ĐIỀU TRỊ BỆNH XƠ CỨNG BÌ BẰNG PHƯƠNG PHÁP MAI HOA CHÂM
Bài đăng Báo Sức khỏe cộng đồng số 04 (54) ngày 20/03/2019
Gõ mai hoa châm là phương pháp dùng một chùm kim nhỏ cắm vào đầu cán gỗ để gõ trên mặt da. Với một số căn bệnh ví dụ như xơ cứng bì, phương pháp này cho thấy hiệu quả trong điều trị.
Phương pháp mai hoa châm đặc biệt thích hợp với các bệnh như: Suy nhược thần kinh, nhức đầu, mất ngủ, đau thần kinh liên sườn, liệt dây thần kinh VII, đau dạ dày tá tràng, rối loạn tiêu hóa, thống kinh, đái dầm, sạm da, mẩn ngứa, viêm da, xơ cứng bì (gõ lên da rồi bôi thuốc)...
Lịch sử phát triển của mai hoa châm
Mai hoa châm là một hình thức phát triển của châm cứu. Theo Hoàng đế nội kinh (Linh khu - Quan kim) có ghi lại một số phương pháp kích thích nhẹ trên da như:
- Bán thích: Châm kim nông vào da rồi rút ngay, không châm sâu đến cơ nhục, cảm giác chỉ như dứt một sợi tóc.
- Bán văn thích: Châm nông vào da tại 4 điểm xung quanh chỗ đau hoặc vùng bị bệnh (trên, dưới, trái, phải).
- Dương thích: Châm như bán văn thích nhưng châm nông thêm một điểm ở chính giữa.
Dựa vào cách châm nông nhiều điểm tại chỗ đau như trên, hậu thế dùng chùm kim (5 - 7 chiếc) bó lại buộc vào đầu cán gỗ và châm nông hoặc gõ nhẹ trên mặt da.
Kim hoa mai ngày nay được cải tiến hơn, người ta có thể làm chùm kim chụm lại hoặc xòe như hoa sen.
Cách làm mai hoa châm đơn giản
Dùng 5 - 7 chiếc kim nhỏ làm bằng chất liệu không gỉ (thường là hợp kim hoặc bạc), mũi kim không quá sắc nhọn, dài khoảng 2cm, bó lại sao cho các đầu kim nằm trên một mặt phẳng, cắm chặt vuông góc với đầu thanh gỗ (hoặc tre) dài khoảng 25 - 30cm, bó kim cách đầu cán khoảng 1cm.
Cách dùng mai hoa châm
Ngón tay cái và giữa cầm chặt tại 1/3 trên cán kim; ngón áp út và ngón út đỡ thân cán vào lòng bàn tay; ngón trỏ duỗi, đặt lên cán kim. Động tác gõ chủ yếu là cử động nhẹ nhàng cổ tay, gõ sao cho trục bó kim vuông góc với mặt phẳng da.
Cơ sở lý luận của gõ mai hoa châm
Đông y quan niệm rằng da là một phần của hệ thống kinh lạc, da được chia thành 12 vùng có liên quan đến 12 đường kinh.
Các kinh mạch không chạy trên mặt da, nhưng lạc mạch của chúng được phân bố khắp bề mặt da, mỗi đường kinh có vùng ảnh hưởng trên da riêng, 12 đường kinh có 12 bì bộ (vùng da). Mỗi vùng da đều có liên quan đến kinh mạch, tạng phủ quan hệ với nó.
Tà khí xâm phạm vào da, sau đó mới theo kinh lạc vào tạng phủ. Mặt khác, bệnh tật từ bên trong tạng phủ phát sinh theo kinh lạc đi ra ngoài da, biểu hiện bằng những phản ứng trên da như: Điểm đau, mẩn ngứa, da đổi màu... Nhờ sự liên quan mật thiết giữa da, kinh lạc và tạng phủ mà bệnh tật được truyền từ da qua kinh mạch vào tạng phủ và ngược lại từ tạng phủ qua kinh mạch ra ngoài da.
Gõ mai hoa châm trên da có tác dụng điều hòa dinh vệ, khí huyết; giúp cân bằng âm dương, tăng sức đề kháng của cơ thể giúp phòng chống bệnh tật.
Thủ thuật gõ mai hoa châm
Có 3 cách gõ (theo cường độ): gõ nhẹ, gõ vừa, gõ mạnh:
- Gõ nhẹ: Là gõ nhẹ nhàng trên bề mặt da hoàn toàn không đau. Người bệnh cảm thấy thoải mái và dễ chịu. Có tác dụng bổ ích, tăng cường sức khỏe, dùng để trị các chứng hư hàn.
- Gõ vừa: gõ vừa sức không nhẹ không mạnh, có tác dụng bình bổ bình tả. Cách gõ vừa thường dùng để trị các chứng bán biểu bán lý, không hư, không thực.
- Gõ mạnh: Sức gõ của cổ tay mạnh hơn so với gõ vừa, tuy nhiên bệnh nhân vẫn chịu đựng được. Gõ mạnh có tác dụng tả, thường dùng trong các chứng thực nhiệt.
Một số cách gõ khác:
- Gõ trực tiếp vào huyệt theo phương huyệt có tác dụng điều trị các bệnh như hào châm.
- Gõ vào một đoạn đường kinh có quan hệ với vùng hoặc tạng phủ bị bệnh theo lí luận y học cổ truyền có thể gõ trên bản kinh, kinh biểu lý, tương sinh, tương khắc.
Tai biến và xử trí
- Điều trị bằng mai hoa châm rất an toàn, đôi khi cũng có trường hợp bị vựng châm (say kim), là khi người bệnh quá suy nhược hoặc thần kinh quá mẫn cảm, suy tim, quá no hoặc quá đói.
- Xử trí: Dừng thủ thuật gõ mai hoa châm lại, cho bệnh nhân nằm nghỉ, uống trà gừng đường nóng.
- Trong trường hợp vùng da (để gõ) của người bệnh quá bẩn không đảm bảo vệ sinh phải làm sạch da, sau đó mới gõ.
Lưu ý
- Thường xuyên kiểm tra các mũi kim xem có bị cong, móc, gỉ hay không.
- Lúc gõ mai hoa châm cần có sự phối hợp giữa bệnh nhân và thầy thuốc, thầy thuốc luôn phải hỏi cảm giác đau của bệnh nhân.
- Không được gõ mai hoa châm lên vùng da có vết thương hở, lở loét.
- Trước khi gõ phải khử trùng kim (sấy hoặc ngâm cồn), sát trùng chỗ da trước và sau khi gõ.
Bác sĩ Nguyễn Thùy Ngân