Y HỌC CỔ TRUYỀN ĐIỀU TRỊ BỆNH VIÊM XOANG NHƯ THẾ NÀO?
Bài đăng Tạp chí Sức khoẻ Cộng đồng số 11+12 ngày 20/06/2022
Nói đến y học cổ truyền là nói đến phương pháp chữa bệnh truyền thống, tự nhiên, sử dụng thảo dược, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt… Để điều trị hiệu quả bệnh viêm xoang theo y học cổ truyền, cần phải thăm khám tỷ mỉ để xác định đúng thể bệnh.
Theo y học cổ truyền bệnh viêm xoang thuộc phạm vi các chứng tỵ tắc, tỵ uyên, đầu thống. Các nguyên nhân gây ra bệnh viêm xoang do huyết nhiệt, can nhiệt, thấp nhiệt, phong nhiệt tà (cơ địa dị ứng, nhiễm khuẩn) hoặc do phong hàn tà (dị ứng với lạnh). Viêm xoang dị ứng thường do phế vệ hư suy dễ bị phong hàn tà xâm nhập, các biểu hiện gần giống với bệnh viêm mũi dị ứng. Viêm xoang nhiễm khuẩn thường do các nguyên nhân phong nhiệt, nhiệt độc tà gây nên. Viêm xoang liên quan đến công năng của tạng phế dẫn đến phế khí hư suy, bệnh lâu ngày nếu không điều trị đúng sẽ ảnh hưởng đến các tạng phủ khác đặc biệt tạng thận.
Vùng xoang, mũi có quan hệ với các tạng phủ trong cơ thể đặc biệt là phế, tỳ, đởm, thận thông qua hệ thống kinh lạc.
Phế: Mũi (tỵ) là khiếu của phế, mũi liên hệ với phế thông qua hầu họng, giúp phế thực hiện chức năng hô hấp (hô là thở ra, hấp là hít vào), lưu thông khí trong cơ thể với thiên khí bên ngoài. Sự thông điều của phế khí giúp mũi thực hiện chức năng khứu giác.
Tỳ: Tỳ có chức năng thống nhiếp huyết, mà mũi là nơi huyết mạch tập trung. Hoạt động chức năng sinh lý bình thường của xoang mũi là do sự nuôi dưỡng của tỳ. Viêm mũi, viêm xoang mãn tính cần phải bổ khí, trong đó có pháp kiện tỳ bổ khí. Bệnh lý của tỳ có thể biểu hiện ở mũi như: Tỳ nhiệt thì mũi đỏ, tỳ có phong tà thì mũi vàng.
Đởm: Đởm là phủ thanh dương. Nếu đởm khí bình hòa thì chức năng sinh lý của mũi, xoang bình thường. Nếu đởm kinh có nhiệt, thì mũi tiết dịch trọc (đục) gọi là tỵ uyên. Bệnh thực nhiệt ở xoang mũi phần nhiều là do can đởm nhiệt, theo kinh lạc mà dẫn lên.
Thận: Thận có công năng tàng tinh, chủ về nạp khí, chức năng của xoang mũi phụ thuộc vào sự nuôi dưỡng của thận tinh. Thận khí đầy đủ thì chức năng nạp khí được điều hòa, phế khí và xoang mũi thông sướng. Viêm xoang, ngạt mũi lâu ngày ảnh hưởng đến não bộ mà thận chủ tàng tinh, sinh tủy, thông lên não.
Viêm xoang dị ứng
Viêm xoang dị ứng có triệu chứng khá giống với bệnh viêm mũi dị ứng, nguyên nhân do phế khí hư, vệ khí bất cố, phong hàn tà thừa cơ xâm nhập.
Triệu chứng: Ngứa mũi 2 bên, hắt hơi nhiều, có khi hắt hơi thành từng tràng dài liên tục 5 – 10 cái, không kiềm chế được. Hắt hơi nhiều gây váng nhức đầu, mệt mỏi, đau rát vùng mũi họng. Chảy nước mũi trong, loãng, lượng nhiều. Các triệu chứng đó tăng về sáng sớm và khi thay đổi thời tiết. Người bệnh sợ gió, sợ lạnh, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mệt mỏi, đoản hơi, đoản khí.
Pháp điều trị: Bổ khí cố biểu, khu phong tán hàn.
Viêm xoang nhiễm khuẩn
Viêm xoang nhiễm khuẩn thường do các nguyên nhân phong nhiệt, nhiệt độc tà gây nên. Viêm xoang nhiễm khuẩn được chia thành viêm xoang cấp tính và viêm xoang mãn tính.
