SKCĐ – KÝ SỰ SÂM NGỌC LINH :
KỲ CUỐI - CHẠM MẶT “BẢO VẬT” QUỐC GIA
Bài đăng báo Sức khỏe cộng đồng Số 37 (87) ngày 20/11/2019
Trời hửng nắng. Thiên nhiên vừa trang trọng, hùng vĩ, vừa gần gũi, tình cảm, rừng xanh mướt trải dài hết tầm mắt. Rừng ấm áp và oai phong, rừng hào phóng và hiểm nguy…Nhưng Rừng cũng sẽ cho đi hết mình, nếu con người biết yêu rừng đúng cách. Chuyến đi đã để lại những kỷ niệm không thể nào quên được đối với đoàn công tác và với tác giả bài viết này…
Gian nan mới chỉ bắt đầu
Đôi giày của tiến sĩ Phùng Tuấn Giang – Chủ tịch Viện bất ngờ bị bung đế, gắn keo không ăn, buộc dây cũng tuột, bọc bằng túi nilon không xong, nên anh bước đi thập thõm, thì thụt trong nước lạnh và bùn lép nhép, khiến tốc độ của chúng tôi giảm đáng kể. Không để cả đoàn bị ảnh hưởng tiến độ, anh quyết định xé đế cao su bên ngoài chỉ còn lớp lót bên trong để đi. Mọi người được một phen hoảng hốt vì như thế sẽ không còn độ bám khi vào rừng già rất khó leo nhưng không có đường lui, tiến sĩ Giang nói: “cứ đi thôi, tôi đã xin thần rừng thần núi bảo vệ cho chúng ta”. Ít nhất lúc đó ở thế giới tâm linh chúng tôi cũng tin như vậy…
Hơn nữa, tiến sỹ Giang còn cho biết, đôi giày này đã cùng anh leo không biết bao nhiêu con dốc đứng, bao nhiêu rừng sâm trong suốt 7 năm qua, nên anh tin rằng dù có bị hỏng, nó cũng sẽ vẫn cùng anh đến đích ! Và sự thật thì đúng là thế. Thực ra sức mạnh đến chính là từ niềm tin. Khi ta xác quyết với chính mình rằng “cứ đi , sẽ tới”, là ta sẽ tới. Đỉnh không phải là nơi không thể tới !
Nghỉ ở bìa rừng già tầm 10 phút uống nốt ly cà phê mang theo, ở độ cao 1500 mét không khí trong lành, làn sương khói phảng phất và bắt đầu se lạnh. Không nghỉ lâu vì theo kinh nghiệm leo rừng của người bản địa, ngồi lâu sẽ mỏi và cứng cơ nên chúng tôi tiếp tục men theo con suối để đi vào rừng già. Những cây cổ thụ dần hiện ra… Gió bắt đầu rao rít trên đầu chúng tôi, các cành lá quật vào nhau phần phật…Đây mới là lúc mà chặng đường thứ hai với vô vàn khó khăn bắt đầu hiện ra. Rừng thay đổi độ cao, dốc dựng đứng, các rễ cây nhô lên chằng chịt cản bước chân, đá lổn nhổn nhọn hoắt, mép suối, bờ mương đều trơn tuột, không cẩn thận có thể ngã lăn xuống lòng suối…
Cảnh rừng núi bao la, mênh mông, không một bóng người, không hứa hẹn một sự thoải mái nào với sự hun hút của rừng xanh, mới thấy anh em chúng tôi thật nhỏ bé, vừa đi tôi vừa nhìn láo liên chung quanh. Càng đi sâu vào rừng già càng lạnh và có mưa. Mưa rừng. Chỉ mới qua ngầm suối đầu tiên thôi mà tất cả các thành viên trong đoàn chỉ còn giữ được mỗi chiếc ba lô khô ráo. Nước suối mùa này lúc nào cũng gầm gào, chảy xiết và lạnh băng. Có hai cách để qua suối : hoặc là nhảy từ tảng đá nọ sang tảng đá kia ở dưới lòng suối. Cách này được nhiều người chọn hơn vì mới trông có vẻ an toàn. Nhưng thực ra, nếu không cẩn thận, giẫm vào hòn đá trơn đầy rêu, thì khả năng vỡ mặt, gãy răng, trầy đầu gối là rất cao. Hoặc là đi qua cây cầu khỉ bắc ngang suối, trên độ cao chừng hơn chục mét, chỉ có một sợi dây thép chăng ngang để nắm lấy, và một thân cây tre đường kính độ chục phân để đặt chân lên. Mới nhìn tưởng dễ, chỉ cần đi ngang bàn chân ra trên thân cây tre là ổn, nhưng khi đi giữa chừng mới thấy kỹ năng giữ thăng bằng trên cây cầu khỉ này là cực kỳ quan trọng. Vì trọng lượng thân người, gió rừng và độ “kiên cố” của cây cầu cứ như hợp lực vào để “trêu ngươi” một người vốn ít vận động và hay sợ độ cao như tôi…. Có lẽ tôi cũng không hiểu bằng cách nào mà tôi lại qua được cây cầu này, chỉ nhớ rằng ngay khi bước chân cuối cùng được đặt xuống mặt đất, trong đầu tôi vang lên câu thề “thề lần sau không bao giờ qua cầu kiểu này nữa” !!!
