PHÚC KHAI LĂNG
Mùa xuân năm Kỷ Hợi 2019 Phúc Khai Lăng được khánh thành tại khu Vườn Mít, hón Bân, xã Quý Lộc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Phúc Khai Lăng là nơi thờ Ngự Y Phùng Văn Côn (1743-1822) – Tiến Công Thứ Lang kiêm Ngự Y, phong chức “Oanh liệt tướng quân”. Sau khi triều Tây Sơn thất thủ triều Nguyễn lên thay ông tản vào Thanh Hóa, mặc dù được trọng dụng mời trở ra nhưng ông từ chối ở lại chữa bệnh và làm phúc cho người nghèo được nhân dân khắp vùng kính trọng.
Cụ Phùng Văn Côn được sinh ra từ một gia đình truyền thống làm nghề y chữa bệnh cứu người tại làng Thọ Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Cụ tổ nghề y của dòng họ Phùng là cụ Phùng Văn Dương (1653) từng làm việc tại Tế Sinh Đường – Thái Y Viện triều Lê, bố cụ Phùng Văn Côn là cụ Phùng Văn Đồng (1713-1783) làm lương y phục vụ trong quân đội, được nhà Vua phong tới chức Tiến Công Thứ Lang kiêm Ngự Y tại Thái Y Viện.
Cụ Phùng Văn Côn thủa nhỏ đã thông minh xuất chúng, theo nghiệp ông cha cụ cũng vào phục vụ trong quân y. Do có nhiều đóng góp cụ cũng đã được phong chức Tiến Công Thứ Lang, đến năm 1781 được điều vào Thái Y Viện, năm 1782 giữ chức Ngự Y triều đình xếp vào hàng quan Nhất Phẩm (Bậc cao nhất trong thứ tự 9 bậc danh giá của các đời Vua).
Đặc biệt cụ Phùng Văn Côn dưới triều Vua Quang Trung do tham gia tích cực trị thương cứu thương trong chiến dịch thần tốc tiêu diệt 20 vạn quân Thanh năm 1789 và có nhiều công lao to lớn nên đã được Vua Quang Trung tấn phong chức “Oanh Liệt Tướng Quân” và được ban thưởng đồng tiền vàng mang 4 chữ “Nhất Phẩm Đương Triều”. Đồng tiền vàng hiện nay vẫn được lưu giữ tại nhà thờ tổ và trở thành báu vật của giòng họ Phùng tại Thọ Am, Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội.
Năm 1801 triều Tây Sơn thất thủ, triều Nguyễn lên thay do đang làm Ngự Y triều Tây Sơn cụ đã phải chạy loạn vào Thanh Hóa, giấu thân phận làm thuê cho một cửa hàng thuốc Nam tại Quý Lộc, Yên Định. Năm 1803 cô của Nguyễn Ánh lâm bệnh nặng có tới cửa hiệu thuốc này cắt thuốc 3 lần không khỏi, cụ đã xin với ông chủ làm thuê được cắt 5 thang thuốc cho bệnh nhân, sau 5 thang cô của vua đã khỏi bệnh. Triều Nguyễn ngỏ ý muốn mời cụ tham gia công tác chữa bệnh của triều đình nhưng cụ đã từ chối, cụ tiếp tục ở lại Thanh Hóa chữa bệnh giúp cho nhân dân và làm phúc cho người nghèo.
Trong quá trình ở lại và coi mảnh đất này là quê hương thứ 2, cụ đã quen và lấy cụ Trịnh Trang (Họ hàng với Chúa Trịnh Sâm).
Cụ mất năm 1822, được an táng tại khu Vườn Mít, Hón Bân, xã Quý Lộc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, sau đó cụ bà cũng được an táng tại đây.
Do mộ bị thất lạc nên đến cuối năm 2017 con cháu cụ tại quê nhà mới tìm thấy, để tưởng nhớ tới hai cụ Phúc Khai Lăng đã được xây dựng vào cuối năm Mậu Tuất (2018).
Ngàn năm nhớ mãi cụ Phùng Côn
Vì nước, vì dân dạ sắt son
Trời Nam còn sáng ngời y đức
Cháu con ơn cụ giữ vuông tròn…
Con cháu đời thứ 7 kế nghiệp
Tiến sĩ – Lương y: Phùng Tuấn Giang
Chủ nhiệm Nhà thuốc đông y Thọ Xuân Đường
Phúc Khai Lăng thờ ngự y Phùng Văn Côn tại Yên Định – Thanh Hóa
Tiến sỹ - lương y Phùng Tuấn Giang cùng con cháu Họ Phùng và đoàn Nhà thuốc Thọ Xuân Đường thắp hương tại Phúc Khai Lăng.