CÁC BỆNH VIÊM TUYẾN GIÁP
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết lớn nhất của cơ thể, giữ nhiều chức năng quan trọng. Có nhiều bệnh liên quan đến tuyến giáp thường gặp như bướu cổ, u tuyến giáp, ung thư tuyến giáp, cường giáp, suy giáp. Khái niệm viêm tuyến giáp còn rất xa lạ với nhiều người. Cùng nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu về các bệnh viêm tuyến giáp thường gặp.
1. Viêm tuyến giáp cấp
- Dịch tễ học: Bệnh ít gặp, xảy ra do nhiễm trùng tuyến giáp, với vi khuẩn như: tụ cầu vàng, liên cầu, E.Coli, vi khuẩn kỵ khí, samonella... có khi với cả BK, với nấm như actinomyces, cá biệt với ký sinh trùng như Echinococcus.
- Lâm sàng: Trường hợp do vi trùng thường, gây hội chứng nhiễm trùng, tại giáp có biểu hiện như một abces với nóng, đỏ, sưng, đau, đau có thể lan lên tai, chẩm, hàm.
- Cận lâm sàng: Công thức máu có bạch cầu tăng cao, đa nhân chiếm ưu thế. Siêu âm giáp thấy vùng giảm âm (hypoechogene). Xạ hình giáp thấy vùng không bắt giữ iode. Chọc dò thấy mủ. T3,T4,TSH bình thường, không có kháng thể.
2. Viêm tuyến giáp bán cấp (De Quervain hoặc Crile)
- Nguyên nhân do virus như virus quai bị, Coxsacki, E.C.H.O, adenovirus. Bệnh thường xảy ra trên người có HLA BW 35.
- Lâm sàng: Thường có triệu chứng cảm cúm trước đó. Chẩn đoán dựa trên các triệu chứng đau từ giáp lan ra, tuyến giáp lớn, ban đầu một bên sau đó lan ra toàn giáp, sờ thấy mật độ tuyến giáp chắc, đau, hạch không lớn. Toàn thân có sốt nhẹ, đau cơ, suy nhược. Có 1/2 số trường hợp có biểu hiện nhiễm độc giáp.
- Cận lâm sàng: Hội chứng viêm khi xét nghiệm, với VS tăng, bạch cầu bình thường hoặc tăng nhẹ. Xạ hình thấy giảm hoặc mất tập trung iode. Hormone giáp bình thường hoặc tăng nhẹ (phóng thích do mô giáp bị huỷ hoại). TSH bình thường hoặc thấp. Không có kháng thể.
- Tiến triển: Thường lui bệnh tự nhiên sau 6 tuần, có khi lâu hơn. Cũng có trường hợp gặp suy giáp thoáng qua.
3. Viêm tuyến giáp không đau (viêm tuyến giáp im lặng)
- Dịch tễ học: Khá thường gặp, nhất là ở phụ nữ sau sinh (5-7% các trường hợp thai nghén).
- Lâm sàng: Bướu giáp chắc, không đau. Dấu nhiễm độc giáp vừa, không có lồi mắt.
- Cận lâm sàng: VS bình thường hoặc tăng nhẹ. Hiện diện kháng thể kháng giáp với chuẩn độ thấp. Hormone giáp tăng, TSH giảm. Xạ hình giáp không bắt giữ iode.
- Tiến triển: Lành tự nhiên sau 2-4 tháng, ít khi chậm hơn. Suy giáp thoáng qua khá thường gặp. Có thể tái phát một nhiễm độc giáp rất lâu sau đó. Bướu giáp có thể tồn tại lâu dài.
- Ghi chú: Viêm tuyến giáp không đau rất giống với viêm tuyến giáp bán cấp, chỉ khác nhau triệu chứng đau, một điểm khác nữa viêm tuyến giáp im lặng là tự miễn bệnh. Lạm dụng idoe có thể gây biểu hiện tương tự, phân biệt dựa vào iode máu, iode niệu bình thường trong viêm giáp im lặng.
4. Viêm tuyến giáp lympho (Hashimoto)
Là bệnh tự miễn, trên các đối tượng thuộc nhóm HLA B8 DR3. Thâm nhiễm giáp với lympho và tương bào, với những nang giáp bị phá huỷ bên cạnh những nang giáp tăng sản. Diễn tiến mạn tính có thể dẫn đến suy giáp.
- Lâm sàng: Bướu giáp lớn lan toả, mật độ chắc, giới hạn rõ, không đau, hạch lân cận không lớn. Biểu hiện bình giáp, có khi nhanh chóng dẫn đến suy giáp (suy giáp ở người trưởng thành + bướu giáp lớn = Hashimoto). Có khi biểu hiện nhiễm độc giáp thoáng qua.
- Cận lâm sàng: Hiện diện kháng thể kháng thyroglobuline, kháng thể kháng microsome tuyến giáp, kháng thể kháng peroxydase. Định lượng hormone giáp bình thường hoặc thấp với TSH tăng. Rất hiếm nhưng có thể T3,T4 tăng kèm TSH giảm trong giai đoạn nhiễm độc giáp. Xạ hình giáp có hình lốm đốm không đồng nhất. VS bình thường hoặc tăng nhẹ.
- Tiến triển: Rất thay đổi, có khi tồn tại bệnh cảnh bướu giáp bình giáp, có khi dẫn đến suy giáp với tuyến giáp teo nhỏ.
• Lưu ý:
- Hiện diện kháng thể kháng giáp không chỉ riêng Hashimoto, còn có trong bệnh Basedow.
- Tỷ lệ lớn suy giáp ở người lớn kèm teo tuyến giáp có nguyên nhân viêm giáp Hashimoto mà giai đoạn khởi phát đã bị bỏ qua.
- Hashimoto có thể phối hợp với những bệnh khác như suy thượng thận, buồng trứng, đái tháo đường. Hoặc bệnh bạch biến, Biermer; hoặc thương tổn mắt kiểu Basedow (hiếm).
5. Viêm tuyến giáp hoá sợi (Riedel)
Bệnh hiếm gặp, chưa rõ nguyên nhân, tiến triển nặng.
- Lâm sàng: Bướu giáp cứng như đá, ban đầu khu trú, sau lan toàn tuyến giáp. Sự xơ hoá lan rộng đến các cơ ở cổ, cơ quan lân cận gây cảm giác bó chặt cổ, khó nuốt, khó thở. Bệnh có thể phối hợp xơ hoá sau màng bụng, trung thất, sau hốc mắt, tuyến lệ.
- Cận lâm sàng: T3,T4, TSH bình thường, VS bình thường, độ tập trung iode phóng xạ giảm.
- Tiến triển: Tử vong không tránh khỏi, điều trị duy nhất là phẫu thuật, nhưng khả năng phẫu thuật rất hạn chế.
Bác sĩ: Thúy Hường (Thọ Xuân Đường)
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ dong y gia truyền Thọ Xuân Đường, Ngõ 1 phố Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Thời gian làm việc: 8h - 17h30 từ thứ Ba đến Chủ Nhật, nghỉ thứ Hai.
Hotline: 0943.9869.86 hoặc 0943.406.995