Dù đã sắm mỗi người một cây gậy, nhưng lắm đoạn dốc thẳng đứng, anh em leo lên phải đu vào những cây rừng, nhiều khi túm vội vào cây rừng có gai, rách tay chảy máu, có đoạn ngã uỵch bất chấp. Từ đây chỉ có một lối duy nhất và khó có thể gọi là đường, là “đạo”, vì chỉ đủ để đặt một phần ba bàn chân thôi… Cứ men lối đó mà đi lên, chính xác là phải bò vì dốc thẳng đứng không ngẩng mặt lên được.
Có những ngọn núi dốc dựng 70 độ, người trước lên phải quay lại kéo người lên sau, thậm chí chìa gậy của mình cho người sau nắm lấy để mà leo lên. Hang đá, dốc núi trơn trượt, kèm theo mưa khiến cho chúng tôi thở ra cả bằng đường tai. Những nông dân trồng sâm họ quen với lối đi nên vừa đi họ vừa nói chuyện cho chúng tôi bớt căng thẳng, vừa lôi vừa kéo vừa đẩy từ sau lưng giúp hai người phụ nữ chúng tôi, bởi nếu không may sẩy chân, chắc chắn bị rớt xuống vách đá sâu hun hút. Trong suốt quãng đường đi tôi luôn hỏi sắp đến chưa, mấy giờ rồi, anh Quang quay lại : sắp tới rồi. Thành ra tôi luôn là người phải cố gắng nhất đoàn. Tôi lúc đó cũng lo sợ bởi vô cùng hoang vu và cheo leo, mệt bã người… chỉ cần lơ là là mất mạng. Những lúc như vậy tôi cũng thấy run và chỉ có thể lấy lại ý chí khi nghĩ về con gái nhỏ ở nhà… Nào cố lên !!!
Trong không gian nhỏ hẹp và đầy trơn trượt này tôi hiểu chỉ một bước chân sai vị trí cũng có thể kéo tụt mình xuống vực. Nhìn những dấu giày kéo xước trên mặt đất của người đi trước tôi càng thận trọng hơn mỗi bước di chuyển.
Đến một cây gỗ to bị đổ chắn ngang đường chúng tôi phải bỏ ba lô ra lom khom bò sát mặt đất thì mới chui qua được khe đó.
Qua con dốc lớn đầu tiên ngồi nghỉ ngơi ở một gốc cây phải năm người ôm mới xuể, nước phát mang theo đã hết, anh Quang vô tình tiết lộ khiến tay chân tôi càng thêm bủn rủn: Còn hai con dốc và ba con suối nữa là đến.
Thầy Cương và anh Hoài, phó giáo sư Lĩnh bắt đầu đi trước cách xa chúng tôi, khi không thấy người thì chỉ có “hú” lên thì mới biết nhau vẫn ở rừng. Họ đi trước để kịp theo bác dân tộc gùi hàng lấy nước uống. Mặc dù đeo nặng nhưng bác dân tộc chân đất đó đã đi mất hút chúng tôi từ lâu lắm rồi. Thật đáng khâm phục!
Cơn khát và cơn đói bắt đầu cồn cào, có người đã bị ngã khá đau do trượt chân, anh Quang phải đi theo sau để dìu. Tiến sĩ Giang phải cố bám các ngón chân để giữ chặt từng bước leo của đôi giày đầy bùn đất và đang ướt nhèm vì mất đế đã không còn độ bám… Chúng tôi cũng đi được nửa chặng đường theo lời thầy Hướng nói.
