y Phùng Tuấn Giang để giải đáp những câu hỏi của độc giả thời gian đã gửi về toà soạn.
Hỏi: Xin chào bác sĩ, Mùa này Hà Nội đang chuyển mùa sang lạnh, mà người nhiều tuổi như chúng tôi lại dễ bị viêm phổi và một số bệnh khác, vậy mong bác sĩ tư vấn cần lưu ý gì để phòng tránh? Nên có chế độ tập luyện, chế độ dinh dưỡng như thế nào? Chân thành cảm ơn !
(Bác Ngọc Mai – Hà Nội)
Trả lời:
Đúng như bác nói, mùa này hơi lạnh nên người cao tuổi để mắc các bệnh về đường hô hấp… Giải pháp cho tình huống này thì mong bác lưu ý 2 điểm sau:
1. Tăng sức đề kháng bản thân: Đây là một câu chuyện dài liên quan chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lối sống, bao gồm tập luyện - thể dục thể thao... Mời bác xem thêm bài viết "Dinh dưỡng nhiệm mầu xóa mờ vết nhàu tuổi tác" để hiểu rõ hơn và chăm sóc tốt cho bản thân cũng như có cách sống và luyện tập thích hợp.
2. Phòng tránh các tác nhân gây bệnh:
- Đầu tiên bác nên đến cơ sở y tế để khám sức khỏe tổng quát và tiêm phòng một số bệnh theo mùa như cúm… nếu chưa tiêm.
- Việc mặc quần áo hàng ngày, thì ngoài thẩm mỹ cũng nên chọn loại đủ ấm, đủ kín và thoải mái trong sinh hoạt. Bên cạnh đó, chênh lệch nhiệt độ, độ ẩm trong nhà và môi trường bên ngoài khá cao. Vậy mỗi sáng thức dậy, bác nên tạo cho cơ thể thích ứng dần với môi trường xung quanh.
Cụ thể là khi thức dậy, tránh việc đi ra khỏi nhà quá sớm, quá nhanh. Tốt nhất, bác nên quanh quẩn trong phòng ngủ, phòng khách vài phút trước khi mở cửa nhà và đi ra ngoài.
- Việc tắm gội hằng ngày cũng cần cẩn thận! Nên tắm bằng nước ấm trước khi ngủ khoảng 60 phút. Đặc biệt, đầu tiên để nước tiếp xúc với bàn chân rồi dần dần tiếp xúc lên các phần cao hơn trên cơ thể. Đây cũng là cách tạo cho cơ thể thích ứng dần dần với môi trường.
- Trong mọi hoạt động hàng ngày, không được gắng sức.
- Cuối cùng là giấc ngủ. Ở tuổi của bác, cần có ít nhất 6-8 giờ nỗi ngày để ngủ. Nên đi ngủ trước 23 giờ. Đặc biệt là khoảng 2-5 giờ sáng, thời khoảng này rất cần ngủ sâu để giúp cơ thể thải loại các yếu tố gây hại, loại gốc tự do và tái tạo mô tế bào, phục hồi các thương tổn đến từ môi trường sống hay do lão hóa.
Hỏi: Tôi thấy có nhiều thông tin cho rằng “kiềm hóa cơ thể” sẽ phòng chống được bệnh tật. Xin chuyên gia giải thích rõ như thế nào là kiềm hóa cơ thể ?
(Bác Vũ Văn Thanh - Hưng Yên)
Trả lời:
Theo các nghiên cứu khoa học, cơ thể con người hoạt động tốt nhất trong môi trường pH kiềm từ 7,365 đến 7,4. Cơ thể có bệnh khi môi trường pH kiềm thấp hơn 7,365, gọi là tình trạng bị axit hóa, dẫn đến sự biến đổi tế bào, giảm chức năng não, mất chất khoáng dự trữ, giảm oxy máu, giảm hoạt động của enzyme trong cơ thể, gây viêm và làm tổn thương các cơ quan, suy giảm hệ miễn dịch.
