SKCĐ - Chuyên mục alo lương y Phùng Tuấn Giang xin nghe số 1 tháng 8

CHUYÊN MỤC "ALO LƯƠNG Y PHÙNG TUẤN GIANG XIN NGHE"

Đăng trên Sức khỏe cộng đồng số 08 ngày 05/08/2020

 

 


Câu hỏi 1: 2 - 3 ngày nay em cứ bị nhức từ đỉnh đầu bên phải xuống đến tai, như vậy là em bị bệnh gì ạ? Mong chuyên gia tư vấn giúp em.

(Hải Anh – Khánh Hòa)

Tiến sĩ – Lương y Phùng Tuấn Giang trả lời:

Đau đầu là triệu chứng khá thường gặp trong nhiều bệnh lý từ bệnh lý mũi xoang, căng thẳng tâm lý, thiếu ngủ, đau thần kinh, bệnh lý não, mắt...

Triệu chứng đau của bạn gợi ý nhiều đau do nguyên nhân thần kinh. Bệnh có thể gặp do nhiễm siêu vi, chèn ép thần kinh, viêm nhiễm, lo lắng căng thẳng, mất ngủ.

Nếu không có sốt, mệt mỏi, bạn có thể dùng giảm đau như paracetamol theo liều lượng cho phép và nghỉ ngơi thư giãn 2-3 ngày. Trường hợp đau không cải thiện hoặc tăng mạnh dữ dội, kèm liệt mặt, méo miệng, ù tai, sốt... thì nên thăm khám bác sĩ ngay bạn nhé!

Câu hỏi 2: Chào lương y! Em đang trong diện theo dõi ung thư hạch bạch huyết (lymphoma). Mổ hạch 3 lần. Tháng 9/2018 hạch cổ trái - hạch phản ứng. Tháng 5/2020 hạch cổ trái - hạch viêm kinh niên xơ hóa. Tháng 6/2020 hạch viêm kinh  niên. Kết quả siêu âm mới nhất là hạch cổ 2 bên, nách  trái, bụng. Kết quả CT hạch phì đại trung thất /tràn dịch màng tim. Mong lương y tư vấn giúp?. 

(Kim Thoa – Nghệ An)

Tiến sĩ – Lương y Phùng Tuấn Giang trả lời:

Lymphoma hay còn gọi là u lympho là một loại ung thư ở hệ bạch huyết, một phần của hệ miễn dịch cơ thể. Hệ thống bạch huyết bao gồm các hạch bạch huyết (tuyến bạch huyết), lá lách, tuyến ức và tủy xương. Bệnh lymphoma có thể ảnh hưởng đến tất cả các khu vực cũng như các cơ quan khác trên khắp cơ thể.

Có hai loại bệnh lymphoma phổ biến:

- U lympho Hodgkin (trước đây gọi là bệnh Hodgkin)

- U lympho không Hodgkin

Ngoài ra, còn nhiều dạng bệnh lymphoma khác.

Các yếu tố nguy cơ đối với bệnh lymphoma Hodgkin bao gồm nhiễm trùng do virus Epstein–Barr và tiền sử bệnh trong gia đình. Các yếu tố nguy cơ đối với các dạng lymphoma không Hodgkin phổ biến bao gồm: các bệnh tự miễn dịch, HIV/AIDS, nhiễm virus T-lymphotropic ở người, thuốc ức chế miễn dịch, và một số thuốc trừ sâu.

Đặc trưng của bệnh này là sự phát triển cùng lúc nhiều hạch trong cơ thể. Chẩn đoán bệnh dựa vào sinh thiết hạch bạch huyết.

Do đó, với kết quả kiểm tra hiện tại của em, theo dõi lymphoma là hợp lý. Em chờ thêm kết quả sinh thiết hạch nữa. Việc điều trị tùy thuộc vào loại u lympho và mức độ nghiêm trọng của nó. 

Câu hỏi 3: Khi trẻ bị ho do thay đổi thời tiết, hen suyễn, viêm phế quản, ho có đờm có được dùng thảo dược, xin chuyên gia chia sẻ một số phương pháp dân gian chữa ho cho trẻ khi giao mùa?

(Xuân Hải – Vũng Tàu)

Tiến sĩ – Lương y Phùng Tuấn Giang trả lời:

Thời điểm giao mùa, trời lúc nắng lúc mưa, lúc nóng lúc lạnh làm trẻ dễ bị các bệnh về tai mũi họng, đặc biệt là ho ở trẻ em. Ho là vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ, liên quan đến đường hô hấp trên khiến bà mẹ rất lo lắng. Các bệnh viêm đường hô hấp trên thường có nguyên nhân khởi phát từ  virus - tức là nguyên nhân mà chúng ta có thể phòng tránh được.