Rừng núi càng thêm âm u, mưa lách tách, anh Quang nói may mà đi mưa nhỏ như này mới có sức chứ nắng thì mồ hôi ra không chịu được. Đến một đoạn thoai thoải chúng tôi ngồi xuống nghỉ ngơi, lúc này không ai nói với nhau câu nào chỉ có ánh mắt nhìn nhau. Chúng tôi bắt đầu thấy đói vì bát cháo lúc ăn sáng đã hết sạch từ lâu, bắt đầu run chân run tay. May sao, anh Hướng lấy trong túi ra một gói mì tôm sống, chia cho mỗi người một mẩu. Thầy Hướng nói hồn nhiên: “sáng nghe điện thoại của anh Hoài em vội chạy lên chờ các anh các chị, còn chưa ăn sáng đâu hè”!!! Không những vậy thầy Hướng còn đi một đôi dép lê, tôi thốt lên “thế mà anh cứ leo như khỉ ấy nhỉ”. Thầy Hướng đùa lại: “thì anh sinh năm con hổ mà”. Ui cha tiếng cười lan tỏa giữa nơi rừng thiêng nước độc làm nỗi hoảng sợ cũng phút chốc tan biến. Rồi chúng tôi cố leo qua một con dốc con và bước vào khu đất mùn rất nhiều. Với những người yêu sâm Ngọc Linh thì họ biết đây là khu chất lượng đất rất tốt cho việc trồng sâm.
Tình người ở trạm sâm
Nỗi ám ảnh vắt rừng đã thay thế bằng nỗi sợ trượt chân mỗi khi băng cắt qua các con suối, phần vì rêu bám rất trơn, phần vì thấy anh Giang ngã khá đau và phần vì giày tôi đã bám khá nhiều bùn đất, mỗi bước chân nếu không vững thì có khả năng sẽ nằm trọn xuống con suối. Với tình hình này, thì vắt hay ruồi vàng chỉ còn là chuyện nhỏ. Cô Liên, người phụ nữ lớn tuổi nhất đoàn đến khi lên đỉnh mới cho hay đã để kệ cho hàng chục con vắt chui vào giày, tha hồ hút máu, vì “ không muốn làm cho đoàn nhụt ý chí ” nếu phải dừng chân bắt vắt đuổi ruồi…
Chúng tôi leo lên một khoảng dốc đứng, lòng bàn chân bám chặt vào những khoảng mùn có dấu dao của đoàn đi trước chặt đánh dấu. Thung lũng bắt đầu hiện ra… Ngạc nhiên khi đây là một khoảng thoai thoải và rất nhiều cây cổ thụ và một mùi thơm rất đỗi diệu kỳ. Ồ! Rừng sâm Ngọc Linh đây rồi. Đã tới trạm sâm Trà Cang.
Khói từ ngôi nhà gỗ lảng vảng và hơi ấm đã hiện hữu. Thầy Cương ló ra khỏi căn nhà gỗ hô lên: “đoàn đến rồi!”. Mâm cơm đã bày biện sẵn. Chao ôi ! 1 giờ chiều! 5 tiếng đồng hồ leo vật vã…vất vả lắm mới có bữa cơm. Ở xứ lạnh này thì chỉ trồng mỗi được cây su su còn nuôi con gì, trồng cây gì cũng chết nên lên đến vùng thâm sơn cùng cốc này mà nhìn thấy bát cơm trắng, ít rau rừng, thịt lợn ướp muối mặn quắt cổ họng thật như sơn hào hải vị. Mọi người quây quần bên mâm cơm uống vài chén rượu cho ấm bụng. Bếp lửa chập chờn. Ngoài vườn Nàng tiên sâm e ấp rung rinh trong gió ngàn như chào đón đoàn người dám bất chấp gian khổ để đến với nàng….