Vì vậy, tạo ra một nội môi ( môi trường bên trong cơ thể ) mang tính kiềm, hay còn gọi là kiềm hóa cơ thể sẽ giúp tăng cường sức khỏe và phòng chống bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư. Để kiềm hóa cơ thể, mọi người nên thực hiện chế độ ăn với 80% có tính kiềm là các loại rau củ quả tươi sống (dưa hấu, xoài, bưởi, măng tây, đậu xanh, rau diếp, rau cải, táo, lê…) và 20% có tính axit (thịt động vật, đường tinh luyện, gạo, bột mì…); Các loại rau củ cố gắng ăn sống, đối với loại cần nấu chín thì cố gắng chọn rau quả được canh tác bằng phương pháp tự nhiên, không dùng chất kích thích, hữu cơ càng tốt. Ngủ đủ 8h mỗi ngày. Tập thể dục, vận động điều độ mỗi ngày 30 phút và đừng quên uống 8 – 10 ly nước/ ngày (Nên sử dụng nước lọc ion kiềm và tránh xa các loại nước ngọt có gas . trên thị trường có bán các loại máy lọc nước tạo độ kiềm tính cho nước ). Ngoài ra không để mình rơi vào trạng thái căng thẳng, bực tức hay buồn bã, phẫn nộ …vì những trạng thái tinh thần tiêu cực này cũng làm tăng nồng độ axit trong cơ thể, thay vào đó là sự tĩnh tâm, niềm vui, yêu thương và tha thứ.…
Hỏi: Bố tôi 70 tuổi, bị tiểu đường hơn 30 năm nay, tôi nghe nói dây thìa canh có tác dụng chữa tiểu đường. Mong được lương y tư vấn về cách dùng.
(Nguyễn Thị Hóa – Hà Nội)
Trả lời:
Dây thìa canh thích hợp dùng cho cả bệnh nhân đái tháo đường type 1 và 2, với tác dụng ổn định đường huyết, giảm lipid máu, rất có hiệu quả khi dùng phối hợp với các liệu pháp chữa bệnh đái tháo đường khác.
Cách dùng:
- Mỗi ngày dùng 30 - 50g dây thìa canh khô, đun sôi với 1,5 lít nước trong 15 phút, uống sau bữa ăn 15-20 phút, ngày 3 lần. Nước sắc dây thìa canh uống có mùi vị thơm ngon, dễ uống.
- Có thể dùng kết hợp dây thìa canh với cây Nở ngày đất (mỗi loại 30-50g sắc trong 2 lít nước) để tăng cường hiệu quả điều trị bệnh đái tháo đường (cây Nở ngày đất là loại thuốc quý mới được phát hiện và sử dụng ở Việt Nam, có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường, ổn định huyết áp, hỗ trợ điều trị bệnh gout và hạ mỡ máu...).
Dây thìa canh rất an toàn, dễ sử dụng. Rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường sử dụng cây thuốc này đều đáp ứng rất tốt và chưa thấy có trường hợp nào gặp phải các tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết phân biệt và tìm chọn đúng cây thuốc uống đúng cách, nên tốt nhất bạn nên đưa mẹ đến nhà thuốc đông y để được khám và cắt thuốc điều trị cho hiệu quả.
Hỏi: Bố tôi năm nay 77 tuổi, có tiền sử bị hen hơn 30 năm nay, dạo này bố tôi thấy khó thở nhiều và liên tục, dùng thuốc xịt cũng không có hiệu quả lắm. Bác sĩ có thể tư vấn giúp trường hợp của bố tôi được không?
