TÁC DỤNG CHỮA BỆNH CỦA VỊ THUỐC THỔ PHỤC LINH
Thổ phục linh còn có tên gọi khác là củ Khúc khắc, củ Kim cang. Tên khoa học là Smilax glabra roxb. (Smilax hookeri kunth), họ Hành tỏi (Liliaceae). Đây là cây thuốc được ứng dụng rộng rãi trong y học.
1. Cây Thổ phục linh
Thổ phục linh phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á như Mianma, vùng Trung và Nam Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan. Ở Việt Nam, Thổ phục linh phân bố khắp các tỉnh như Quảng Ninh, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, vùng tây Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và các tỉnh Tây Nguyên…
Thổ phục linh là một loại cây leo sống lâu năm, dài từ 4-5m, có nhiều cành nhỏ, thường có tua cuốn dài. Lá hình trái xoan thuôn, đầu dưới tròn, dài 5-13cm, rộng 3-7cm, cứng, hơi mỏng, có 3 gân nhỏ từ gốc và nhiều gân con. Hoa màu vàng xanh mọc thành tán khoảng 2mm, cuống riêng dài hơn chừng 10 – 15mm. Quả mọng, hình cầu, đường kính 6-7mm, hơi 3 cạnh, có 3 hạt, khi chín có màu đỏ tím.
2. Vị thuốc Thổ phục linh
Vị thuốc ''Thổ phục linh'' dùng trong dong y là thân, rễ của cây Thổ phục linh (Smilax glabra roxb) phơi hay sấy phô, có thể thu hoạch quanh năm, nhưng tốt nhất vào thu đông khi lá đã rụng.
Cách bào chế: Đào lấy thân rễ của cây Thổ Phục Linh, cắt bỏ rễ nhỏ rửa sạch, khi đang còn tươi thì thái mỏng, phơi hoặc sấy khô. Có thể ngâm trong nước nóng 10 - 15 phút để dễ thái hơn. Hoặc để nguyên củ phơi khô, khi dùng ủ mềm 2 – 3 ngày, thái phiến mỏng rồi phơi khô.
Có rất nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới đã tìm ra trong Thổ phục linh có những thành phần hóa học sau: Saponin, Tanin, chất nhựa, Carotene, Vitamin C, Stigmasterol, Tigogenin, Isoengelitin, Astilbin, Isoastilbin, Acid O (3) - cafeoylshikimic, Acid ferulic, β - Sitosterol, D - Glucose.
Theo nghiên cứu và thực nghiệm lâm sàng cho thấy thân rễ Thổ phục linh có hoạt tính ức chế, chống lại vi khuẩn, virus, kí sinh trùng, lợi niệu chống viêm, tăng cường hệ miễn dịch, điều hòa huyết áp, ổn định màng hồng cầu, giảm co thắt cơ trơn ruột động vật thực nghiệm cô lập gây bởi Acetylcholin.
Đặc biệt trong nghiên cứu về tác dụng hạ đường huyết Thổ phục linh trên chuột nhắt trắng được gây đái tháo đường bằng STZ (Streptozotocin) với liều 150mg/kg) cho thấy dùng Thổ phục linh liều 200mg/kg thấy hạ đường huyết vào giờ thứ 4 sau tiêm và duy trì trên 4 giờ và hầu như không có tác dụng hạ đường huyết trên chuột gây đái tháo đường bằng STZ liều 300mg/kg (khi các tế bào β tụy bị phá hủy gần hết). Theo nghiên cứu Thổ phục linh cũng ngăn chặn sự tăng Glucose máu trên chuột nhắt trắng gây tăng đường huyết bằng Adrenalin. Điều này chứng minh rằng tác dụng hạ đường huyết của Thổ phục linh cần có sự hiện diện của insuline, Thổ phục linh kích thích tế bào β tụy tăng tiết insuline và tăng nhạy cảm của insuline với các tổ chức ngoại vi, ức chế chuyển hóa từ Glycogen thành Glucose và ức chế tân tạo đường mới. Tác dụng này thích hợp để điều trị trên bệnh nhân đái tháo đường type 2.
Theo y học cổ truyền thì Thổ phục linh có vị ngọt (cam), nhạt (đạm), tính bình, vào hai kinh can và vị (có tài liệu cho rằng Thổ phụ linh là Dương minh chủ dược, tức nhập kinh túc dương minh Vị và thủ dương minh Đại trường). Có tác dụng kiện tỳ vị, khư phong thấp, trị đau nhức xương khớp, ác sang, thũng độc. Tỳ vị khỏe mạnh thì vinh vệ đầy đủ, phong thấp được trừ mà lợi cân cốt. Thổ phục linh còn có tác dụng lợi tiểu tiện, chỉ khát tiết, dùng để trị chứng tiêu khát.
Liều dùng mỗi ngày 10-20g dưới dạng thuốc sắc. Có thể dùng độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác để điều trị từng bệnh cụ thể.
Tiến sĩ - Lương Y: Phùng Tuấn Giang (Thọ Xuân Đường)
Quý vị cần tư vấn về sức khỏe vui lòng liên hệ nhà thuốc, các bác sĩ sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc về bệnh, thuốc và quy trình khám chữa bệnh!
Hotline: 0943 406 995 hoặc 0937 63 8282