Tôi cố ăn bát cơm nấu hơi nát để lấy sức, nhưng quả đúng thật sau khi ngồi nghỉ ngơi ăn cơm thì chân tôi bắt đầu cứng lại và đau các cơ. Mọi người cơm nước xong xuôi di chuyển lên vườn sâm để khảo sát mức độ sâm bị bệnh ở đây. Phó giáo sư Lĩnh và Tiến sĩ Giang tận tay kiểm tra từng gốc, kẽ lá sâm và lấy mẫu mang về kiểm nghiệm. Họ cũng chia sẻ nhiều điều về việc đưa khoa học công nghệ vào trồng sâm Ngọc Linh làm sao để nâng cao năng suất và phòng chống dịch bệnh. Điều đáng mừng là, sau khi sử dụng chế phẩm của Viện, “ nàng tiên sâm” đã hồi sức, thoát khỏi dịch bệnh và đang vươn lên xanh tốt, nhất là sau khi được bổ sung dung dịch “ hồi sức ” khiến nàng lại người nhanh chóng. Những cành lá xanh mướt mát của nàng rung rinh trước gió như đón chào những người ân nhân đã giúp nàng hồi sinh. Người trồng sâm trên trạm Trà Cang hi vọng với việc các nhà khoa học đến thực tế sẽ mở ra cho họ một con đường mới bớt vất vả, nhọc nhằn hơn.
Chân đau buốt tôi không thể bước tiếp được nữa, cơ thể như người tụt huyết áp, trong nóng ngoài rét tôi bò lên phản nằm run, lúc này anh Vinh đang trông trạm sâm lấy cho tôi một cái chăn bông thật dày nhưng tôi vẫn thấy lạnh. Tôi co dúm người lại và thiếp đi. Tỉnh dậy đã năm giờ chiều mọi người sau khi khảo sát các vườn sâm xong thì vào sưởi ở bếp, uống chén trà nóng. Ngồi nhâm nhi chén rượu chia tay thầy Cương, thầy Hướng, anh Hoài để họ xuống núi trong đêm còn năm người chúng tôi ở lại.
Ngủ đêm trên đỉnh Ngọc Linh
Đêm trong rừng già nguyên sinh thật lạ. Chung quanh chỉ toàn rừng là rừng; những cây cao chót vót, ngọn nghiêng ngả, rào rào trước cơn gió chiều vừa bắt đầu nổi lên do áp thấp nhiệt đới vừa về. Tôi thấy rợn rợn, sợ hãi trước cảnh non cao rừng cả, thăm thẳm, hun hút…. Chiều xuống nhanh trên đỉnh Trường Sơn. Sương dày đặc bị gió cuốn đi rải thành màn mưa mỏng kéo theo cái lạnh phả vào căn nhà gỗ trạm Sâm Trà Cang, nơi chỉ có 7 anh em chúng tôi đang ngồi bàn bạc, trò chuyện, đau đáu nỗi niềm vì cây sâm Ngọc Linh, vì mong muốn cho cây sâm một sự phát triển bền vững, trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc nơi đây, trở thành Quốc bảo thực sự để đem niềm tự hào về đa dạng sinh học của đất nước Việt Nam ra thế giới…..
Chân cứng và co rút đau đớn cộng với tâm cảm âm u của rừng núi làm tôi bắt đầu khóc. Anh Quang động viên tôi dậy đi lại cho mềm chân, ngâm chân nước nóng với gừng sẽ khắc phục được. Vì đau quá tôi không ngồi dậy được, anh Quang nói: “không dậy là mai không về được đâu, tuần sau mới có người lên thì em mới về được đấy”. Tôi òa khóc như một đứa trẻ. Mặc dù không có cảm giác chạm đất ở lòng bàn chân, tôi lồm cồm gượng dậy húp vội bát cháo nóng. Tự lúc nào anh Vinh – trạm trưởng bảo vệ trạm sâm Trà Cang đã chuẩn bị sẵn cho tôi nồi nước gừng, ngâm chân xong anh đưa chai dầu nóng Hàn Quốc để mát xa giãn gân cốt, lấy lại sức lực. Anh Vinh ngồi trong bếp thủ thỉ: “Lâu lắm rồi trạm sâm mới có đông người ở lại như thế này. Vui lắm em! ”. Anh kể quê anh ở Bắc Trà My, xưa nghèo khổ nên anh và vợ con lên Đăk Lăk trồng cà phê. Rồi “cơn sốt Sâm Ngọc Linh” đã kéo anh quay lại quê hương nuôi “ước mơ” làm giàu. Một năm trôi qua sâm thì chưa thấy nhưng hàng tháng đều đặn anh về Bắc Trà My “lấy lương” để nuôi ước mơ trồng sâm. Hỏi ra là tiền vợ anh bán thóc để mang lên trên này chi tiêu. Quy đổi từ thóc sang sâm thì không biết bao nhiêu mới đủ, cái hay là anh tin nếu cứ trọn tình trọn nghĩa với sâm thì Tiên Sâm sẽ không phụ lòng…Một niềm tin giản dị nhưng xác đáng! một sự kiên trì và bền gan vững chí khó diễn tả thành lời. Phải chăng, ngoài nỗi lo cơm áo gạo tiền, hay mong muốn làm giàu cho gia đình vợ con, các anh cũng đang đau đáu nỗi niềm về mong muốn gìn giữ một loại dược liệu quí vô giá của thiên nhiên Việt Nam, để nhân rộng và phát triển rồi cứu giúp cho biết bao người bệnh trọng, đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân?
