PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG BẰNG NAM Y
Bài đăng Tạp chí Người Cao tuổi số 129 (3482) ngày 30/06/2023
Cổ nhân dạy: “Thuận theo Thiên lý tất hưng thịnh, chống lại Thiên lý sẽ tiêu vong”. Con người tồn tại và phát triển theo quy luật tự nhiên, nếu phá vỡ quy luật tự nhiên ấy ắt sẽ sinh bệnh. Bệnh đái tháo đường sinh ra do thói quen ăn uống, sinh hoạt trái tự nhiên của con người, do đó để kiểm soát nó ta dùng Liệu pháp thiên nhiên là “khôn ngoan” nhất.
Liệu pháp thiên nhiên tức là điều trị theo phương pháp tự nhiên, mà ở Việt Nam: Nam y là đại diện. Liệu pháp thiên nhiên giúp con người trở về với quy luật tự nhiên, gần gũi với thiên nhiên.
Bệnh nguyên bệnh cơ
Theo lý luận y học cổ truyền, bệnh do nhiều yếu tố gây nên. Thứ nhất là do tiên thiên bất túc, tức nguyên khí bị hư. Thứ 2 là do hậu thiên: Do ăn uống thất điều, quá no hay quá đói, ăn nhiều chất béo, ngọt, tinh thần không ổn định, tình chí thất điều làm ảnh hưởng đến công năng của các tạng phủ. Bệnh thường xảy ra ở người cao tuổi. Các nhân tố gây bệnh thường phối hợp với nhau gây ra những hội chứng bệnh trong bệnh tiêu khát.
- Tiên thiên bất túc: Do bẩm tố tiên thiên bất túc, ngũ tạng hư yếu, tinh khí của các tạng đưa đến thận để tàng chứa giảm sút dẫn đến tinh khuy dịch kiệt mà gây ra chứng tiêu khát.
- Ăn uống không điều độ: Ăn quá nhiều đồ béo ngọt, uống quá nhiều rượu, ăn nhiều đồ cay nóng lâu ngày làm nung nấu, tích nhiệt ở tỳ vị, nhiệt tích lâu ngày thiêu đốt tân dịch mà gây ra chứng tiêu khát.
- Tình chí thất điều: Do suy nghĩ, căng thẳng thái quá, do uất ức lâu ngày, lao tâm lao lực quá độ mà ngũ chí cực uất hóa hỏa. Hỏa thiêu đốt phế, vị, thận làm cho phế táo, vị nhiệt, thận âm hư. Thận âm hư dẫn đến tân dịch giảm, phế táo làm mất chức năng tuyên phát túc giáng, thông điều thủy đạo, không đưa được nước, tinh hoa của thủy cốc đi nuôi cơ thể mà dồn xuống bàng quang nên người bệnh khát nước, tiểu nhiều, nước tiểu có vị ngọt.
- Phòng lao quá độ: Do đam mê tửu sắc, phòng lao quá độ làm thận tinh hao tổn, hư hỏa nội sinh làm tân dịch càng khuy kiệt. Cuối cùng thận hư, phế táo, vị nhiệt dẫn đến tiêu khát.
- Dùng thuốc ôn táo kéo dài làm hao tổn tân dịch.
5 bí quyết vàng kiểm soát bệnh đái đường bằng liệu pháp thiên nhiên
- Tâm lý liệu pháp
Những ảnh hưởng của xã hội ảnh hưởng đến tâm lý của con người. Vì vậy bệnh nhân cần phải tránh xa những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, lo nghĩ, giận dữ… Bệnh nhân nên tĩnh tâm, vui vẻ, có sự tha thứ và niềm tin tưởng sẽ giúp cho khí huyết được thông sướng, ngũ tạng được điều hòa.
- Dưỡng sinh khí công
Tinh - khí – thần là tam bảo của con người, 3 vật báu này được đầy đủ, điều hòa thì cơ thể sẽ khỏe mạnh, chống lại được bệnh tật. Muốn được như thế thì việc tập dưỡng sinh khí công, luyện ý, luyện thở, luyện thể hình mỗi ngày là rất quan trọng. Đại Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh (thế kỷ XIV) đã tổng kết phương pháp dưỡng sinh bằng 2 câu thơ sau:
“Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”
Theo góc độ của y học hiện đại, việc luyện tập sẽ giúp cơ thể tiêu thụ glucose dễ dàng, giảm đường máu, giảm trọng lượng cơ thể, từ đó giảm được các biến chứng của bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, khi luyện tập cần phải chú ý những điểm sau:
- Xây dựng chế độ luyện tập phù hợp với tình trạng sức khỏe người bệnh.
- Nên tập các bài tập nhẹ nhàng, không nên quá sức, không nên tập quá sớm hoặc quá muộn.
- Cần phải có biện pháp chống hạ đường máu trong khi tập luyện.
- Không tập luyện khi đang mắc kèm theo các bệnh cấp tính, hay những biến chứng cấp tính của bệnh đái tháo đường.
- Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt
Theo lý luận của y học cổ truyền, dựa vào nguyên nhân gây bệnh, chứng hậu chứng trạng mà phân ra các thể bệnh khác nhau. Mỗi thể bệnh sẽ có pháp điều trị khác nhau mà từ đó đưa ra phương huyệt thích hợp.