(Trần Minh Thanh – Hải Phòng)
Tiến sĩ- lương y Phùng Tuấn Giang:
Bệnh nhân bị hen phế quản lâu năm nếu không điều trị và kiểm soát đúng cách sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt là dễ bị chuyển thành bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và tâm phế mạn.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh biểu hiện bởi sự giới hạn lưu lượng khí, sự giới hạn này không hồi phục hoàn toàn. Sự giới hạn lưu lượng khí thường xảy ra từ từ và phối hợp với môt sự đáp ứng viêm bất thường của phổi đối với các dị nguyên. Bao gồm viêm phế quản mạn, khí phế thũng và hen phế quản không hồi phục. Sự chẩn đoán Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính căn cứ vào triệu chứng ho, khạc đờm, khó thở và hay là có tiền sử tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, đặc biệt trên những người có tiền sử bệnh hen lâu năm.
- Tâm phế mạn là sự phì đại và hay là giãn thứ phát của tâm thất phải sau những rối loạn hay bệnh của hệ hô hấp, đặc biệt ở những bệnh nhân có tiền sử hen phế quản, COPD. Tăng áp phổi luôn luôn đi trước tâm phế mạn, trong đó có suy tim phải. Khi bị suy tim cũng có biểu hiện khó thở, tùy theo độ suy tim mà mức độ khó thở khác nhau.
Trường hợp bệnh nhân tuổi đã cao, lại có tiền sử hen phế quản lâu năm, hiện tại khó thở liên tục không đáp ứng với thuốc xịt rất có khả năng đã biến chứng thành bệnh COPD hoặc tâm phế mạn. Vì vậy, gia đình nên cho bệnh nhân đi kiểm tra thông khí cũng như khám chuyên khoa tim mạch để chẩn đoán xác định. Nếu muốn khám và điều trị bằng Nam y thì bệnh nhân cũng vẫn nên chụp chiếu và đánh giá đúng bệnh cảnh, để giúp thầy thuốc Nam y chẩn đoán và kê thuốc hiệu quả. Nam y thường chữa từ gốc, và có phương pháp tác động tổng thể, nên có thể phát huy tác dụng chậm nhưng rất bền vững. Gia đình bác nên cân nhắc để lựa chọn.
Hỏi: Chồng tôi 72 tuổi bị ung thư thực quản. Đã điều trị hoá và xạ trị, giờ di căn sang phổi, tôi không biết phải làm sao. Hy vọng chồng tôi có thể kéo dài sự sống nhờ y học cổ truyền. Xin thầy thuốc tư vấn.
(Lương Ngọc Lan – Hà Nam)
Trả lời:
Ung thư thực quản là khối u ác tính xuất phát từ thực quản. Đây là một trong những loại ung thư chiếm tỷ lệ lớn tại Việt Nam. Bệnh thường xảy ra ở những người thường xuyên dùng chất kích thích (rượu, thuốc lá, gia vị cay nóng…), ăn uống không điều độ, mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản, dị sản biểu mô trụ thực quản, có tiền sử xạ trị vùng ngực…
Bệnh nhân ung thư thực quản thường nhanh chóng bị suy kiệt bởi các nguyên nhân sau:
- Suy sụp về tâm lý: Bệnh nhân thường hoang mang, lo lắng, khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Điều này làm bệnh nhân không ăn ngủ được, cơ thể dần dần hao kiệt, sức đề kháng kém đi, càng khiến khối u hoành hành, nhiều trường hợp tử vong mà chưa kịp điều trị.