Ấy thế mà như được Phật độ, Trời thương, sau khi ngâm chân, thoa dầu nóng xong chân tôi có vẻ dịu đi được đôi phần. Theo kinh nghiệm ngủ rừng của bà con trồng sâm phải tranh thủ vài ba tiếng đầu hôm chứ đêm sương núi xuống, buốt không thể nào ngủ nổi. Vậy là cứ quần áo bẩn chả buồn thay hay rửa mặt chúng tôi cứ thế leo lên giường để ngủ. Đêm đó bốn người bốn võng, tôi nằm giường, Anh Vinh và cu Tuấn trẻ nhất trong những người trồng sâm nằm phản ngoài. Chẳng ai bảo ai, nhưng dường như không ai ngủ được. Mỗi người miên man theo dòng suy nghĩ và cảm nhận riêng. Riêng tôi, chỉ thấy khâm phục và khâm phục. Chỉ thấy ngưỡng mộ ý chí và lòng tin của những người con của rừng xanh, khi họ một lòng một dạ tin rằng “ hết lòng với rừng thì thế nào cũng được rừng đền đáp”…
Trời tang tảng sáng. Không có tiếng gà gáy nhưng chúng tôi lổm cồm ngồi dậy cả vì không thể nằm được nữa, tranh thủ vào bếp khi than vẫn còn âm ấm nhóm bếp nấu một ấm nước. Cả đoàn ăn vội bát mỳ tôm nấu với quả su su rừng để xuống núi. May sao lúc này mưa cũng đã ngớt. Tiến sĩ Giang phải mượn anh Vinh đôi ủng vì đôi giày của anh không thể “bon chen” được nữa. Cô Liên nói: “mang đôi giày về Hà Nội làm kỷ niệm nhé!”. Anh Giang cười khà khà…
Chia tay anh Vinh người đang trông giữ rừng sâm bằng những cái ôm vịn chặt hẹn ngày gặp lại. Anh Vinh bịn rịn… Trong khoảng không gian bao la tình người, tình yêu đối với sâm nghẹn ngào như một dấu lặng dài !!!
Khúc hoan ca khi xuống núi
Xuống núi cũng không hề dễ dàng. Người cứ lao như bay. Nếu không bám chặt thì chỉ mà có lăn lông lốc xuống vực. Đường ẩm ướt khiến đế giày tôi quện đặc sình lầy. Nghe theo hướng dẫn tôi quay lưng đi ngược, theo sức nặng cơ thể mà tụt xuống. Tôi, anh Lĩnh, anh Giang đi trước, anh Quang dìu cô Liên đi sau, chốt đoàn là cu Tuấn gùi ba lô, máy ảnh.
Đoạn qua lại suối lớn anh Giang tiếp tục ngã lần nữa. Anh Lĩnh đi phía trước tìm lối, anh Quang và cô Liên đi sau khá xa, nghe tiếng cô Liên kêu “oái” thì tôi chắc chắn là lại ngã rồi. Đến khoảng rừng mùn có cái hang đá cây mọc phía trên anh Giang lội tận vào trong để vái lậy thần núi, thần rừng. Anh Lĩnh giục đừng ngồi nghỉ lâu lại mỏi thà đi chậm còn hơn đứng một chỗ. Đến cái dốc lớn chúng tôi leo xuống như kiểu leo dây, bám thật chắc vào cây rừng. Lúc này tay tôi bị gai rừng đâm khá đau. Một hai con vắt nhảy tưng tưng ngoài giày tôi bĩnh tĩnh hơn lấy gậy gẩy nó ra. Dường như sau một đêm ngủ rừng ngủ núi, bản lĩnh tôi đã lên được mấy độ rồi, chả còn sợ vắt, sợ ruồi vàng như lúc mới được nghe về nó! Suối nhỏ hiện ra cứ men theo lối đó chúng tôi đã tới bìa rừng. Chao ôi khi thấy cánh đồng lớn chúng tôi như mừng rơi nước mắt. Xem lại đồng hồ anh Giang bảo may quá leo xuống mất có bốn tiếng thôi. Hú hồn.
