DÂY THÌA CANH – DƯỢC LIỆU QUÝ GIÚP ĐIỀU TRỊ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG
Các nghiên cứu cho thấy, hoạt chất chính trong Dây thìa canh là gymnemic có tác dụng làm tăng tiết insulin của tuyến tụy, tăng cường hoạt lực của insulin, ức chế hấp thu glucose ở ruột... Chính nhờ hoạt chất này mà Dây thìa canh trở thành loại dược liệu quý và được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng làm thuốc điều trị bệnh tiểu đường.
Dây thìa canh (Gymnema sylvestre) còn có tên gọi khác là Muôi hay Lõa ti rừng thuộc chi Lõa ti (Gymnema) họ Trúc đào (Apocynaceae), có xuất xứ từ rừng nhiệt đới thuộc miền nam và miền trung Ấn Độ. Đến nay, loài cây này đã được biết đến và sử dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới để chữa bệnh tiểu đường với các tên gọi khác nhau như Diabeticin (Ấn Độ), Sugarest (Mỹ), Glucos care (Singapore)...
Ở Việt Nam, Dây thìa canh được xếp vào loại dây leo và được tìm thấy nhiều ở các tỉnh phía bắc và miền trung. Cây ra hoa vào tháng 6 và ra quả vào tháng 8 hàng năm. Khi chín, quả rụng xuống đất, tách đôi giống 2 chiếc thìa, vì thế người dân thường gọi loại cây này là Dây thìa canh hay cây Muôi. Về mặt hình thái, Dây thìa canh được chia làm 2 loại lá to và lá nhỏ, trong đó loại lá to có tác dụng chữa bệnh tốt hơn loại lá nhỏ. Toàn bộ lá và phần dây của cây đều có thể dùng làm thuốc. Theo kinh nghiệm dân gian, Dây thìa canh được sử dụng làm thuốc chữa bệnh tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid, tăng huyết áp... Đây là loại cây có tiềm năng dược liệu, vì vậy, hiện nay, cây được trồng nhiều ở các vườn thuốc của các trung tâm, trạm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc thuộc Viện dược liệu. Ngoài ra, dây thìa canh còn được đưa đến các hộ nông dân một số tỉnh phía Bắc trồng và phát triển.
Thành phần có hoạt tính sinh học chính của Dây thìa canh là hoạt chất GS4 (Gymnema Sylvestre kiềm hóa lần thứ 4) gồm nhiều axit gymnemic - một loại saponin triterpenoid có tác dụng kích thích sản sinh tế bào β tuyến tụy, nhờ đó tăng cường sản xuất insulin, tăng hoạt tính của insulin, giúp kiểm soát và ổn định đường huyết. Các axit gymnemic còn có tác dụng ức chế hấp thu đường ở ruột non do có cấu trúc phân tử gần giống với đường glucose; ức chế sự chuyển hóa glycogen ở gan thành glucose ở máu, đồng thời kích thích các enzym sử dụng đường tại các mô cơ.
Các nghiên cứu về sử dụng Dây thìa canh chữa bệnh nói chung, bệnh tiểu đường nói riêng đã được thực hiện tại nhiều nước trên thế giới. Có thể kể đến như: Năm 2012, Aziza A.M.El Shafey (Ai Cập) và cộng sự đã nghiên cứu làm sáng tỏ tác dụng của dây thìa canh lên một số thông số sinh lý của chuột tiểu đường. Chuột mắc bệnh tiểu đường có biểu hiện gia tăng đáng kể glucose huyết, ALT, AST, triglyceride, cholesterol toàn phần, cholesterol LDL-cholesterol malondialdehyde, catalase, giảm glutathione và giảm đáng kể insulin, HDL-cholesterol và SOD. Chiết xuất dây thìa canh liều 18 mg/kg thể trọng được dùng bằng đường uống trong 30 ngày trên chuột tiểu đường gây ra bằng streptozotocin (STZ) giúp giảm đáng kể glucose huyết tương, ALT, AST, triglycerides, cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol, malondialdehyde và tăng đáng kể insulin, HDL-cholesterol và SOD so với chuột tiểu đường chưa được điều trị. Các nghiên cứu về sau cũng đã chứng minh những tác dụng có lợi của chiết xuất dây thìa canh lên các chỉ số hóa sinh máu của chuột bị tiểu đường với các liều khác nhau. Năm 2015, các nhà khoa học Ấn Độ (Kusum Devi và cộng sự) đã sử dụng chiết xuất dây thìa canh làm thành dạng viên ngậm tan, công thức này loại bỏ được vị đắng khó chịu của dược liệu, có thể tạo ra một hiệu ứng chống ngọt trong thời gian 30 phút. Bất kỳ loại thực phẩm ngọt nào tiêu thụ trong khoảng thời gian này đều không có vị ngọt. Đây một biện pháp đơn giản, mới mẻ và khả thi để giúp kiểm soát cảm giác thèm ăn, do đó kiểm soát được lượng calo từ các chất ngọt và giúp phòng chống bệnh tiểu đường và béo phì. Năm 2016, Bhagyashree Kamble (Ấn Độ) và cộng sự đã nghiên cứu về ảnh hưởng của chiết xuất dây thìa canh (Sylvestre Gymnema) đối với dược động học và dược lực học của glimepiride (GLM) ở chuột gây bệnh tiểu đường bằng streptozotocin. Nghiên cứu tương tác dược động học và dược động học đã được thực hiện trên mô hình chuột bị tiểu đường bằng STZ sau khi dùng đồng thời 400 mg/kg chiết xuất G. sylvestre và 0,8 mg/kg GLM trong 28 ngày cho thấy tương tác dược động học có lợi trong khi không có thay đổi lớn trong các thông số dược động học của GLM và GMG.