CÁC PHƯƠNG PHÁP CẬN LÂM SÀNG CHẨN ĐOÁN U TUYẾN GIÁP
U tuyến giáp là bệnh lý khá thường gặp hiện nay, khái niệm u tuyến giáp bao gồm cả bướu nhân, bướu hỗn hợp, u nang tuyến giáp. Tỉ lệ mặc bệnh này ở Việt Nam khá cao, khoảng 4-7% dân số trong đó nữ mắc bệnh nhiều hơn nam. Vậy để chẩn đoán u tuyến giáp thì phải làm như thế nào? Cùng tìm hiểu các phương pháp cận lâm sàng giúp chẩn đoán căn bệnh này.
1. Siêu âm tuyến giáp
Siêu âm là cận lâm sàng được chỉ định rộng rãi cho tất cả các bệnh nhân đến khám u tuyến giáp. Có thể tiến hành mọi thời điểm một cách dễ dàng.
- Ưu điểm:
Siêu âm độ phân giải cao có giá trị phát hiện chính xác số lượng u tuyến giáp, kể cả những u nhỏ KT#2-3mm mà không thể nhìn hay sờ thấy được trên lâm sàng.
Siêu âm cho biết tính chất của u tuyến giáp: như mật độ, tính chất khối u( đặc, dịch, hỗn hợp), cho biết mức độ xâm lấn của khối u, hình thái, kích thước, tăng sinh mạch máu hay các đặc điểm giúp gợi ý ác tính như nốt vôi hóa, vi vôi hóa…
Siêu âm rẻ tiền, dễ thực hiện
Siêu âm không gây hại cho sức khỏe, có thể thực hiện nhiều lần
Siêu âm giúp kĩ thuật sinh thiết bằng kim nhỏ chính xác hơn
- Nhược điểm: Không chẩn đoán chính xác được u tuyến giáp lành hay ác tính
2. Xạ hình tuyến giáp
Phương pháp này thường được chỉ định khi bệnh nhân có u tuyến giáp(phát hiện bằng siêu âm) mà TSH thấp. Phương pháp này sử dụng Iod123 hoặc IOd 131 hoặc Tc-99m.
Kết quả xạ hình cho biết u tuyến giáp thuộc 1 trong 3 loại sau:
Nhân nóng: có đặc điểm tăng bắt chất phóng xạ, gặp ở 10% u giáp đặc, đa phần lành tính
Nhân lạnh: giảm khả nắng bắt chất phóng xạ, nguy cơ ác tính cao 10-15%
Nhân ấm: bắt chất phóng xạ tương đương các mô xung quanh
- Ưu điểm
Giúp chẩn u giáp đơn nhân trên lâm sàng có thực sự là đơn nhân hay đa nhân
Nếu kết quả là nhân nóng giúp bệnh nhân không cần thực hiện sinh thiết
- Nhược điểm
Không đánh giá chính xác kích thước u tuyến giáp
Có thể gây các tác dụng phụ do sử dụng chất phóng xạ
3. Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (sinh thiết)
Kĩ thuật này đang được sử dụng khá rộng rãi hiện nay. Chọc hút bằng kim nhỏ G25 –G27 gắn với bơm kim tiêm 10-15ml, thông thường sẽ chọc 2-4 lần. Thường được thực hiện nhờ sự hướng dẫn của siêu âm đem lại độ chính xác cao hơn. Kết quả có 4 dạng
Ác tính: Chiếm 4-5%. Có 4 thể là ung thư thể nhú(80%), ung thư thể nang, ung thư thể tủy và ung thư thể không biệt hóa.
Lành tính: Chiếm khoảng 69-74% với các dạng như bướu keo, viêm tuyến giáp Hashimoto, viêm tuyến giáp bán cấp, nang tuyến giáp.
Nghi ngờ (không xác định): Quá sản nang, quá sản tế bào Hurthle, và các kết quả khác nghi ngờ (nhưng không khẳng định) ung thư.
Không xác định: Hoặc chỉ thấy tế bào bọt (Foam cell), hoặc chỉ thấy dịch nang, hoặc có quá ít tế bào, hoặc quá nhiều hồng cầu hoặc làm khô quá mạnh. Những trường hợp này nên chọc hút tế bào lại dưới hướng dẫn của siêu âm.
- Ưu điểm:
Là phương pháp được tin tưởng nhất trong việc chẩn đoán u giáp lành tính và ác tính, độ chính xác khoảng 80-95%
Dễ thực hiện, hiếm gặp biến chứng
Giá thành không quá cao
- Nhược điểm:
Độ chính xác của kết quả tùy thuộc nhiều yếu tố như trình độ kĩ thuật viên chọc sinh thiết, bác sĩ đọc kết quả giải phẫu bệnh, phương tiện chuyên môn.
Đau tại chỗ
4. Các cận lâm sàng khác
U tuyến giáp còn được chuẩn đoán dựa theo 1 số cận lâm sàng dưới đây
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm nồng độ hoocmon tuyến giáp FT4, FT3, T3, T4 và hoocmon TSH
Dấu ấn ung thư tuyến giáp TG
Chụp CT hoặc MRI: ít được thực hiện do giá thành cao, không chẩn đoán chính xác nhân lành hay ác
Thường được chỉ định khi u tuyến giáp nằm sau xương ức, chụp CT/ MRI giúp xác định mức độ lan tỏa và chèn ép khí quản của u tuyến giáp
Chụp PET: hiếm làm vì giá thành quá cao, kĩ thuật phức tạp.