CẤU TẠO HỆ TIẾT NIỆU NAM GIỚI
Hệ tiết niệu bao gồm hai thận, hai niệu quản, bàng quang, niệu đạo, tiền liệt tuyến, các cơ quan này có quan hệ mật thiết với nhau, giúp duy trì các hoạt động bình thường của con người. Cùng tìm hiểu cấu tạo giải phẫu hệ tiết niệu ở nam giới.
1. Thận
Mỗi người có 2 quả thận nằm ở 2 bên cột sống, vùng hông lưng. Thận phải phải thấp hơn thận bên trái. Một số trường hợp khiếm khuyết thận có thể nằm lạc chỗ, hoặc chỉ có 1 quả thận, hoặc thận móng ngựa dính liền nhau.
Thận là một tạng đặc, có nhu mô dày 1,5 - 1,8cm, bao phủ ngoài nhu mô thận là vỏ thận dai và chắc. Chính vì vậy khi ngã, va đập hay chấn thương vẫn có thể gây vỡ thận, gây xuất huyết trong ổ bụng. Rốn thận là nơi cuống thận đi vào thận, là nơi phẫu thuật vào trong thận. Nếu rốn thận rộng, phẫu thuật thuận lợi hơn các trường hợp rốn thận hẹp.
Nhu mô thận được chia 2 vùng:
- Vùng tủy chứa các tháp Malpyghi, mỗi tháp malpyghi tương ứng một đài nhỏ, có đỉnh hướng về đài nhỏ. Trong đó chứa hệ thống ống góp trước khi đổ vào đài thận.
- Vùng vỏ thận là nơi chứa các đơn vị chức năng thận (nephron). Mỗi thận chứa 1 - 1,5 triệu nephron, tập trung chủ yếu ở vùng vỏ, chỉ 10 - 20% số nephron nằm vùng tủy thận.
2. Niệu quản
Đây là đường dẫn nước tiểu từ bể thận xuống bàng quang, có chiều dài 25-30cm. Niệu quản có đường kính ngoài 4 - 5mm, đường kính trong 2 - 3mm, nhưng đường kính trong có thể căng rộng 7mm. Chính vì vậy khi có sỏi rơi xuống gây ứ nước niệu quản có thể giãn rộng. Niệu quản có cấu tạo từ ngoài vào trong gồm: lớp thanh mạc, lớp cơ, lớp niêm mạc.
Niệu quản được chia thành 3 đoạn: niệu quản trên, niệu quản giữa và niệu quản dưới. Một số tác giả chia niệu quản thành 2 đoạn: niệu quản gần từ chỗ niệu quản bắt chéo bó mạch chậu lên trên và niệu quản xa từ chỗ niệu quản bắt chéo bó mạch chậu xuống dưới bàng quang.
Niệu quản có 3 chỗ hẹp tương ứng với 3 điểm niệu quản. Khi có sỏi ở thận rơi xuống niệu quản sẽ bị mắc lại ở các chỗ hẹp này, gây cơn đau quặn thận.
3. Bàng quang
Bàng quang là một túi chứa nước tiểu nằm ngay sau khớp mu. Khi rỗng, bàng quang nấp toàn bộ sau khớp mu, nhưng khi đầy nước tiểu nó vượt lên trên khớp mu, có khi tới sát rốn.
Bàng quang được cấu tạo gồm 4 lớp, từ trong ra ngoài gồm: lớp niêm mạc, lớp hạ niêm mạc, lớp cơ, lớp thanh mạc. Trong đó lớp hạ niêm mạc rất lỏng lẻo làm cho lớp cơ và lớp hạ niêm có thể trượt lên nhau.
Cơ bàng quang gồm 3 lớp: lớp cơ vòng ở trong, lớp cơ chéo ở giữa và lớp cơ dọc ở ngoài. Bình thường, dung tích bàng quang khoảng 300 - 500ml. Trong một số trường hợp bệnh lý, dung tích bàng quang có thể tăng tới hàng lít lúc đó khám lâm sàng thấy cầu bàng quang, hay dung tích bàng quang giảm chỉ còn vài chục mililít (bàng quang bé).
>> Xem thêm: Bệnh thận, tiết niệu
4. Niệu đạo
Niệu đạo là một ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra miệng sáo, niệu đạo nam giới đồng thời là đường đi chung của hệ tiết niệu và hệ sinh dục (khi xuất tinh).
Ở người trưởng thành, niệu đạo nam giới dài từ 14 - 16cm, được chia ra làm hai phần:
- Niệu đạo sau: dài 4 cm, gồm niệu đạo tuyến tiền liệt (dài 3cm) và niệu đạo màng (1 - 1,5 cm) xuyên qua cân đáy chậu giữa. Khi chấn thương vỡ xương chậu, niệu đạo màng dễ bị tổn thương. Niệu đạo tuyến tiền liệt thường chỉ bị tổn thương trong các thủ thuật nội soi tiết niệu.
- Niệu đạo trước: dài từ 10 - 12 cm, gồm niệu đạo dương vật (di động), niệu đạo bìu, niệu đạo tầng sinh môn. Niệu đạo trước có vật xốp bao quanh, khi chấn thương vật xốp dễ bị tổn thương gây chảy máu nhiều, hay để lại di chứng hẹp niệu đạo hơn niệu đạo sau.
Hệ tiết niệu nam giới có sự khác biệt so với nữ giới, liên quan đến sức khỏe sinh dục.
Bác sĩ: Thúy Hường (Thọ Xuân Đường)
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ Đông y gia truyền Thọ Xuân Đường, khu tập thể thủy sản, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Thời gian làm việc: 8h - 17h30 từ thứ Ba đến Chủ Nhật, nghỉ thứ Hai.
Hotline: 0943986986 hoặc 0943406995