NGƯỜI TĂNG HUYẾT ÁP DÙNG THUỐC ĐÔNG Y ĐỂ KIỂM SOÁT BỀN VỮNG
Với bệnh nhân tăng huyết áp, ngoài việc thay đổi chế độ ăn và lối sống, cần dùng thuốc hạ huyết áp và kết hợp thuốc đông y để kiểm soát bền vững huyết áp và phòng chống biến chứng.
1. Tăng huyết áp là bệnh phổ biến
Trên thế giới nhất là ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh từ 10 - 20% dân số.
Có nhiều nguyên nhân gây tăng huyết áp như: Uống rượu, hút thuốc, căng thẳng tinh thần, béo phì… Tuy nhiên tăng huyết áp ở người lớn thường không tìm được nguyên nhân (tăng huyết áp vô căn) chiếm tỉ lệ 90-95% còn gọi là bệnh “tăng huyết áp”.
Tăng huyết áp ảnh hưởng đến sức lao động, chất lượng cuộc sống của người bệnh và có thể gây ra biến chứng, di chứng đặc biệt là có nhiều yếu tố liên quan đến các bệnh lí tim mạch.Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm có tác dụng làm tăng chất lượng cuộc sống của người bệnh, góp phần giảm gánh nặng cho gia đình người bệnh và giảm chi phí cho xã hội.
Trong số những người tăng huyết áp, có đến 90 - 95% không có nguyên nhân gọi là tăng huyết áp vô căn hoặc tăng huyết áp tiên phát. 5 - 10% còn lại là tăng huyết áp có nguyên nhân hay tăng huyết áp thứ phát sau mắc một số các bệnh khác như: Viêm thận cấp, bệnh thận mạn tính, thận đa nang, ứ nước bể thận, hẹp động mạch thận; Các bệnh lý nội tiết: Hội chứng Cushing, u tủy thượng thận, bệnh tuyến giáp hoặc cận giáp; Một số nguyên nhân khác: Hẹp eo động mạch chủ, do thuốc hoặc liên quan đến thuốc…..
Những người tăng huyết áp thường không có biểu hiện triệu chứng. Một số người chỉ phát hiện tăng huyết áp sau mắc các bệnh tai biến mạch máu não, suy thận hoặc giảm thị lực. Nếu có, các triệu chứng thường gặp là đau đầu, hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi, mờ mắt. Tuy nhiên các triệu chứng này thường xuất hiện thoảng qua, nên người bệnh thường chủ quan.
2. Điều trị theo Đông y để kiểm soát huyết áp bền vững
Theo đông y, tăng huyết áp thuộc vi chứng “huyễn vựng”, ”đầu thống”. Nguyên nhân gây tăng huyết áp ở người cao tuổi thường do can dương vượng, lại thêm âm dương thất điều, thận tinh suy giảm do tuổi cao, do tình chí rối loạn,bệnh lâu ngày ảnh hưởng đến công năng 3 tạng: Can, tỳ, thận…Những nguyên nhân trên, làm cho bệnh nhân có biểu hiện bản hư tiêu thực.
Tùy vào thể bệnh mà bệnh nhân có biểu hiện chứng trạng khác nhau. Ở những bệnh nhân can dương thượng xung, bệnh nhân thường đau căng đầu, hoa mắt chóng mặt ù tai, hay cáu gắt, mắt đỏ, mặt đỏ, đại tiện bí kết, rêu lưỡi vàng dày, mạch huyền sác. Với thể Can âm hư, can dương vượng bệnh nhân thấy đau đầu chóng mặt, lưng gối mỏi yếu, lưỡi đỏ mà ít rêu, mạch huyền nhược. Bệnh nhân có thể trạng béo bệu (Tỳ hư đàm trệ) người mệt mỏi, nặng nề, ngực sườn đầy tức, chất lưỡi bệu, rêu trắng nhớt, mạch huyền hoạt.
• Tùy thuộc vào thể bệnh mà pháp điều trị và phương điều trị khác nhau
Các bài thuốc được điều trị chứng huyễn vựng thường dùng là Lục vị quy thược hay kỉ cúc địa hoàng hoàn (điều trị thể can âm hư,can dương vượng), bài Bán hạ bạch truật thiên ma thang (dùng trong thể tỳ hư đàm trệ).
Bên cạnh đó, còn sử dụng 1 số hình thức khác như bôi thuốc, đắp thuốc, dán cao thuốc… đều sử dụng các vị thuốc cổ truyền có tác dụng hành khí, hoạt huyết làm giãn mạch, giúp hạ huyết áp và điều trị triệu chứng.
Ngoài dùng thuốc, đông y còn một số phương pháp điều trị khác như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, khí công dưỡng sinh... phối hợp cũng rất hiệu quả trong điều trị.
3. Lời khuyên của thầy thuốc
Một lối sống lành mạnh, điều độ là tiêu chuẩn vàng hàng đầu để ngăn ngừa và là một phần quan trọng trong điều trị tăng huyết áp. Việc thay đổi lối sống có tác dụng làm giảm huyết áp, tăng hiệu quả của thuốc hạ áp và giảm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch.
• Một số yếu tố cần lưu ý để điều chỉnh lối sống:
- Ăn nhạt (<6g muối/ngày)
- Giảm cân ở người tăng cân hoặc béo phì
- Hạn chế các căng thẳng quá mức
- Hoạt động thể lực ít nhất 30 phút/ngày. Tập thể dục hàng ngày với các bài thể dục nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe, không nên tập vào giờ quá sớm hoặc quá muộn trong ngày.
- Hạn chế các đồ có chứa chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê.
Bác sĩ: Lê Yến (Thọ Xuân Đường)