BỆNH LOÃNG XƯƠNG CÓ DỄ NHẬN BIẾT ?
Thống số liệu thống kê cho thấy, loãng xương là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh lý về xương trên toàn thế giới. Bệnh gặp nhiều ở nữ giới hơn là nam giới, với tỷ lệ 3:1. Hơn nữa, tuy loãng xương diễn tiến thầm lặng ít triệu chứng nhưng hậu quả mà nó để lại rất nặng nề cho cơ thể người bệnh như tàn phế, mất chức năng do xương trở nên giòn, mỏng manh và rất dễ gãy. Vậy, ngoài việc tìm hiểu nguyên nhân tại sao gây ra căn bệnh này để phòng tránh, nhận biết sớm tình trạng bệnh loãng xương cũng vô cùng cần thiết giúp người bệnh kịp thời điều trị.
Loãng xương là gì?
Loãng xương (Osteoporosis) là một dạng rối loạn chuyển hóa của hệ thống xương, được đặc trưng bởi tình trạng chất lượng và mật độ xương suy giảm khiến xương giảm sức mạnh mỏng, giòn và tăng nguy cơ gãy xương. Loãng xương thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới (chiếm từ 70-80%), đặc biệt là giai đoạn sau mãn kinh. Tỷ lệ gãy xương do bệnh lý này có xu hướng tăng lên theo độ tuổi và thường gặp nhất ở cột sống – cổ xương đùi. Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng 20% phụ nữ trên 60 tuổi bị loãng xương dẫn đến gãy cổ xương đùi (ước tính khoảng 17.000 ca) và có khoảng 6.300 ca gãy cổ xương đùi ở nam giới trên 60 tuổi.
Có thể thấy, loãng xương là bệnh lý có tiến triển thầm lặng. Vào độ tuổi trung niên, khi mật độ xương giảm, tất cả chúng ta đều phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Loãng xương thường không có triệu chứng gì đặc hiệu, dấu hiệu thường thấy là đau, giảm chiều cao và còng lưng. Đây là những biểu hiện chỉ được phát hiện sau một thời gian dài. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi có những biểu hiện gãy xương. Tình trạng loãng xương sẽ càng trở nặng hơn khi về già, do độ tuổi này mật độ xương không đảm bảo đủ mức cho phép để bảo đảm xương cứng chắc như lúc ở tuổi trưởng thành. Vì vậy, ngay từ khi còn trẻ, chúng ta cần phải chú ý tới các biểu hiện của bệnh để biết cách phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Bệnh loãng xương có dễ nhận biết?
Việc nhận biết các dấu hiệu loãng xương sớm và kịp thời là rất quan trọng để điều trị và cải thiện tình trạng bệnh. Mặc dù tình trạng mất xương (giảm mật độ xương) do loãng xương thường biểu hiện kín đáo, không rõ ràng tuy nhiên vẫn có thể nhận biết dấu hiệu của bệnh loãng xương qua các triệu chứng điển hình như sau:
Đau nhức đầu xương
Một trong những triệu chứng loãng xương dễ nhận thấy nhất là cảm giác đau nhức các đầu xương. Đau nhức, mỏi dọc các xương dài, hay cảm giác châm chích toàn thân. Thường đau ở vùng xương chịu gánh nặng của cơ thể như cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối, những cơn đau lặp lại nhiều lần nếu là sau chấn thương, đau âm ỉ nếu là tự phát. Đau sẽ tăng lên khi vận động, đi lại, đứng ngồi lâu và sẽ thuyên giảm khi nằm nghỉ.
Đau vùng lưng
Đau ở vùng cột sống lưng, cột sống ngang thắt lưng hoặc đau lan sang một hoặc hai bên mạn sườn do kích thích các rễ thần kinh liên sườn, đau dọc theo các dây thần kinh liên sườn, dọc theo dây thần kinh đùi, thần kinh tọa, có khi đau tăng lên do hắt hơi, ho, nín hơi, sổ mũi, xì hơi, cười to, khóc to… Khi đau nhiều các cơ cạnh cột sống sẽ co cứng, nên người bệnh khó thực hiện các động tác như cúi, ngửa, nghiêng người, quay người, cột sống như cứng đờ. Lúc nằm người bệnh thường cảm thấy dễ chịu hơn.
Biến dạng cột sống
Cột sống bị biến dạng mất đường cong sinh lý bình thường, khiến người bệnh đi lại với tư thế khom lưng hoặc gù, vẹo, chiều cao của cơ thể giảm vài cm so với tuổi lúc còn trẻ (bởi loãng xương làm cho các đốt sống bị lún, xẹp hoặc bị gãy lún.
Chuột rút ở cẳng tay và cẳng chân vào ban đêm
Khi bị loãng xương, người bệnh cũng sẽ gặp phải tình trạng chuột rút ở tay và và chân vào ban đêm. Khi có dấu hiệu này cần chú ý và đi khám để được chẩn đoán và có biện pháp khắc phục.
Ngoài ra, người bệnh loãng xương có thể có cảm giác lạnh hoặc ớn lạnh, ra mồ hôi kèm theo các rối loạn khác của tuổi già như béo bệu, giãn tĩnh mạch chân, thoái hóa khớp, cao huyết áp, vữa xơ mạch máu…
Trên thực tế, các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh loãng xương thường không điển hình. Vì vậy, đa phần bệnh nhân đều nhầm lẫn cơn đau và một số triệu chứng đi kèm là do lao động nặng nhọc, thay đổi thời tiết hoặc do ảnh hưởng của tuổi già. Chính vì vậy, để dự phòng căn bệnh này, hãy chủ động thăm khám định kỳ để sớm phát hiện các bất thường nhé!
BS Thu Thủy
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Số 5 - 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943986986 - 0937638282