Châm cứu bao gồm châm bổ các huyệt để kiện tỳ vị, ích khí, bổ thận thủy, châm tả các huyệt để tả vị nhiệt, phế táo, cứu hay ôn châm các huyệt để ôn dương. Xoa bóp bấm huyệt để lưu thông khí huyết, bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng thần kinh vi mạch cần phải xoa bóp để mạch máu lưu thông, giảm tình trạng tê bì, loét, hoại tử tứ chi. Có thể kết hợp với nhĩ châm (châm loa tai) các điểm Nội tiết, Thận, Bàng quang. Mai hoa châm, gõ dọc kinh bàng quang ở vùng lưng, kích thích mức độ vừa các du huyệt trên lưng.
- Dùng thuốc
Sử dụng các vị thuốc Nam, thuốc Bắc có nguồn gốc thiên nhiên từ thực vật. Tùy theo chứng hậu, mức độ tổn thương nông sâu của tạng phủ khí huyết mà đưa ra pháp phương phù hợp.
Ngoài những phương thuốc có tác dụng phù hợp với pháp điều trị, đối với bệnh nhân tiêu khát cần phải gia các vị thuốc bổ âm, sinh tân như: Huyền sâm, Thạch hộc, Ngọc trúc, Mạch môn, Sinh địa, Thiên hoa phấn…. Và những vị thuốc đã được nghiên cứu chứng minh có tác dụng hạ đường huyết như: Thiên hoa phấn, Cát căn, Sinh hoàng kỳ, Cẩu kỷ tử, Khổ qua,…
- Chế độ ăn hợp lý
Cổ nhân có câu “bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất”, ý nói rằng bệnh tật là do từ miệng mà vào, tai họa là do từ miệng mà sinh ra. Vì ăn uống không điều độ, không đúng khoa học nên trăm thứ bệnh cũng bắt nguồn từ việc ăn uống. Ăn quá nhiều đồ béo ngọt, uống quá nhiều rượu, ăn nhiều đồ cay nóng lâu ngày làm nung nấu, tích nhiệt ở tỳ vị, nhiệt tích lâu ngày thiêu đốt tân dịch mà gây ra chứng tiêu khát.
Vì vậy, việc xây dựng chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường là vấn đề quan trọng nhất, xuyên suốt quá trình điều trị bệnh, phòng các biến chứng cấp tính và mãn tính.
- Hạn chế các đồ ăn cao lương mỹ vị, giảm ăn các chất cay, béo, ngọt. Nên ăn nhiều hoa quả, rau xanh, đậu đỗ, các loại củ, loại hạt… Tốt nhất là nên sử dụng ở dạng thô, không qua chế biến để chúng ta hấp thụ được nhiều nhất tinh hoa của trời đất.
- Không nên ăn quá nhiều dầu mỡ để tránh nê trệ hại tỳ vị.
- Tuyệt đối kiêng rượu và thuốc lá, vì rượu tính ôn vị cay phát tán vào cơ thể làm cho hao tân dịch, làm tăng bệnh và dễ gây biến chứng.
Dinh dưỡng trực quan cho bệnh nhân đái tháo đường cần đảm bảo những nguyên tắc sau:
- Đủ calo cho hoạt động sống bình thường.
- Đủ các yếu tố vi lượng.
- Thực hiện đúng giờ ăn, số lượng bữa ăn trong ngày phù hợp.
- Nếu bệnh nhân kèm theo thừa cân, béo phì cần giảm 10 – 20% lượng chất đưa vào cơ thể.
- Thức ăn đa dạng, nhiều thành phần. Có sự cân đối giữa các thành phần lipid, protein và glucid.
+ Lipid: Hạn chế sử dụng mỡ động vật, nội tạng động vật, bơ có thể dùng ít dầu thực vật không bão hòa như dầu oliu, dầu hướng dương, dầu đậu nành….
+ Protein: Giảm lượng protein từ động vật, nên sử dụng nguồn protein từ nấm hay các loại đậu đỗ. Lượng protein cần trong ngày khoảng 8g/kg cân nặng.
+ Glucid: Là nguồn cung cấp năng lượng chính, chiếm 60 – 65% tổng calo cần thiết trong ngày. Bệnh nhân đái tháo đường nên lựa chọn nguồn carbohydrate từ ngũ cốc thô, rau quả tươi và tránh xa đường tinh luyện, ngũ cốc tinh chế và các sản phẩm từ ngũ cốc tinh chế như bánh mì, bánh quy, pizza…
+ Chất xơ: Chất xơ có tác dụng làm chậm hấp thu glucid và lipid làm giảm tình trạng tăng đường máu và mỡ máu sau ăn. Chất xơ có nhiều trong các loại rau xanh, củ, quả tươi. Nên áp dụng nguyên tắc khi ăn rau củ quả là: Ăn sống, nhai kỹ, nuốt chậm.
+ Vitamin và khoáng chất: Việc ăn sống các loại rau củ quả tươi không chỉ cung cấp chất xơ mà còn cung cấp lượng lớn các vitamin, khoáng chất và enzyme có lợi. Việc nấu quá kỹ các loại thực phẩm sẽ làm mất đi những vi chất này.
- Hạn chế rượu, bia, cà phê, thuốc lá, gia vị cay nóng…
Phương châm số 1 cho bệnh nhân đái tháo đường đó là “Hãy để thức ăn là thuốc, đừng để thuốc là thức ăn của bạn”.
Link điện tử:
https://ngaymoionline.com.vn/phuong-phap-dieu-tri-benh-dai-thao-duong-bang-nam-y-44905.html
Tiến sĩ – Lương y Phùng Tuấn Giang