- Tình trạng bệnh lý tại thực quản: Người bệnh ung thư thực quản thường có dấu hiệu nuốt nghẹn, nuốt vướng do khối u phát triển trong lòng thực quản gây hẹp ống thực quản, co thắt, giảm nhu động thực quản. Triệu chứng này tăng dần từ cảm giác nuốt khó mơ hồ đến nuốt khó khi ăn đặc, khi kích thước khối u tăng dần việc uống lỏng cũng gặp nhiều khó khăn. Khi khối ung thư thực quản bị hoại tử sẽ gây đau đớn không thể nuốt được. Chính vì vậy, việc hạn chế ăn uống làm bệnh nhân ung thư ngày càng gầy mòn và suy kiệt. Bệnh nhân sẽ tử vong vì không đủ năng lượng cho hoạt động sống tối thiểu cũng như thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
- Sự ác tính của bệnh ung thư: Suy mòn do bệnh ung thư là một quá trình liên quan đến các năng lượng xấu từ khối u giải phóng ra và các quá trình đáp ứng miễn dịch của cơ thể chống lại khối u. Do sự thay đổi chuyển hóa các chất cơ bản: thay đổi sự chuyển hóa protein, carbohydrate và lipid gây ra sự tiêu giảm các khối cơ và mỡ trong cơ thể, khiến bệnh nhân sụt cân nhanh chóng.
Trường hợp của bệnh nhân bị ung thư thực quản, đã qua hóa trị, xạ trị, có di căn phổi cần phải điều trị bằng Nam y tích cực càng sớm càng tốt, nhằm mục tiêu: Cải thiện chức năng nuốt, giảm đau, tiêu u, hạn chế di căn, kéo dài cuộc sống. Hiện nay, việc điều trị ung thư thực quản bằng Nam y mang lại kết quả rất khả quan. Có nhiều trường hợp chữa thành công bằng liệu pháp này.
Nam y lấy chẩn đoán y học hiện đại làm chuẩn mực; dùng thất chẩn của Đông y (vọng, văn, vấn, thiết) kết hợp chẩn đoán hình ảnh của Tây y để xác định bát cương: biểu lý, hư thực, hàn nhiệt, âm dương; xác định được căn nguyên của quá trình ung thư, phân biệt mức độ nặng nhẹ, nông sâu của bệnh để chẩn đoán toàn diện về loại bệnh, giai đoạn, mức độ bệnh nhằm đưa ra phương pháp điều trị theo lý luận của Nam y.
- Dùng thuốc: Bài thuốc chữa ung thư được kê theo thể bệnh, mỗi bệnh nhân là một đơn thuốc riêng phù hợp với tình trạng cụ thể. Dùng thuốc nhỏ trực tiếp và thuốc bôi ngoài da vùng thực quản có khối u có tác dụng làm lành thương tổn, bổ sung năng lượng cho vùng cơ thực quản bị thiếu hụt do khối u, nhờ đó mà bệnh nhân tăng được khả năng nuốt.
- Châm cứu với mục đích lưu thông khí huyết điều động nguồn năng lượng nội sinh đến để tiêu u, cải thiện chức năng nuốt.
- Ăn tươi sống chống ung thư: Sử dụng các loại rau củ (rau húng quế, dưa leo, cà chua, ớt chuông Đà Lạt, rau diếp cá, bầu bí hấp tái), hạt (đậu các loại, hạnh nhân, óc chó) với nguyên tắc ăn sống, nhai kỹ, nuốt chậm để thay đổi nội môi chống và chữa các bệnh về chuyển hóa, ung thư, miễn dịch. Đối với những bệnh nhân có biểu hiện khó nuốt do co thắt thực quản và khối ung làm hẹp lòng thực quản có thể xay sinh tố các loại rau củ trên để uống từ từ.
Hỏi: Bố tôi bị tai biến mạch máu não 2 tháng nay rồi, hiện đã ra viện nhưng vẫn yếu nửa người bên phải, ở bệnh viện có dặn về phải tập luyện thêm cho ông. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi thêm về phương pháp tập.
(Liên Hoa – Lai Châu)
Trả lời:
Đối với bệnh nhân yếu nửa người do di chứng tai biến mạch máu não thì việc tập luyện phục hồi chức năng (PHCN) rất quan trọng. Tập PHCN theo nguyên tắc từ đơn giản đến phức tạp theo mức độ phục hồi của người bệnh. Nguyên tắc phục hồi của cơ liệt là cơ lớn và các cơ ở gốc chi phục hồi trước, các cơ ở ngọn chi phục hồi sau. Do đó, cần tác động đồng thời tất cả các nhóm cơ liệt, tập những động tác tinh vi sẽ giúp phục hồi các cơ nhỏ ở ngọn chi. Phương pháp tập như sau:
- Giúp người bệnh tập vận động thụ động và chủ động trong giới hạn sức khỏe cho phép. Không nên quá sức, tránh gây tổn thương và mệt mỏi cho bên liệt.