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của PGS.TS Trần Văn Ơn (Trường Đại học Dược Hà Nội), Dây thìa canh có tác dụng tốt trong điều trị bệnh tiểu đường vì khi người bệnh uống vào các hoạt chất trong cây sẽ tác động vào cả 4 quá trình: Làm giảm quá trình hấp thu đường ở ruột; tăng sản xuất và hoạt tính insulin; tăng men sử dụng đường ở mô, cơ đồng thời tăng bài tiết cholesterol qua đường phân; giảm cholesterol và triglycerid trong máu, hạ LDL-c, giảm lipid trong máu và trong gan, nhờ đó vừa giúp hạ đường huyết vừa ổn định đường huyết, ngăn ngừa hiệu quả những biến chứng của bệnh tiểu đường. Còn theo một nghiên cứu tại Ấn Độ được thực hiện trên 22 bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường type 2, sau 18-20 tháng sử dụng Dây thìa canh kết hợp với thuốc chữa tiểu đường khác đã giúp giảm đường đường huyết, đồng thời giảm hemoglobine A1C đáng kể và kéo theo tăng lượng insuline tiết ra từ tụy tạng cho người bệnh.
Đặc biệt, đầu tháng 3 năm nay, tạp chí khoa học quốc tế uy tín hàng đầu châu Âu Phytochemistry (Hiệp hội Thực vật hóa học châu Âu và Hiệp hội Thực vật hóa học Bắc Mỹ) đã công bố kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam và Hàn Quốc về thành phần hóa học và tác dụng sinh học của Dây thìa canh Việt Nam. Kết quả nghiên cứu đã gây ấn tượng mạnh khi lần đầu tiên phân lập được 9 hoạt chất saponin (có tên là gymnemosides ND1-ND9) có tác dụng giúp hạ đường huyết. Đồng thời, các nhà khoa học đã xác định được thời điểm những hoạt chất này được tích lũy hàm lượng cao nhất để thu hái là vào tháng 5 và 10. Đây được coi là một phát hiện quan trọng, giúp xác định được hoạt chất thực sự có tác dụng hạ đường huyết từ Dây thìa canh để phục vụ cho việc sản xuất thuốc điều trị bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, các nghiên cứu khác cũng cho thấy trong Dây thìa canh còn chứa các thành phần hóa học khác như flavonoid, anthraquinone, hentriacontane, pentatriacontane, resins, α và β- chlorophylls, phytin, D-quercitol, axit butyric, axit formic, peptide gumarin... có tác dụng giảm mỡ máu, hỗ trợ điều trị cao huyết áp, hạn chế tổn thương gan... Dịch chiết từ thân của cây còn chứa thành phần alcaloid có tác dụng chống sốt rét, ung thư, loạn nhịp tim. Lá Dây thìa canh được sử dụng làm thuốc chống rối loạn tiêu hóa, giải độc, kháng vi khuẩn, virus, bảo vệ tế bào gan, đắp ngoài chữa rắn hoặc côn trùng cắn. Khi nhai lá Dây thìa canh tươi, các peptid gumarin trong cây sẽ lấp đầy các receptor ở lưỡi làm lưỡi không hấp thu được đường glucose. Peptid gumarin còn tác động lên vùng dưới đồi gây mất hoặc giảm cảm giác ngọt và đắng. Tuy nhiên, tác dụng này chỉ có khi sử dụng lá tươi và mất đi khi dùng Dây thìa canh được nấu chín hoặc phơi khô. Ngoài tác dụng chống tăng đường huyết, dây thìa canh còn được nghiên cứu chứng minh tác dụng kháng khuẩn. Năm 2013, Beverly C.David (Ấn Độ) và cộng sự đã nghiên cứu đánh giá hoạt tính kháng khuẩn của dịch chiết nước, methanol, chloroform và hexan của lá dây thìa canh (Gymnema sylvestre). Việc sàng lọc tính kháng sinh của các chất chiết xuất từ G. sylvestre đối với hầu hết các vi khuẩn, nấm phổ biến như Staphylococcus aureus, Bacillus cereus, Klebsiella pneumoniae, Escherichia coli, Candida albicans, Candida tropicalis, Candida krusei và Candida kefyr. Kết quả cho thấy chiết xuất nước và methanol có hoạt tính kháng khuẩn và kháng nấm đáng kể đối với các vi sinh vật được lựa chọn khi so sánh với các thuốc tiêu chuẩn tương ứng.
