VÌ SAO ĐƯỜNG XA NGÀN DẶM CHỚ DÙNG CẨU KỶ
Từ lâu cây Cẩu Kỷ được coi là thánh dược.Vì sao đường xa ngàn dặm chớ dùng Cẩu kỷ giúp bổ can, thận, ích tinh sinh huyết. Người xưa khuyên đi xa không nên dùng Cẩu kỷ, cùng nghe các danh y xưa luận giải lí do và công dụng của cây thuốc, vị thuốc đông y này.
Cây Cẩu Kỷ, hay còn gọi là cây rau Khởi có tên khoa học là Lycium barbarum L. Ngoài ra, còn được gọi bằng các tên khác như Thiên Tinh, Địa Tiên, Khước Lão. Được dùng làm thuốc từ lâu đời với nhiều bộ phận khác nhau như quả chín (Cẩu Kỷ Tử), lá (Thiên Tinh Thảo), vỏ rễ (Địa Cốt Bì).
Cây Cẩu Kỷ
Cẩu Kỷ Tử (quả chín)
Bình bổ mà nhuận.
Cẩu Kỷ Tử vị ngọt tính bình (theo bản Thảo cương mục thì có vị đắng tính hàn). Có tác dụng nhuận phế thanh can, tư thận ích khí, sinh tinh trợ dương, chữa hư lao, cường cân cốt (can chủ cân, thận chủ cốt), khư phong minh mục (can âm hư sinh nội nhiệt, nhiệt cực sinh phong, kinh quyết âm can có đường đi lên mắt, kỷ tử thanh can, làm sáng mắt, mắt thuộc can, đồng tử thuộc thận), lợi đại tiểu trường, do nó có tính nhuận. Trị chứng tiêu khát (đái tháo đường) mà họng khô (ách can tiêu khát). Theo Uông Ngang: ngạn ngữ cổ xưa (trong Danh Y Biệt Lục) có nói “xuất gia thiên lý, vật thực Cẩu Kỷ” (đi đường xa ngàn dặm, chớ dùng Cẩu Kỷ Tử) vì nó bổ thận quá cho nên kích thích tình dục, tính bình mà nhuận, có tác dụng tư thận chế hỏa. Cẩu Kỷ sắc đỏ thuộc hỏa, năng bổ tinh tráng dương, tuy nhiên khí vị cam hàn (ngọt, lạnh) tính nhuận, là thứ dược bổ thủy, sở dĩ có công năng tư thận, ích can, sáng mắt (minh mục) mà trị được tiêu khát.
Cẩu Kỷ Tử màu đỏ, mọng, hạt nhỏ là loại tốt, khi dùng nên tẩm rượu (tửu tẩm). Vị thuốc này hay được dùng trong các thang thuốc bổ can thận, ích tinh sinh huyết.
Thiên Tinh Thảo (lá)
Lá Cẩu Kỷ, có tên là Thiên Tinh Thảo, vị ngọt đắng tính mát (lương). Thanh nhiệt ở thượng tiêu tâm, phế (thanh thượng tiêu tâm phế khách nhiệt). Có thể trị tiêu khát, Lý Thời Trân nói rằng: Thiên Tinh thảo là thuốc vào khí phận của tam tiêu (giai tam tiêu khí phận chi dược).
Người ta lấy lá non rau này dùng để nấu canh cho phụ nữ sau khi sinh con ăn rất tốt.
Địa Cốt Bì (vỏ rễ)
Phần vỏ rễ của cây Cẩu Kỷ cũng được dùng làm thuốc đông y, có tên là Địa Cốt Bì.
Công năng chính của Địa Cốt Bì là tả nhiệt lương huyết, bổ chính khí.
Vị ngọt nhạt (cam đạm), tính hàn. Giáng hỏa ẩn náu bên trong phế (giáng phế trung phục hỏa), tả can thận hư nhiệt, vì vậy nên có công năng lương huyết mà bổ chính khí.
- Trị ngũ nội tà nhiệt. Nhiệt ngấm bên trong, dùng cam hàn để trị: Địa Cốt Bì 1 cân (khoảng 600g), Sinh Địa 5 cân (khoảng 3kg) nấu với rượu, uống hằng ngày trị chứng đới hạ (khí hư).
- Nôn ra máu, đái ra máu (thổ huyết, niệu huyết): dùng nước tươi uống để trị.
- Thanh phế để trị khái thấu tiêu khát (ho có đờm hoặc không có đờm trong chứng tiêu khát).
- Ra ngoài trị cơ nhiệt hư hãn (cơ thể hư nhiệt mà ra nhiều mồ hôi).
- Lên trên trừ đầu phong thống (đau đầu do phong tà). Có công năng trừ phong là do Địa Cốt Bì đồng trị can, thận. Can có nhiệt, ắt tự sinh phong, Địa Cốt Bì thanh can thoái nhiệt, phong sẽ tự trừ.
- Ở giữa thì thanh can mà bình hung hiếp thống (đau tức ngực sườn).
- Xuống dưới thì lợi đại, tiểu trường.
- Trị phong tà vô định tại biểu, cốt chưng (nóng nhức trong xương) có mồ hôi.
Lý Thời Trân viết: Địa nghĩa là âm, cốt nghĩa là bên trong (lí), bì nghĩa là bên ngoài (biểu). Địa Cốt Bì tả thận hỏa, Mẫu Đơn Bì tả hỏa tâm bào lạc cùng trị chứng nhiệt ở bên ngoài, không ra mồ hôi mà nóng nhức trong xương. Tri Mẫu tả thận hỏa, trị nhiệt ở bên trong, có mồ hôi mà nóng nhức trong xương. Tứ vật thang gia nhị bì (Địa Cốt Bì và Mẫu Đơn Bì) trị chứng cốt chưng ở phụ nữ.
Chu Nhị Doãn viết: Cách thoái nội triều (triều nhiệt bên trong) thì nhiều người biết, nhưng cách thoái ngoại triều (triều nhiệt bên ngoài) thì không nhiều người biết được. Bệnh cảm phong hàn mà tán chưa tận, làm cho hàn nhiệt vãng lai (lúc sốt lúc rét) không dùng sài hồ, cát căn để trị mà dùng Địa Cốt Bì vì nó là thuốc vừa ra biểu, vừa vào lí (tẩu biểu hựu tẩu lí chi dược).
Theo Lý Thời Trân: Cẩu Kỷ Tử, Địa Cốt Bì, cam hàn (ngọt, lạnh) bình bổ, làm tinh khí sung túc, ắt hỏa tà tự thoái. Người ta dùng quá nhiều thuốc đắng lạnh (khổ hàn), lấy Hoàng Cầm, Hoàng Liên giáng hỏa thượng tiêu, Tri Mẫu, Hoàng Bá trừ hỏa hạ tiêu dẫn đến tổn thương nguyên khí, thật là tai hại! Khen cho sự thanh cao của Địa Cốt Bì giúp thoái nhiệt mà không công phạt!
Chế Địa Cốt Bì tẩm nước Cam Thảo một đêm rồi vớt ra, phơi khô (theo Lôi Công bào chế dược tính luận).
Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân (Thọ Xuân Đường)
Quý vị cần tư vấn về sức khỏe vui lòng liên hệ Hotline: 0943 406 995 hoặc 0937 63 8282.