BIỂU HIỆN NHƯ THẾ NÀO LÀ BỆNH ĐỘNG KINH?
Bệnh động kinh từ lâu đã được mọi người biết đến nhưng ít ai thực sự hiểu về nó. Khi nhắc đến biểu hiện của bệnh động kinh mọi người thường nghĩ ngay tới một người co giật toàn thân, sùi bọt mép và mất ý thức. Vậy đó có phải biểu hiện của bệnh động kinh không? Cùng nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu nhé!
1. Khái niệm bệnh động kinh
Bệnh động kinh là một bệnh mạn tính đặc trưng là sự lặp đi lặp lại các cơn co giật do sự phóng điện quá mức của tế bào thần kinh não bộ, dù cho các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng kết hợp có thể khác nhau.
Động kinh có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như chấn thương sọ não, dị dạng mạch não, di chứng của viêm não – viêm màng não, u não và các bất thường khác ở não bộ… Động kinh đôi khi cũng không tìm được nguyên nhân gì cụ thể và rõ ràng.
2. Biểu hiện bệnh động kinh
Tùy theo từng thể bệnh động kinh mà có thể xuất hiện các biểu hiện khác nhau
- Động kinh cơn lớn
Các cơn động kinh thường xuất hiện bất thình lình và không có dấu hiệu báo trước. Bệnh nhân đột ngột bất tỉnh, té ngã, thở rít lên, tay chân duỗi gồng cứng đờ, tím môi vì ngưng thở, hai hàm răng cắn chặt dễ chảy máu lưỡi.
Tiếp theo là co giật các cơ, ép ngực khó thở, sùi bọt mép, mắt nhấp nháy, tròng mắt trợn ngược, bớt co giật rồi ngưng hẳn. Sau đó bệnh nhân mê đi, gọi hỏi không biết nhưng dần dần tỉnh lại và không nhớ cơn co giật đã xảy ra.
- Động kinh cơn vắng ý thức
Thể bệnh này thường gặp ở trẻ em gái và do người thân phát hiện, các triệu chứng xảy ra khá nhanh.
Trẻ tự nhiên nhìn đỡ đẫn, sắc mặt tái, chép lưỡi nhai nuốt vài lần. Nếu tay đang cầm đồ hay viết thì sẽ rơi đồ, rơi bút hoặc viết ngệch ngoạc vài nét. Một số trẻ có thể co giật tròng mắt. Sau đó cơn tự hết hoặc diễn biến thành động kinh cơn lớn.
- Hội chứng West
Thể bệnh này thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, hay gặp ở bé trai. Biểu hiện là lúc thức giấc đột nhân gục đầu vào thân mình, 2 tay duỗi ra trước rồi trở về bình thường. Mỗi ngày thường xảy ra nhiều cơn.
Những bé này thường chậm phát triển trí tuệ hơn các bé cùng độ tuổi.
3. Làm thế nào khi cơn động kinh xuất hiện
Khi cơn động kinh xuất hiện thường bệnh nhân bị mất ý thức nên không kiểm soát được hành động của bản thân.
• Những việc nên làm
- Nhanh chóng giải tỏa các mối nguy hiểm xung quanh bệnh nhân ví dụ có vật nào đè lên, dây điện, các vật nhọn, các vật có thể gây sang chấn cho bệnh nhân…
- Giải tỏa không gian, tránh không cho mọi người tụ tập quanh bệnh nhân. Đồng thời nới lỏng quần áo để bệnh nhân dễ thở. Dùng gối hoặc quần áo gấp lại làm thành gối để đưới đầu bệnh nhân
- Tính thời gian co giật xem cơn động kinh kéo dài bao lâu
- Khi bệnh nhân hết cơn cho bệnh nhân nằm nghiêng 1 bên, chùi sạch nước bọt hoặc các chất nôn
- Gọi cấp cứu hoặc nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất nếu ở 1 trong các trường hợp sau:
Bệnh nhân chưa được chẩn đoán động kinh trước đó
Cơn co giật kéo dài trên 5 phút
Bệnh nhân đang mang thai, bị tiểu đường hoặc chấn thương khi co giật
Cơn động kinh thứ 2 xảy ra ngay sau cơn động kinh đầu tiên
Sau khi hết cơn bệnh nhân kêu khó thở, mệt mỏi, đau đớn hoặc có dấu hiệu bất thường.
• Những việc không được làm khi bệnh nhân đang có cơn động kinh
- Không cho bệnh nhân ăn hay uống bất cứ thứ gì, vì nó có thể khiến bệnh nhân sặc hoặc hít vào phế quản
- Không cố gắng ngăn bệnh nhân cắn lưỡi bằng cách đưa vật gì đó vào miệng bệnh nhân, điều này có thể gây phản tác dụng.
- Không đè hoặc giữ chặt tay chân bệnh nhân lúc đang co giật