Khi trẻ bị ho, thay vì tự ý sử dụng ngay các loại thuốc kháng sinh, cha mẹ có thể áp dụng thử các biện pháp chữa ho an toàn, có nguồn gốc thảo dược tự nhiên như: Trị ho bằng gừng tươi: Từ lâu, gừng đã được xem như một vị thuốc trị ho rất tốt. Gừng chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp làm sạch các chất độc khỏi cổ họng và đường hô hấp, vì thế giúp giảm ho. Chất gingerols là hợp chất chống sưng viêm trong gừng giúp giảm triệu chứng ho do thay đổi thời tiết, ho gió, ho khan, ho lâu ngày không khỏi.

Trong dân gian, gừng từ lâu đã được xem như một vị thuốc trị ho rất tốt

Cách chữa ho bằng gừng đơn giản như sau: Nguyên liệu: Gừng rửa sạch. Cách làm: Đem nướng gừng nguyên vỏ, sau đó, tiến hành lột sạch vỏ, giã nhuyễn và ép lấy nước, cho thêm mật ong cùng với nước gừng để uống. Bã gừng có thể đun thêm với nước sôi, sau đó để ấm và ngâm chân cho bé. Sau 2 đến 3 ngày các chứng ho sẽ thuyên giảm rõ rệt.

Chữa ho bằng lá hẹ: Lá hẹ đường phèn là cách trị ho cho trẻ sơ sinh được sử dụng rất phổ biến, vì với đường phèn các mẹ có thể dùng được cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Cách dùng lá hẹ chữa ho cho trẻ sơ sinh kết hợp với đường phèn rất đơn giản, các mẹ chỉ cần chọn lấy một nắm lá hẹ tươi với độ già vừa phải, sau đó rửa sạch toàn bộ rồi để cho ráo nước, rồi chúng ta cũng tiến hành cắt nhỏ rồi bỏ toàn bộ lá hẹ vào trong bát, cùng với đó cho vào trong bát một lượng đường phèn vừa đủ và hấp cách thủy cho đến khi lá hẹ trong bát đượcmềm ra và đường phèn tan hoàn toàn. Cách sử dụng: ăn trực tiếp ngày 2 – 3 lần, sau 2 – 3 ngày các cơn ho sẽ giảm và mất đi dần. Cách này đặc biệt có hiệu quả với ho có đờm hoặc trẻ bị cảm cúm.

Trị ho bằng quất: Quả quất có vị chua ngọt, tính mát, có công dụng kích thích tiêu hóa, giảm ho. Với các bệnh ho thông thường, quất có tác dụng rất tốt trong việc điều trị. quả quất có chứa nhiều pectin, tinh dầu, đường và các vitamin, có tác dụng chống viêm, long đờm giảm ho, bình suyễn, kháng khuẩn và kháng vi rút. Nguyên liệu: mật ong nguyên chất, quất xanh (còn được gọi là tắc). Cách làm: quất xanh đem rửa sạch dưới vòi nước, để ráo, cho vào chén, rót mật ong vào ngập quất, đem chưng cách thủy, sau 15 – 30 phút, tắt bếp để nguội. Cách dùng: có thể nhai trực tiếp quất hoặc uống dần nước mật ong, hoặc dùng luôn cả hai thứ để đạt được hiệu quả tốt nhất

Cuối cùng, khi sử dụng mật ong, quất để trị ho cho trẻ hãy lưu ý, sử dụng mật ong nguyên chất, tránh dùng mật ong giả. Cũng như trên, hãy cân nhắc thật kĩ khi cho trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi dùng mật ong chữa ho vì có thể gây ngộ độc cho trẻ sơ sinh.

Trị ho bằng húng chanh: Theo Đông y, húng chanh có tác dụng lợi phế, trừ đờm, giải cảm, làm ra mồ hôi, làm thông hơi, giải độc. Colein trong lá có tác dụng kháng sinh mạnh đối với một số vi trùng, nhất là ở vùng họng.

Húng chanh có thể kết hợp với các nguyên liệu khác để trị ho cho trẻ như quất, đường phèn, rau diếp cá, mật ong. Trong đó bài thuốc trị ho cho trẻ bằng húng chanh với đường phèn được nhiều mẹ chuyền tay nhau như sau: Chuẩn bị khoảng 20g lá húng chanh tươi đem rửa sạch và thái nhỏ rồi giã dập cùng 20g đường phèn. Tiếp đến cho thêm 10ml nước sôi vào để cho ngấm, rồi chắt lấy nước cho trẻ uống 2 lần mỗi ngày cho tới khi hết ho.

*** Bạn đọc có câu hỏi cần giải đáp xin gửi về địa chỉ : [email protected]
*** Tư vấn Phòng khám Thọ Xuân Đường - Hotline tư vấn 24/24h: 093.763.8282


Điện thoại liên hệ:0943.986.986