NGƯỜI BỊ BỆNH XƠ CỨNG BÌ CẦN CHÚ Ý NHỮNG ĐIỀU GÌ?
Bệnh xơ cứng bì thuộc nhóm bệnh tự miễn, đặc trưng bởi sự tăng sinh và lắng đọng các chất tạo keo ở da gây dày và cứng da, lâu dần còn ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể như ống tiêu hóa, tim, phổi, thận và mạch máu. Vì vậy, người bị xơ cứng bì cần chú ý những điều gì để hạn chế tình trạng biến chứng nguy hiểm của bệnh, hãy cùng Nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu nhé!
1.Bệnh xơ cứng bì là gì?
Bệnh xơ cứng bì ( Scleroderma ) là một trong những bệnh thuộc nhóm bệnh tự miễn, đặc trưng bởi sự tăng sinh và lắng đọng các chất tạo keo ở da, thành mạch máu và nhiều cơ quan khác trong cơ thể như: ống tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu, hô hấp. Hậu quả của sự lắng đọng này sẽ gây dày cứng da, tổn thương và suy giảm chức năng của các nội tạng.
2. Phân loại thể bệnh
- Xơ cứng bì khu trú: tổn thương da khu trú ở mặt và ngọn chi, tiến triển chậm và ít có tổn thương nội tạng nặng, biến chứng nguy hiểm nhất là tăng áp động mạch phổi và xơ đường mật.
- Xơ cứng bì hệ thống: tổn thương da trên diện rộng ở mặt, gốc chi và thân mình, kèm theo có tổn thương ở đường tiêu hoá, tim, thận và phổi.
3.Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh
Mặc dù các nhà khoa học chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh của xơ cứng bì nhưng có thể khẳng định rằng đây không phải là một bệnh lây nhiễm hoặc di truyền từ bố mẹ sang con cái. Người ta nghi ngờ rằng bệnh xơ cứng bì gây ra do sự phối hợp của nhiều yếu tố:
- Cấu trúc gen: Một số gen có vai trò quan trọng trong sự phát sinh và tiến triển của bệnh xơ cứng bì.
- Hoạt tính bất thường của hệ miễn dịch: Trong xơ cứng bì, hệ miễn dịch kích thích các tế bào xơ non sản xuất ra quá nhiều chất tạo keo, các chất này lắng đọng xung quanh các tế bào, mạch máu, nội tạng và gây tổn thương xơ hoá tại nơi lắng đọng.
- Các kích thích trong môi trường: Việc tiếp xúc với virus (Cytomegalovirus, Human herpesvirus 5, …), chất phóng xạ, dung môi (Nhựa epoxy, benzen, cacbon tetraclorua) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ cứng bì.
- Yếu tố nội tiết: Trong nhóm tuổi từ 30-55, tỷ lệ xơ cứng bì ở nữ giới cao hơn ở nam giới 7-12 lần, do đó người ta nói đến vai trò của các hormon sinh dục nữ, đặc biệt là estrogen, trong sự phát sinh của bệnh xơ cứng bì.
4. Triệu chứng
Biểu hiện bệnh của xơ cứng bì rất đa dạng, phức tạp dưới đây là những triệu chứng lâm sàng hay gặp trong bệnh xơ cứng bì:
- Mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ, sút cân.
- Tím buốt đầu chi và cơ khớp nhức mỏi khoảng vài tuần đến vài tháng trước khi bệnh đủ triệu chứng.
- Tổn thương da thì tiến triển gồm: Phù, cứng, teo da và mất nếp nhăn. Da dày cứng căng ra không có nếp nhăn khiến khuôn mặt vô cảm, khó há miệng, khó ăn uống, ở khớp khiến hạn chế vận động, có đám rối loạn sắc tố, rối loạn canxi, da khô ngứa.
- Bệnh nhân có khô mắt khô miệng, sưng đau khớp lớn và vừa, loét hoại tử đầu chi và răng miệng.
- Hiện tượng Raynaud: Xảy ra nhanh trong vài phút ở các ngón tay làm đầu ngón trắng bệch, lạnh và giảm cảm giác.Vùng chi tím lại, đau, bàn tay hồng lại và nóng hơn do giãn mao quản, cuối cùng bàn tay luôn lạnh, tím, giảm cảm giác, có thể hoại tử đầu chi.
- Giai đoạn sau các triệu chứng nặng nề hơn, dẫn đến nuốt nghẹn, không co duỗi hay gập được tay chân, da bụng có thể cứng không gập được, khó thở do tổn thương phổi, tổn thương tim gây viêm màng tim, tràn dịch màng tim,…
5. Những chú ý trong điều trị bệnh xơ cứng bì
Hiện nay, điều trị xơ cứng bì vẫn là một thách thức lớn đối với y học do sự phức tạp, đa dạng về triệu chứng và hiệu quả không rõ rệt của các thuốc kiểm soát bệnh. Vì vậy, điều trị triệu chứng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với xơ cứng bì.