Viêm xoang cấp tính
Triệu chứng: Bệnh mới mắc, triệu chứng rầm rộ, ngạt mũi một bên hoặc cả hai bên; chảy nước mũi đặc, vàng hoặc xanh, dịch có mùi hôi. Vùng xoang hàm, xoang trán đau nhức. Gai sốt, nhức đầu. Lưỡi bẩn, rêu vàng, chất lưỡi đỏ, hơi thở có mùi hôi.
Pháp điều trị: Thanh nhiệt giải độc, phát tán phong nhiệt (nếu do phong nhiệt).
Viêm xoang mãn tính
Triệu chứng: Bệnh viêm xoang kéo dài, diễn biến liên tục có thể có xen kẽ những đợt viêm xoang cấp tính. Có biểu hiệu đau nhức đầu vùng trán và sau chẩm. Thường xuyên chảy nước mũi hoặc chảy dịch xuống họng, dịch có mùi hôi, đặc dính. Ngạt mũi, giảm hoặc mất khứu giác. Nếu bệnh lâu ngày có tổn thương đến tạng thận, tỳ thì có thể có thêm các triệu chứng khác như: Ù tai, khó thở, hay quên, mệt mỏi, chân tay vô lực, ngủ kém, ăn kém, …
Pháp điều trị: Dưỡng âm, thanh nhiệt, bổ phế tỳ thận hư.
Chữa viêm xoang bằng y học cổ truyền
Vùng mũi xoang là cửa ngõ ra vào của khí, là nơi khí thanh dương giao hội. Thông qua kinh lạc mũi, xoang có mối quan hệ mật thiết với các tạng phủ, đặc biệt là phế, tỳ, thận, đởm. Khi chữa bệnh viêm mũi, viêm xoang cần phải căn cứ vào tình trạng tổn thương khí huyết, tạng phủ trên từng bệnh nhân cụ thể để đưa ra pháp điều trị tốt nhất.
Thuốc thảo dược đường uống
Phương hương thông khiếu: Đây là phương pháp dùng các vị thuốc khinh thanh phương hương (nhẹ, hương thơm, có tính thăng tán) để thông tán sự bế tắc của tị khiếu. Các vị thuốc hay dùng là: Thương nhĩ tử (ké đầu ngựa), Tân di, Thạch xương bồ, Bạch chỉ, Hoắc hương, Cúc hoa, Bạc hà…
Sơ phong giải biểu: Phương pháp này thường được dùng cho bệnh viêm mũi, viêm xoang giai đoạn đầu, khi tà còn đang ở biểu. Nên dùng các vị thuốc giải biểu có vị cay (tân), tính tán để giải biểu tà. Nếu tà gây bệnh là phong nhiệt nên dùng các vị thuốc tân lương giải biểu (phát tán phong nhiệt) như: Liên kiều, Cúc hoa, Tang diệp, Mạn kinh tử, Ngưu bàng tử… Nếu tà gây bệnh là phong hàn nên dùng các vị thuốc tân ôn giải biểu (phát tán phong hàn) như: Kinh giới, Hương nhu, Phòng phong, Tô diệp, Sinh khương…
Thanh nhiệt giải độc: Dùng trong các trường hợp tà nhiệt ở trong, niêm mạc mũi, xoang sưng nề, đỏ, chảy dịch mủ vàng đặc, mùi hôi, đau đầu nhiều. Thường dùng các vị thuốc hàn lương để thanh nhiệt tà, giải độc như: Kim ngân, Liên Kiều, Chi tử, Bồ công anh, Long đởm thảo…
Thanh nhiệt lợi thấp: Phương pháp này dùng trong trường hợp thấp nhiệt ứ đọng, cuốn mũi, niêm mạc xoang phù nề, chảy mủ hôi, màu vàng đặc. Các vị thuốc thường dùng là: Sa tiền tử, Mộc thông, Trạch tả…
Hành khí hoạt huyết: Phương pháp điều trị này thường được dùng trong các trường hợp khí huyết ứ trệ, kinh lạc bế tắc ở tỵ khiếu, niêm mạc mũi, xoang phù nề, sắc tím, ngạt mũi kéo dài. Các vị thuốc hay dùng là: Trạch lan, Hồng hoa, Đào nhân, Hương phụ… có tác dụng hành khí thông lạc, hoạt huyết hóa ứ, tiêu thũng tán kết.
Ôn phế bổ tỳ: Bệnh mũi, xoang do tỳ, phế khí hư thường có biểu hiện: Niêm mạc mũi, xoang nhợt, hay hắt hơi, chảy nước mũi trong. Phế khí hư nhiều thì đoản hơi, đoản khí, tự hãn. Tỳ khí hư nhiều thì sắc mặt vàng nhợt, mệt mỏi, chân tay vô lực, ăn uống kém. Tùy vào từng trường hợp bệnh nhân phế hư hay tỳ hư nhiều hơn để ra phương thang cho phù hợp.