- Vận động sớm và đều đặn để tránh cứng khớp.
- Vận động cho cả 2 bên vì cơ thể là khối thống nhất cân xứng.
- Sử dụng một số phương tiện hỗ trợ như: Nẹp để tăng cường khớp gối, giầy và dây treo bàn chân bên liệt để tránh dáng đi “phạt cỏ” và xoay giạng khớp háng, bóng cao su và dây chun để tập động tác tay…
Người nhà có thể giúp bệnh nhân hoặc cần có sự trợ giúp của kỹ thuật viên PHCN là tốt nhất. Nên kết hợp với châm cứu, xoa bóp bấm huyệt và ngâm tắm, xông hơi dược liệu, massage trị liệu nhẹ nhàng.
Tại Nhà thuốc Thọ Xuân Đường chúng tôi hiện đang có gói dịch vụ Trị liệu xông ngâm, xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu rất hữu hiệu với bệnh nhân cần phục hồi chức năng.
Hỏi: Tôi được biết chế độ ăn uống có vai trò quan trọng để phòng ngừa bệnh sỏi thận – tiết niệu. Vậy mong chuyên gia tư vấn?
(Bác Nguyễn Đắc Thành – Thành phố Hồ Chí Minh)
Trả lời:
Đối với chế độ ăn phòng ngừa sỏi thận tiết niệu thì nguyên tắc đầu tiên phải đảm bảo bữa ăn đa dạng, trên 15 loại thực phẩm trong 8 nhóm thực phẩm trong một bữa ăn; Không lạm dụng đồ ăn chế biến sẵn như thịt hộp, thịt đỏ, quá nhiều chất béo; Không nên ăn mặn, dư thừa natri dễ gây tăng huyết áp, suy giảm chức năng thận, tạo nước tiểu khó hơn, dễ ứ đọng tạo sỏi thận; Nên hạn chế chất kích thích như trà, cà phê, rượu vì không tốt cho sức khỏe của thận; Không lạm dụng đường đơn, đường đôi vì hệ thống điều hòa đường huyết không tốt, rối loạn glucose… ảnh hưởng chức năng thận.
Trên thực tế, chế độ ăn đủ rau, hiện nay mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu về rau, do vậy cần ăn 400g rau/người/ngày thiên về xu hướng kiềm hơn để bớt lắng đọng, tạo sỏi thận; Uống đủ 400ml nước cho 10kg trọng lượng/ngày. Bên cạnh đó, cần thường xuyên vận động thể dục thể thao từ 30-45 phút/ngày và 5 ngày/tuần, và uống nhiều nước nhằm giảm cơ hội lắng đọng chất khoáng tạo sỏi thận. Nếu đã bị sỏi thận nên hạn chế cua, trứng gà.
Chúc bác có một chế độ ăn uống phù hợp và khoa học để đẩy lùi được bệnh tật.
Hỏi: Chào bác sĩ. Tôi 60 tuổi, đã bị mất ngủ mãn tính 3 năm nay. Mỗi đêm rất khó đi vào giấc ngủ, ngủ được 1 – 2 giờ lại tỉnh, sáng tỉnh sớm khó ngủ tiếp. Bác sĩ cho tôi hỏi có cách nào giúp tôi ngủ ngon hơn không?
