LIÊN QUAN GIỮA BÉO PHÌ, ĐỀ KHÁNG INSULINE VÀ BIẾN CHỨNG MẠCH MÁU
Trên bệnh nhân đái tháo đường type 2 thường có kèm theo các rối loạn chuyển hóa, đặc biệt là rối loạn chuyển hóa Lipid. Đường huyết tăng cao, tăng Lipid máu là nguyên nhân chính dẫn đến biến chứng mạch máu trên bệnh nhân đái tháo đường.
Các nghiên cứu cho thấy tổ chức mỡ đóng vai trò như một cơ quan nội tiết do nó có khả năng tiết ra rất nhiều các chất trung gian hóa học khác nhau. Mặt khác do rối loạn quá trình chuyển hóa Lipid, các đại thực bào sẽ bị phá hủy do hấp thụ quá nhiều Lipid và sản sinh ra các Cytokin. Các yếu tố viêm này tác động đến các cơ quan như gan, cơ vân, thành mạch gây đề kháng insuline, xơ vữa động mạch. Một số chất chính như sau:
- Leptin: Đây là một Adipokine, được tiết ra bởi tế bào mỡ, có vai trò quan trọng trong điều hòa chuyển hóa năng lượng, đặc biệt liên quan tới cảm giác thèm ăn. Mặc dù cơ chế tác dụng chính của Leptin là lên thần kinh trung ương, nhưng nó có liên quan tới quá trình viêm trong béo phì do cấu trúc tương tự Cytokin khác. Người ta cũng quan sát thấy quá trình viêm tăng lên khi có tăng Leptin máu. Có thể là do Leptin kiểm soát quá trình sản suất TNF α của đại thực bào.
- Resistin: Hay còn gọi là FIZZ3 (Found in inflammatory zones), tìm thấy trên động vật béo phì, và lượng Resistin giảm đi khi điều trị bằng Thiazolidinediones (thuốc hạ đường huyết). Resistin đóng vai trò quan trọng trong béo phì và đề kháng insuline, làm giảm dung nạp Glucose, tăng tân tạo Glucose ở gan và đối kháng với tác dụng bảo vệ của Adiponectin.
- Adiponectin: Là Protein được tiết bởi tế bào mỡ, có tác dụng đốt cháy chất béo trong cơ thể. Adiponectin đóng vai trò chống xơ vữa mạch máu và giảm đề kháng insuline. Adiponectin giảm trong bệnh nhân béo phì, đái tháo đường type 2 và mắc bệnh mạch vành. Nồng độ Adiponectin có tương quan chặt chẽ với độ nhảy cảm insuline, do kích hoạt con đường chuyển hóa Glucose qua AMPK (AMP activated protein kinase), làm giảm tân tạo Glucose ở gan khi làm giảm hoạt động của mRNA của Phosphoenol pyruvate carboxykinase và Glucose-6-Phosphatase (đó là 2 Enzyme chính để tân tạo Glucose).
- TNF - α (Tumor necrosis factor α): Đây là Cytokin tiền viêm do nhiều loại tế bào tiết ra, nhưng chủ yếu là đại thực bào và Lympho bào. TNF - α đóng vai trò chủ yếu trong đề kháng insuline thông qua quá trình Phosphoryl hóa của insuline Receptor substrate-1 (IRS-1) Protein, ngăn cản tương tác với tiểu phần β của Receptor insuline, ngăn cản con đường truyền tín hiệu của insuline. Mô mỡ không trực tiếp sản xuất TNF- α, nhưng có thể ảnh hưởng đến nồng độ TNF-α thông qua tác dụng của Leptin hoặc các Adipokine khác lên đại thực bào. TNF- α còn là tác nhân gây chết tế bào theo chương trình.
- IL-6 (Interleukin - 6): Được sản xuất bởi nhiều loại tế bào trong đó có tổ chức mỡ. Khoảng 15 – 30% lượng IL-6 lưu hành là được sản xuất từ tổ chức mỡ, phần lớn từ tổ chức mỡ nội tạng hơn là tổ chức mỡ dưới da. Một trong những tác dụng chính của IL-6 tác động lên sản xuất CRP của gan, yếu tố nguy cơ độc lập của các biến chứng tim mạch. IL-6 còn tác động con đường truyền tín hiệu của insuline dẫn đến làm suy yếu tác dụng sinh học của insuline.
- CRP (C-reactive protein): Là Protein viêm không đặc hiệu, được sản xuất từ gan, được kích thích tiết ra bởi các quá trình viêm, thông qua tăng sản xuất các Cytokin của các tổ chức viêm. Đến lượt nó, CRP lại kích hoạt các quá trình viêm, kích hoạt hệ Renin-Angiotensin-Aldosteron, quá trình stress, Oxy hóa. Các quá trình này gây các biến đổi trên thành mạch và gây các biến chứng mạch máu.
Các yếu tố viêm như TNF α, IL-6, CRP... đã phần nào giải thích được cơ chế liên quan giữa béo phì, tình trạng đề kháng insuline và các biến chứng mạch máu trên bệnh nhân tiểu đường.
Mối liên quan giữa sự đề kháng insulin, các yếu tố viêm và tình trạng béo phì
Kiểm soát cân nặng bằng cách ăn uống điều độ, tập luyện thể dục thể thao sẽ giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Tiến sĩ – Lương y: Phùng Tuấn Giang (Thọ Xuân Đường)
Quý vị cần tư vấn về sức khỏe vui lòng liên hệ nhà thuốc, các bác sĩ sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc về bệnh, thuốc và quy trình khám chữa bệnh!
Hotline: 0943 406 995 hoặc 0937 63 8282