- Do da khô và hay bị ngứa nên người bệnh xơ cứng bì cần tránh tắm nhiều và nên dùng các loại kem dưỡng da, làm ẩm da. Với chứng co thắt mạch đầu chi, người bệnh phải lưu ý giữ ấm, đặc biệt 2 bàn tay, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, dùng các thuốc giãn mạch như nifedipine, prazosin, nitroglycerin.
- Khi có loét đầu chi, cần vô trùng tốt vùng tổn thương để tránh bị nhiễm trùng. Biểu hiện sưng đau khớp thường đáp ứng tốt với các thuốc chống viêm giảm đau hoặc corticoid liều thấp.
- Những bệnh nhân có trào ngược thực quản nên được dùng các thuốc ức chế tiết dịch vị như omeprazole và tránh sử dụng các thuốc gây hại cho dạ dày.
- Triệu chứng do tổn thương các nội tạng như suy tim, rối loạn nhịp tim, xơ phổi, cao huyết áp, suy thận cũng được điều trị giống như trong các bệnh lý khác.
6. Chú ý đến chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hàng ngày
Chế độ sinh hoạt hàng ngày:
- Tránh lạnh: Giữ ấm cơ thể, hạn chế dùng nước và ra ngoài vào mùa lạnh. Bệnh nhân nên sử dụng găng tay, tất chân, mặc ấm. Hạn chế thay đổi nhiệt độ đột ngột.
- Hạn chế cảm xúc: Người bệnh cố gắng giữ cho tinh thần thoải mái. Nếu tình trạng da căng cứng gây ngứa, khó chịu, mất ngủ, bệnh nhân có thể sử dụng thêm kem dưỡng ẩm làm dịu da.
- Tránh chấn thương, môi trường ô nhiễm: Người bệnh nên sống trong môi trường sống an toàn, không lao động nặng, tránh các công việc có thể gây chấn thương ngoài da
- Bỏ thuốc lá, không sử dụng chất kích thích như rượu bia, cafe để ngăn chặn những tác động xấu đến phổi và mạch máu. Chẳng hạn như viêm phổi mạn, xơ vữa mạch máu.
- Tập thể dục hàng ngày, tập thở để cải thiện sự thông khí của phổi.
- Xoa bóp, phục hồi chức năng các cơ quan bằng cách: tắm nước ấm, chườm ấm. Biện pháp này còn giúp hạn chế teo cơ, xơ cứng mạch máu.
- Bảo vệ làn da bằng kem dưỡng và kem chống nắng. Tránh việc tắm nước quá nóng hoặc sử dụng các loại xà phòng mạnh.
Chế độ dinh dưỡng:
Khi bị bệnh xơ cứng bì, người bệnh cần lưu ý đến vấn đề thực phẩm tiêu thụ hàng ngày và chế độ dinh dưỡng của mình.
Người bệnh nên ăn các loại thực phẩm sau:
- Thực phẩm giàu Omega-3: Quả bơ, cá hồi, vừng đen, cá thu, các loại đậu, dầu hướng dương, gan cá,…
- Thực phẩm chứa chất Nitric oxit: Các thực phẩm chứa nhiều nitrit oxit sẽ giúp máu ổn định tại các mô tế bào, giúp cải thiện tình trạng xơ cứng biểu bì. Một số thực phẩm chứa nhiều nitric oxit là cá ngừ, cá hồi, đậu nành, cá thu, yến mạch, hạnh nhân,…
- Thực phẩm chứa nhiều Bacoside A: Hoạt chất này thường có trong rau má, giúp kích thích các mô tự sản xuất nitric oxit. Nhờ đó, các tiểu động mạch và mao mạch giản nở hơn, máu lưu thông đến các mô nhiều hơn và ổn định hơn.
- Người bệnh xơ cứng bì có có thể tiêu thụ rau má bằng cách uống nước sinh tố, ăn món canh hoặc đắp phần bã xay rau má ở vùng da bị xơ cứng để cải thiện tình trạng này.
- Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất: trái cây tươi, các loại nấm, các loại đậu, các loại rau củ tươi, rau xanh,…
Người bệnh xơ cứng bì không nên tiêu thụ các loại thực phẩm, thức ăn sau:
- Thức ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp.
- Món ăn chiên, nướng xào, nhiều dầu mỡ.
- Thức ăn chứa nhiều tiêu ớt, cay nóng;
- Các loại đồ uống chứa nhiều đường, thức uống chứa cồn như bia, rượu.
Bệnh nhân mắc xơ cứng bì phải xác định là sống cả đời với bệnh. Vì thế, bệnh nhân cần hiểu rõ bệnh và chú ý các phương pháp điều trị, thay đổi lối sống sinh hoạt, dinh dưỡng cho phù hợp. Từ đó, triệu chứng bệnh xơ cứng bì sẽ giảm bớt và đỡ khó chịu cho người bệnh.
BS Thu Thủy
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Số 5 - 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943986986 - 0937638282