Dây thìa canh thích hợp dùng cho cả bệnh nhân đái tháo đường type 1 và 2, với tác dụng ổn định đường huyết, giảm lipid máu, rất có hiệu quả khi dùng phối hợp với các liệu pháp chữa bệnh tiểu đường khác. Để hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, mỗi ngày nên dùng 50 g Dây thìa canh khô đun sôi với 1,5 lít nước trong 15 phút và uống 3 lần/ngày sau bữa ăn 15-20 phút là tốt nhất để ổn định lượng đường huyết trong máu. Bên cạnh đó, có thể dùng kết hợp với cây Nở ngày đất (Gomphrena celosiodes) để tăng cường hiệu quả điều trị bệnh tiểu đường. Các kết quả thử nghiệm cho thấy, rất nhiều bệnh nhân tiểu đường sử dụng cây thuốc này đều đáp ứng rất tốt và chưa thấy có trường hợp nào gặp phải tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, tiểu đường vẫn là bệnh chưa điều trị được khỏi dứt điểm. Các loại thuốc, kể cả thuốc từ cây Dây thìa canh cũng chỉ có tác dụng tăng tiết insulin ở tuyến tụy, giúp bệnh nhân ổn định đường huyết trong ngày, do vậy cần phải sử dụng loại cây này hàng ngày và liên tục.
Năm 2015, Một nghiên cứu lâm sàng của Sunil Mahajan (Ấn Độ) và cộng sự trên 32 bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 đã được thực hiện. Bệnh nhân được dùng bài thuốc gồm 10 loại thảo dược: Dây thìa canh (G. sylvestre), Trâm mốc (Syzygium cumini), Me rừng hay Amla (Phyllanthus emblica), Nghệ vàng (Curcuma longa), Pterocarpus marsupium, Chiêu liêu (Terminalia chebula), Muồng hoàng yến (Cassia fistula), Picrorhiza kurroa, Swertia chirata, và Bàng hôi (Terminalia bellirica). Bệnh nhân được dùng 50ml dung dịch nước chiết xuất từ 10g bài thuốc này mỗi ngày khi đói trong 6 tháng. Kết quả cho thấy sự giảm đáng kể lượng đường trong máu và nồng độ HbA1c, giảm LDL-cho, giảm cholesterol toàn phần, giảm triglycerid, tăng HDL-cho. Bài thuốc này được đánh giá là một liệu pháp an toàn và hiệu quả trong điều trị đái tháo đường type 2.
Nhiều bệnh nhân tiểu đường vẫn đang sử dụng dây thìa canh cùng với thuốc hạ đường huyết thông thường. Do đó, cần có bằng chứng đánh giá ảnh hưởng khi dùng dây thìa canh để kiểm soát đường huyết cùng với thuốc hạ đường huyết thông thường.
Dây thìa canh đã được nghiên cứu khá nhiều về thành phần hóa học và tác dụng dược lý, tuy nhiên đa phần các nghiên cứu chủ yếu được thực hiện trên động vật thực nghiệm. Để phát huy tiềm năng dược liệu của dây thìa canh cần có những nghiên cứu sâu và rộng hơn như: Nghiên cứu các sản phẩm có sử dụng dây thìa canh và các dược liệu dong y khác để giúp kiểm soát đường huyết, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, có thể nghiên cứu an toàn, hiệu quả trên cả động vật thực nghiệm và lâm sàng.
Tiến sĩ – Lương Y: Phùng Tuấn Giang
Chủ tịch Viện nghiên cứu và phát triển Y Dược cổ truyền Việt Nam