Tư bổ thận âm: Bệnh viêm mũi, viêm xoang mãn tính thường có tổn thương thận âm. Một số biểu hiện của thể bệnh này như: Niêm mạc mũi, xoang đỏ, teo, khô, có gỉ mũi đóng thành cục, giảm khứu giác, hay buồn ngủ, hay quên, đau lưng mỏi gối, tai ù tai điếc… Pháp điều trị trường hợp này là tư dưỡng thận âm, thường dùng các vị thuốc: Thục địa, Sơn thù, Đan bì, Trinh nữ tử, Cẩu kỷ tử…
Bổ hư thác độc: Phương pháp điều trị này thường dùng trong trường hợp viêm mũi, viêm xoang mãn tính, chảy mủ dài ngày không khỏi. Thường dùng các vị thuốc bổ khí huyết và bài nùng, thác độc để vừa bổ chính khí, vừa giải độc tà.
Thuốc dùng ngoài
Thuốc bột thổi: Là phương thuốc được chế từ các vị thuốc sơ phong thanh nhiệt, thông kiếu như: Hoàng liên, Tân di… hay sơ phong tán hàn thông khiếu như: Tân di, Xuyên khung, Tế tân… Các vị thuốc cần được tán dưới dạng bột mịn, dùng ống giấy hoặc bình thổi để thổi vào mũi, ngày 2 – 3 lần. Khi thổi, bệnh nhân cần phải nhịn thở, tránh hít sâu để tránh thuốc xuống họng gây ho.
Thuốc nhỏ (xịt) mũi: Dùng các vị thuốc có tác dụng tuyên tán, khu phong, thông khiếu sắc dạng nước dùng để nhỏ hoặc cho vào bình dạng xịt phun sương để thuốc vào sâu đến xoang hơn, tăng tác dụng và thuận tiện hơn cho việc điều trị.
Xông thuốc: Các thuốc thường được dùng là các vị phương hương, thông khiếu như: Bạch chỉ, Bạc hà, Tân di, Thương nhĩ tử (ké đầu ngựa)… Đun sôi thuốc, dùng mũi hít hơi thuốc bốc lên, hít sâu và thở ra nhẹ nhàng.
Châm cứu hoặc cấy chỉ
Châm cứu hoặc cấy chỉ là phương pháp chữa bệnh viêm xoang không dùng thuốc, châm kim hoặc đưa chỉ tự tiêu vào huyệt.
Châm tại chỗ: Chọn các huyệt: Nghinh hương, Quyền liêu, Ấn đường, Toản trúc…
Châm toàn thân: Tùy vào thể bệnh, nguyên nhân gây bệnh để chọn các nhóm huyệt sơ phong, thanh nhiệt, hay bổ phế, tỳ, thận.
Thần châm: Châm cứu “Thần châm” là thế mạnh của Nam Y, dùng kim nhỏ châm vào các huyệt tại chỗ để tập trung nguồn năng lượng nội sinh chống lại các tác nhân gây bệnh, chống dị ứng, làm co cuốn mũi, tăng cường tuần hoàn cho não.
Cứu hoặc ôn châm: Đối với những trường hợp mắc bệnh viêm mũi, viêm xoang thể hàn, có thể cứu ngải hoặc ôn châm các huyệt Nghinh hương, Quyền liêu, Ấn đường, Toản trúc, Dương bạch, Bách hội…
Nhĩ châm: Nhĩ châm các điểm mũi trong, má, phế. Lưu kim 20 phút hoặc cài loa tai bằng nhĩ hoàn.
Bệnh viêm xoang phổ biến trong nhân dân, tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng do ảnh hưởng của các nguyên nhân bên ngoài và bên trong cơ thể. Bệnh viêm xoang cấp và mãn tính theo y học cổ truyền được chia ra thành các thể khác nhau, mỗi thể bệnh có triệu chứng, pháp và phương điều trị khác nhau. Do đó, đến với nhà thuốc Thọ Xuân Đường, bệnh nhân sẽ được thăm khám tỷ mỉ, được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp với cơ địa, giai đoạn, mức độ bệnh. Với truyền thống chữa bệnh bằng y học cổ truyền 400 năm, nhà thuốc đã chữa thành công bệnh viêm xoang cho nhiều bệnh nhân. Tuy bệnh viêm xoang không quá nguy hiểm đến tính mạng nhưng những triệu chứng khó chịu, biến chứng lâu dài sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và đời sống của bệnh nhân. Bởi vậy, điều trị bệnh viêm xoang là cần thiết và nên lựa chọn nhà thuốc Thọ Xuân Đường để được chữa bệnh tận gốc bằng y học cổ truyền Việt Nam với các bài thuốc Nam y Nam dược, châm cứu / cấy chỉ và trị liệu truyền thống tăng sức khỏe.
Bác sĩ Nguyễn Thuỳ Ngân (Thọ Xuân Đường)