(Bác Trần Thanh – Quảng Nam)
Trả lời:
Chào bác, theo những gì bác chia sẻ, bác đã mắc chứng rối loạn giấc ngủ. Có nhiều nguyên do dẫn đến rối loạn giấc ngủ ở người lớn tuổi, trong đó có thể kể đến:
– Dùng chất gây hưng phấn trước khi ngủ: cafe, cồn, thuốc lá, nước uống có ga, trà,… ăn quá gần giờ đi ngủ hoặc ăn nhiều vào buổi tối
– Do bệnh lý: Tình trạng đau khớp hoặc cột sống mãn tính, dị ứng đêm, khó thở khi ngủ, co giật chân, chuột rút, rối loạn nhịp tim, suy tim, trào ngược thực quản, tiểu đêm, cường tuyến giáp trạng,…
– Một số loại thuốc điều trị cao huyết áp, điều trị trầm cảm, hen suyễn có tác dụng phụ làm mất ngủ.
– Ngủ bù vào buổi trưa chiều làm khó ngủ ban đêm
– Ngoài ra hội chứng pha ngủ đến muộn (khó đi vào giấc ngủ) cũng là nguyên nhân thường xuyên gây mất ngủ ở tuổi già
Điều trị rối loạn giấc ngủ
Để cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ, tốt nhất người bệnh nên đến khám ở các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và lên phác đồ điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, người mắc chứng rối loạn giấc ngủ cũng có thể áp dụng một số phương pháp để có giấc ngủ sâu hơn như:
– Rèn luyện các hoạt động thể chất thường xuyên, cân bằng giữa hoạt động trí óc và thể chất.
– Ngủ trong môi trường tuyệt đối yên tĩnh, không có ánh sáng.
– Tập thể dục nhẹ nhàng, tránh hoạt động thể chất mạnh ban đêm (chạy bộ), tránh tiếp xúc ánh sáng của tivi điện thoại. Không ngủ bù quá 30 phút vào buổi trưa chiều
– Chủ động thư giãn, không suy nghĩ miên man, tập trung vào nhịp thở để tự gây ức chế vỏ não từ đó dễ đi vào giấc ngủ.
– Điều trị các bệnh khác như: đau nhức, dị ứng, bệnh tim mạch…
– Tham khảo, sử dụng các loại thuốc an thần dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa.
Hỏi: Xin tiến sĩ – lương y tư vấn giúp tôi phương pháp tập luyện để nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi?
(Nguyễn Mạnh Thắng – Gia Lai)
Trả lời:
Theo đông nam dược, khi âm dương mất thăng bằng thì bệnh tật phát sinh. Để có sức khỏe tốt cần phải cân bằng âm dương. Tập luyện khí công dưỡng sinh sẽ giúp điều tiết âm dương thông qua điều tiết khí huyết, kinh lạc, tạng phủ.
Dưới đây là một số phương pháp tập luyện giúp nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi:
- Tập thể dục thể thao: Lựa chọn môn thể thao phù hợp với khả năng và tình trạng sức khỏe của mình. Những lựa chọn như đi bộ, vẩy tay, đạp xe, thái cực quyền, yoga… rất thích hợp cho người cao tuổi. Bác có thể tự luyện tập hoặc tốt nhất là tham gia những lớp học, những câu lạc bộ để có môi trường tập luyện tốt nhất.
- Tập thiền, tập thở: Mỗi ngày nên dành 20 – 30 phút để ngồi thiền với tâm thư giãn. Tập thở cũng là pháp dưỡng sinh mang đến nhiều lợi ích, biến năng lượng tự nhiên thành năng lượng sinh học để chống lại bệnh tật, tập hít sâu, thở ra từ từ, tưởng tượng có nguồn năng lượng từ trên đỉnh đầu chạy dọc xuống 2 mạch Nhâm, Đốc trở về Đan điền mỗi khi hít sâu. Mỗi ngày tập thở 20 - 30 phút.
Tự làm những công việc chân tay nhẹ nhàng như quét nhà, lau chùi đồ đạc, tưới cây, nấu ăn, chăm sóc thú nuôi… cũng là một cách hoạt động thể lực.
Tình Vũ