Vượt qua cánh đồng lau lách, chúng tôi ngồi đợi anh Quang và cô Liên khoảng 15 phút vẫn chưa thấy. Anh Lĩnh giục đi xuống núi ngồi nghỉ đợi luôn một thể chứ đứng lâu không ổn vì chân ai cũng đã căng cứng. Đến rừng tre đoạn này xảy ra một cuộc tranh luận giữa hai người đàn ông: là đi ngã nào? Theo anh Lĩnh là lối lên, còn anh Giang lại bảo lội xuống. Đứng giữa ngã ba đường và vì quá mệt nên tôi kệ cho hai người đàn ông đi hai ngả. Được một lúc anh Lĩnh gọi điện thoại là đi theo anh vì đã ra tới đoạn nhiều bưởi rừng. Anh Giang cũng đã thấy quay lại ngã ba. Vậy là chúng tôi xuống núi an toàn. Xe chuyên dụng đã đợi chúng tôi từ lâu.
Gần 30 phút sau anh Quang và cô Liên lấp ló xuống chân núi. Cả đoàn hoan hỷ tay bắt mặt mừng. Có vài bác nông dân đi thu mua hạt sâm ngang qua thấy chúng tôi họ rất mừng khi được biết tới và nói chuyện với các nhà khoa học.
Nhắc đến đỉnh Trường Sơn giờ đây không còn nghĩ đến chiến tranh, mất mát và đau thương mà đỉnh Trường Sơn bây giờ đang nhen nhóm những giấc mơ làm giàu bằng sâm Ngọc Linh – quốc bảo Quốc gia. Bên cạnh đó việc trồng sâm cũng đang góp phần bảo vệ rừng, bởi còn rừng là còn sâm. Ở đâu Nam Trà My cũng thấy một màu xanh mướt của rừng và của “tiền”- những đồng tiền ngay thẳng, chân chất, đổ mồ hôi, sôi nước mắt với bao sức trai tráng đổ xuống với rừng, kiên gan cùng rừng, lấy cái lợi từ rừng mà không phải phá rừng….Người trồng sâm còn nhiều gian truân lắm, còn mong muốn nhiều lắm. Tỉnh Quảng Nam còn cần nhiều cơ chế chính sách phù hợp hơn nữa để có thể thực sự khơi thông một nghề trồng sâm vừa gian khó vừa lãng mạn, vừa thực tế vừa tràn đầy ước mơ, cho một cuộc đổi đời của người dân nơi đây….
Trời hửng nắng. Thiên nhiên vừa trang trọng, hùng vĩ, vừa gần gũi, tình cảm, rừng xanh mướt trải dài hết tầm mắt. Rừng ấm áp và oai phong, rừng hào phóng và hiểm nguy…Nhưng Rừng cũng sẽ cho đi hết mình, nếu con người biết yêu rừng đúng cách. Chuyến đi đã để lại những kỷ niệm không thể nào quên được đối với đoàn công tác và với tác giả bài viết này…
Trên chuyến xe trở về Tiến sĩ Giang tức cảnh sinh tình sáng tác luôn đôi câu thơ mà chúng tôi càng nghe càng tâm đắc:
Ngọc Linh hùng vĩ hiên ngang
Tiên Sâm e ấp dịu dàng xinh tươi
Ngắm nhìn chẳng muốn xa rời
Ước gì được mãi lả lơi cùng nàng…
Tình Vũ
Link trên báo Sức khỏe cộng đồng điện tử:
https://baosuckhoecongdong.vn/ky-su-sam-ngoc-linh-cheo-leo-tra-cang-142318.html
Quý độc giả quan tâm đến phương pháp nam dược cổ truyền có thể liên hệ:
Nhà thuốc Thọ Xuân Đường: Số 5-7 ngõ 1 phố Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Điện thoại : 024.85874711 - Hotline: 0943406995/0937638282/0943986986