ĐIỂM DANH NHỮNG CÂY THUỐC NAM CÓ TÁC DỤNG LỢI TIỂU
Thảo dược quanh chúng ta vốn có rất nhiều tác dụng khác nhau và có lợi ích nhiều cho sức khỏe. Tuy nhiên để phát huy hiệu quả của nó thì cần phải biết cách sử dụng sao cho phù hợp trong từng trường hợp cụ thể. Bạn đã biết những vị thuốc có tác dụng lợi tiểu là gì chưa? Cùng điểm danh những cây thuốc nam có tác dụng lợi tiểu quanh nhà nhé!
1. Cây mã đề cạn
- Danh pháp khoa học: Plantago major L. thuộc họ mã đề Plantaginaceae.
- Mô tả dược liệu: Cây mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi khắp nước ta. Chúng có thân ngắn, lá mọc ở gốc với cuống dài rộng được xếp thành hình hoa thị. Phía trên phiến lá có gân dọc sống lưng hình trứng hoặc hình thìa với đặc điểm mọc thành cụm gồm nhiều cây với nhau. Hoa thường mọc ở nách lá với cuống dài hướng lên trên, quả chứa nhiều hạt nâu đen bóng.
- Tính vị: mã đề có vị ngọt, tính hàn
- Tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu giúp ngưng chảy máu cam, thông mồ hôi, làm sáng mắt, lợi tiểu trị chứng thấp nhiệt ở bàng quang, giúp lợi tiểu tiện mà không chạy khí
- Cách dùng để lợi tiểu
Dùng 100g lá và cành mã đề rửa sạch, sắc nước uống thay nước hàng ngày.
2. Cây trạch tả
- Tên khác: mã đề nước
- Danh pháp khoa học: Alisma plantago aquatica L, Họ Trạch tả (Alismaceae)
- Mô tả dược liệu: Cây loại thảo mọc ở ao và ruộng, cao 0,2-1m. Thân rễ trắng hình cầu hay hình con quay, thành cụm, lá mọc ở gốc, hình trứng thuôn hay lưỡi mác, phía cuống hơi hẹp lại. Cán hoa mang ở đỉnh nhiều vòng hoa có cuống dài. Hoa họp thành tán, đều, lưỡng tính, 3 lá đài màu lục, 3 cánh hoa trắng hay hơi hồng, 6 nhị, nhiều tâm bì rời nhau, xếp xoắn ốc. Quả bế.
- Bộ phận dùng: thân rễ cây đem về loại bỏ rễ bên ngoài, cạo vỏ rồi phơi sấy khô
- Tính vị vị ngọt, tính hàn, không độc,
- Tác dụng lợi tiểu, tiêu thũng, trừ thấp, kiện vị, giảm béo, thanh nhiệt
- Cách dùng: Mỗi ngày 8-20g sắc nước uống, thường phối hợp các vị thuốc khác
3. Cây dừa cạn
- Tên khác: hoa dừa cạn, trường xuân hoa
- Danh pháp khoa học: Catharanthus roseus, họ trúc đào (Apocynaceae)
- Mô tả dược liệu: Cây nhỏ cao 0,4-0,8m, có bộ rễ rất phát triển, thân gỗ ở phía gốc, mềm ở phần trên. Mọc thành bụi dày, có cành đứng. Lá mọc đối, thuôn dài, đầu lá hơi nhọn, phía cuống hẹp nhọn, dài 3-8cm, rộng 1-2,5cm. Hoa trắng hoặc hồng, mùi thơm, mọc riêng lẻ ở các kẽ lá phía trên, quả gồm 2 đại, dài 2-4cm, rộng 2-3mm, mọc thẳng đứng, hơi ngả sang hai bên, trên vỏ có vạch dọc, đầu quả hơi tù, trong quả chứa 12-20 hạt nhỏ màu nâu nhạt, hình trứng, trên mặt hạt có các hột nổi thành đường chạy dọc. Mùa hoa quả gần như quanh năm.
- Tính vị: vị hơi đắng tính lương
- Tác dụng: lưu thông khí huyết, lợi tiểu hạ áp
- Cách dùng: Mỗi ngày 10-20g thân lá cây khô sắc uống
4. Cây cỏ ngọt
- Danh pháp khoa học: Stevia rebaudiana. Họ cúc
- Mô tả dược liệu: cây thân thảo nhỏ mọc lâu năm
- Tính vị: vị ngọt
- Tác dụng: lợi tiểu, giúp giảm cảm giác thèm chất ngọt rất tốt cho bệnh nhân đái tháo đường
- Cách dùng: Mỗi ngày khoảng 4g sắc uống cùng các thảo dược khác
5. Râu ngô
- Bộ phận dùng: Phần râu của bắp ngô, thường hay mọc ở phần đầu của trái ngô
- Tính vị: vị ngọt tính bình
- Tác dụng lợi thủy tiết nhiệt, bình can lợi đởm
- Cách dùng: mỗi ngày 1 nắm đun nước uống
Ngoài các thảo dược trên còn có nhiều cây thuốc nam có tác dụng lợi tiểu như trinh nữ, bạch phục linh, kim tiền thảo, râu mèo.